1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vì sao phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tử vong ở Hòa Bình kéo dài?

(Dân trí) - Xác định sai tư cách của những người tham gia tố tụng; số lượng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhiều; những chuyên gia có thể làm sáng tỏ những vấn đề pháp lý thì họ không được nói, hoặc không được tòa mời đến; còn nhiều “lỗ hổng” trong quy trình khám, chữa bệnh;…đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ chạy thận tử vong ở Hòa Bình kéo dài.

Kết thúc 9 ngày xét xử sơ thẩm của vụ án chạy thận làm 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình xảy ra ngày 29/5/2017, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) là người tham gia trực tiếp tại phiên tòa để có cái nhìn tổng quan về 9 ngày xét xử vụ án này.

Luật sư Huế cho biết, về vụ án trên, những người đang hành nghề y ở Việt Nam và nước ngoài, những bác sĩ đang làm việc và sinh sống khắp nơi trên thế giới cũng đã nói lên tiếng nói quan điểm của mình. Ngoài ra, không những cộng đồng ngành y, cộng đồng ngành luật, mà nhân dân cả nước rất quan tâm đến vụ án này.

Luật sư Nguyễn Danh Huế trao đổi với phóng viên Dân trí.
Luật sư Nguyễn Danh Huế trao đổi với phóng viên Dân trí.

“Xác định sai tư các tố tụng, không bắt họ đến tòa được”

Kết quả của phiên tòa này nó sẽ có quyết định rất lớn đến “bức tranh” của ngành y tế, cũng như liên quan đến không gian và môi trường của bác sĩ ở bệnh viện Việt Nam trong tương lai.

Phiên tòa này số lượng bị cáo không nhiều so với các phiên tòa khác, nhưng số lượng nạn nhân bị thiệt hại rất nhiều; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rất nhiều. Chính vì vậy, việc thẩm vấn, xét hỏi trong phiên tòa sẽ được kéo dài.

Đặc biệt hơn, theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, phiên tòa này ngay từ đầu các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định sai tư cách của những người tham gia tố tụng, hoặc không xác định được tư cách của những người có liên quan. Ví dụ như ông Trương Quý Dương – nguyên GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong phần lấy cung của ông này ở cơ quan điều tra, và ông Hoàng Đình Khiếu – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BVĐK tỉnh Hòa Bình) và một số những người khác, thì trong biên bản lời khai, trong những bút lục lại không thể hiện họ tham gia tố tụng với tư cách gì.

Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.

“Chính vì xác định sai từ các tố tụng của một số người liên quan là “mắt xích” quan trọng trong vụ án này thì sẽ dẫn họ xác định sai những người nói trên tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, chính vì thế pháp luật có một “lỗ hổng” không bắt họ đến phiên tòa được. Khi không có mặt những người này tại phiên tòa, thì sự thật khách quan của vụ án trở lên bế tắc, những người có mặt tại phiên tòa theo ủy quyền cũng không phản ánh hết sự thật khách quan của vụ án. Chính vì vậy, thời gian để xác định được sự thật của vụ án tại tòa rất khó khăn và kéo dài như vậy” – Luật sư đánh giá.

Luật sư Huế chia sẻ thêm, với tư cách là luật sư tham gia rất nhiều vụ án khác nhau, đây là vụ án có những yếu tố pháp lý rất sinh động, cụ thể: Quy trình từ khám, chữa bệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về y tế còn nhiều “lỗ hổng”; nội quy, quy chế của bệnh viện cũng chưa được hoàn thiện. Chính vì các điều này dẫn đến việc xác định các lỗi của các chủ thể gặp nhiều khó khăn, bản thân có nhiều “nút thắt” của vụ án, nhưng khi hỏi Bộ Y tế cũng không trả lời được, Bộ Y tế cũng khẳng định là chưa có những quy định đó (quy trình về chạy thận, lọc máu –pv).

Có khuynh hướng buộc tội và dấu hiệu mớm cung, thông cung

Trong diễn biến của vụ án, nhiều luật sư đã đưa ra các bằng chứng, dẫn chứng cho thấy quá trình điều tra, truy tố xét xử việc thu thập chứng cứ chưa được khách quan. Ví dụ như có bằng chứng việc mớm cung, thông cung; có những bằng chứng chứng minh có lời khai “sinh đôi”, cùng một giờ một điều tra viên lại hỏi được hai bị can khác nhau.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan tố tụng có khuynh hướng buộc tội cho các bị cáo, thay vì phải theo nguyên tắc của pháp luật là phải suy đoán vô tội, các cơ quan tố tụng lại thu thập chứng cứ theo hướng suy đoán có tội.

Cũng theo Luật sư Huế, đặc biệt sinh động nhất là trong phiên tòa ngày 25/5, một trong những căn cứ buộc tội cho Hoàng Công Lương là bị cáo này thừa lệnh trưởng khoa ký biên bản đề xuất phương án sửa chữa hệ thống lọc nước RO của máy chạy thận vào ngày 20/4/2017 (điều này để cáo buộc cho Hoàng Công Lương có vai trò lãnh đạo ở Đơn nguyên thận nhân tạo-pv). Nhưng luật sư lại đưa ra bằng chứng có nhiều nội dung yêu cầu sửa chữa cũng được ký bởi những bác sĩ khác nhau, chứng tỏ vai trò của bác sĩ Hoàng Công Lương và các bác sĩ khác đều như nhau. Nhưng những bằng chứng này lại không được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, họ chỉ thu thập những chứng cứ buộc tội, điều này rất bất lợi cho các bị cáo.

Bị cáo Hoàng Công Lương.
Bị cáo Hoàng Công Lương.

“Phiên tòa chưa kết thúc, những vấn đề hạn chế, tồn tại phiên tòa đã được chỉ ra rất rõ từ quá trình điều tra-tuy tố-xét xử. Để có phiên tòa khách quan, toàn diện thì những lỗi của tố tụng phải được xác định rất rõ; những người có trách nhiệm của phiên tòa phải được triệu tập đến; những bằng chứng, chứng cứ được các luật sư đưa ra cần được xem xét một cách toàn diện khách quan thì kết quả của vụ án mới phản ánh đúng sự thật khách quan, đảm bảo không oan sai và không bỏ lọt tội phạm” – Luật sư Huế nêu quan điểm.

Cuối cùng, Luật sư Huế đưa ra bình luận, thẩm phán là chủ tọa phiên tòa điều hành tốt, đã tạo ra một không gian để trình bày pháp lý cho luật sư rất thoải mái và họ đã biết hướng đến những vấn đề quan trọng của vụ án để điều hành. Nhưng “điểm trừ” của phiên tòa này là những chuyên gia có thể làm sáng tỏ những vấn đề pháp lý thì họ không được nói, hoặc không được tòa mời đến.

Nguyễn Dương