"Siêu lừa" Hà Thành xin được giảm án để về trả nợ
(Dân trí) - Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành trình bày lý do kháng cáo bản án sơ thẩm là để có thể sớm quay về làm việc trả nợ và chăm sóc gia đình.
Hôm nay 26/3, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành (40 tuổi, trú phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 13 bị cáo khác (trong số 26 bị cáo) trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đầu phiên tòa, bị cáo Lê Thị Hiên (cựu nhân viên ngân hàng) bất ngờ xin rút đơn kháng cáo. Trong phiên sơ thẩm, bị cáo Hiên bị tuyên phạt 30 tháng tù treo về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.
Trước bục khai báo, "siêu lừa" Hà Thành khai lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là để có thể sớm quay về làm việc trả nợ cho những người mà mình đã vay.
Bị cáo Hà Thành trình bày, trong thời gian tạm giam, bị cáo đã suy nghĩ rất kỹ về quá trình phạm tội của bản thân. Để mọi người phải đứng trước phiên tòa, bị cáo thấy rất ăn năn.
"Xuất phát điểm của bị cáo khi vay tiền không có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, bị cáo mong HĐXX xem xét các tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo", Nguyễn Thị Hà Thành trình bày và cho biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang nuôi con nhỏ, bản thân mang bệnh, gia đình có công với cách mạng.
Để khắc phục hậu quả vụ án, "siêu lừa" Hà Thành cho biết sẽ để lại 26% cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội, tương đương khoảng 75 tỷ đồng.
Số tiền 75 tỷ đồng này, nữ bị cáo khai được rút từ các khoản vay của ngân hàng song bị cáo không xác định được cụ thể rút từ ngân hàng nào.
Ngoài ra còn 10 tỷ đồng tiền cơ quan điều tra thu lại của chị B.T.T.Th. là tiền mà bị cáo mua cổ phần. Với số tiền này, Hà Thành mong muốn được khắc phục cho ngân hàng Việt Á (VAB-VietABank).
Trong phiên xét xử buổi chiều nay, một số bị cáo giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo nộp thêm nhiều giấy tờ chứng minh gia đình có công với cách mạng, là lao động chính trong gia đình, gia đình hoàn cảnh khó khăn.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Hà Thành đã thực hiện gần 30 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng.
Do kinh doanh thua lỗ, Hà Thành đã nợ khoảng 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, Nguyễn Thị Hà Thành dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.
"Siêu lừa" Hà Thành đã câu kết với 17 người là cựu cán bộ, nhân viên ngân hàng PVcomBank, NCB, Việt Á để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các "đại gia", hứa hẹn trả lãi ngoài cao.
Bản án sơ thẩm nhận định nhóm cựu cán bộ ngân hàng đã bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo, lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo,... qua đó giúp Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác.
Tổng cộng Nguyễn Thị Hà Thành đã chiếm đoạt của ngân hàng NCB 47,5 tỷ đồng; PVcomBank 49,4 tỷ đồng; VAB hơn 273 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.
Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hà Thành tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 25 người còn lại bị tuyên phạt từ 12 tháng cải tạo không giam giữ đến 18 năm tù giam.