Viện kiểm sát bác kháng cáo xin giảm án của "siêu lừa" Hà Thành
(Dân trí) - Viện kiểm sát đánh giá, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành là chủ mưu gây ra hàng loạt vụ lừa đảo, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn nên bác kháng cáo xin giảm nhẹ án chung thân của bị cáo này.
Sáng 28/3, phiên xét xử phúc thẩm "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành (40 tuổi, trú phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 12 bị cáo khác (trong số 26 bị cáo) trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục phần tranh luận.
Bị cáo khóc nghẹn xin giảm án cho người thân
Tự bào chữa cho bản thân, hầu hết các bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét các tình tiết trong vụ án cũng như nhân thân để giảm nhẹ hình phạt.
Một số bị cáo trình bày thêm các tình tiết mới như gia đình có công với cách mạng, là lao động chính trong gia đình.
"Bị cáo không hiểu biết về pháp luật, nhìn thấy hưởng lãi suất cao nên đã cho vay, cùng một thời điểm bị cáo bị 2 vụ kiện trong giao dịch dân sự. Bị cáo còn 3 con nhỏ nên mong quý tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt", bị cáo Triệu Đình Hoan (45 tuổi, trú huyện Thanh Trì, Hà Nội) trình bày.
Bị cáo Hoan bị tòa sơ thẩm tuyên 30 tháng tù về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Bị cáo Nguyễn Thị Là (41 tuổi, trú huyện Thanh Trì, Hà Nội) giãi bày, trong vụ án này chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì.
Do đó bị cáo mong HĐXX xem xét cho hưởng án treo.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Là lĩnh án 18 tháng tù về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
"Bị cáo xin cho anh trai được giảm nhẹ hình phạt. Anh trai bị cáo là lao động chính trong nhà, phải nuôi 3 con nhỏ, nếu phải đi tù sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế trong gia đình", bị cáo Triệu Thị Hạnh (39 tuổi, trú huyện Thanh Trì, Hà Nội) khóc nghẹn trình bày.
Bị cáo Hạnh là em gái bị cáo Triệu Đình Hoan.
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Triệu Thị Hạnh bị tuyên phạt 18 tháng tù về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Chủ mưu trong vụ án là Nguyễn Thị Hà Thành xin giảm nhẹ án chung thân mà cấp sơ thẩm đã tuyên.
Tại tòa, bị cáo Thành được người nhà nộp thêm tiền khắc phục hậu quả. "Siêu lừa" Hà Thành trình bày gia đình khó khăn, đang nuôi 3 con nhỏ. Thành xin dùng 26% cổ phần tại Công ty Cổ phần đầu tư MHD để khắc phục thiệt hại.
Viện kiểm sát đánh giá, trong vụ án này bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành được xác định là chủ mưu gây ra hàng loạt vụ lừa đảo, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn.
Do đó, quan điểm của Viện kiểm sát Nhân dân Cấp cao là bác kháng cáo xin giảm án của "siêu lừa" Hà Thành.
Tại phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận ngân hàng Việt Á (VAB-VietABank) tiếp tục phong tỏa số cổ phần để khắc phục hậu quả phần sai phạm của Nguyễn Thị Hà Thành với ngân hàng này, còn 249 tỷ đồng.
Do Thành khai nguồn tiền mà bị cáo dùng mua cổ phần là vay mượn cả 3 ngân hàng.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của cả 3 ngân hàng này, VKS đề nghị tòa dùng số cổ phần này để khắc phục thiệt hại cho cả 3 ngân hàng, không riêng Việt Á.
Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội được tòa sơ thẩm xác định nộp 25 tỷ đồng cho ngân hàng Việt Á bồi thường thay cho Nguyễn Thị Hà Thành. Do đó, Hà Thành có nghĩa vụ trả lại cho MHD.
Tuy nhiên tại phiên phúc thẩm, Công ty MHD không đòi Hà Thành mà đề nghị ngân hàng Việt Á phải trả số tiền này.
Đại gia khẳng định gửi tiền ngân hàng đúng quy trình
Trong ngày đầu diễn ra phiên tòa phúc thẩm, ông Đ.N.T. và vợ ủy quyền cho hai người đại diện tham gia phiên tòa do sức khỏe yếu. Song sau đó vị đại gia này đã có mặt tại phiên tòa để làm rõ một số vấn đề mà Hội đồng xét xử hỏi.
Ông T. và vợ đã gửi 122 tỷ đồng vào ba ngân hàng là NCB, Việt Á, PvcomBank. Sau đó, "siêu lừa" Hà Thành đã giả chữ ký để làm hồ sơ cầm cố sổ tiết kiệm, vay tiền các ngân hàng chiếm đoạt.
Tại tòa, ông T. nhiều lần khẳng định việc gửi tiền của ông là hợp pháp, đúng quy định, quy trình của ngân hàng. Sau khi gửi tiền, ông T. được nhận lãi về tài khoản bình thường.
Đối với việc vì sao đưa cho "siêu lừa" Hà Thành giữ sổ tiết kiệm, ông T. lý giải Thành tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng đang cần chạy chỉ tiêu. Nếu ông T. gửi tiền qua chỗ Hà Thành giới thiệu sẽ được hưởng thêm lãi ngoài bằng lãi suất trên sổ tiết kiệm.
Mỗi lần gửi tiền, Thành nói nếu ông T. giữ sổ mà rút trước hạn ngân hàng sẽ thiệt thòi. Vì thế, ông T. tin rằng nếu chỉ có mỗi sổ tiết kiệm, Thành sẽ không thể làm gì nên đã đưa.
Ông T. cũng khai, Hà Thành nói mỗi ngân hàng có biện pháp riêng để thu hút người gửi tiền; có ngân hàng thực hiện biện pháp như bốc thăm trả thưởng, trả bằng vàng, hiện vật. Bản thân ông T. nghĩ tiền lãi ngoài là bình thường bởi tại một số ngân hàng ông cũng được trả thêm lãi suất ngoài mức lãi trần.