Vì sao nhiều người vẫn bị dàn cảnh va chạm giao thông để trộm tài sản?
(Dân trí) - Các đối tượng trộm cắp dùng thủ đoạn rất quen thuộc là vờ va chạm giao thông tại ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, sau đó ra tay trộm cắp. Rất nhiều vụ việc với “kịch bản” như trên đã xảy ra nhưng nhiều người vẫn sơ hở, tự biến mình thành “con mồi” cho kẻ xấu.
“Kịch bản” quen thuộc
Nhiều năm qua, chiêu trò dàn cảnh va chạm giao thông để trộm cắp tài sản tại các ngã ba, ngã tư đông đúc diễn ra khá nhiều. Vụ việc chị Trần H. H. (trú tại La Thành, Đống Đa, Hà Nội) bị trộm túi xách ở ngã ba Xã Đàn - Nam Đồng chiều qua (2/10/2018) là một ví dụ điển hình.
Khi chị H. dừng xe chờ đèn tín hiệu giao thông tại ngã ba trên, một nam thanh niên đi xe SH đã cố tình đâm vào phía sau xe chị. Chỉ chờ chị H. quay lại phía sau, đồng bọn của thanh niên này nhanh tay nẫng chiếc túi xách chứa nhiều tài sản, giấy tờ treo phía trước. Chị H. phát hiện ra thì tất cả đã cao chạy xa bay.
Một vụ khác xảy ra chiều tối 5/1/2016 tại ngã tư Bạch Mai - Minh Khai. Người phụ nữ đi xe SH bị dàn cảnh va chạm giao thông, trộm túi xách có chứa 50 triệu đồng. Xót của, nữ nạn nhân ngất xỉu, được người dân đưa vào vỉa hè sơ cứu.
Ở những vụ việc tương tự, có trường hợp nạn nhân kịp thời phát hiện hành vi phạm pháp của đối tượng đã hô hoán, cùng người dân và lực lượng chức năng truy bắt.
Tối 11/10/2012, chị Phạm Thị T. D. (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dừng chờ đèn tín hiệu ở ngã tư Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo. Lúc này, Lê Thị Hậu (SN 1981, ở Phố Nỉ, Trung Giã, Sóc Sơn) và Trần Văn Mão (SN 1976, ở ngõ Quỳnh, quận Hai Bà Trưng) dàn cảnh va chạm giao thông. Một đối tượng đâm vào xe chị D. để thu hút sự chú ý, đối tượng còn lại áp sát, lấy trộm túi xách của nạn nhân.
Chị H. phát hiện, hô hoán, cùng người dân truy đuổi. Các đối tượng bỏ chạy nhưng bị Công an phường Hàng Bài bắt giữ.
Một vụ khác, kẻ gian bị truy đuổi còn manh động dùng bình xịt hơi cay chống trả. Sáng 29/9/2014, Dương Mạnh Hùng (SN 1981, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng đồng bọn dàn cảnh va chạm giao thông để trộm tài sản của chị Lê Thị Hồng P. (SN 1976, trú tại phố Khâm Thiên, Đống Đa) tại nút giao thông Ô Chợ Dừa.
Một đối tượng cố tình va chạm với chiếc xe của chị P. để Hùng chở một đối tượng nữ khác áp sát, lấy cắp túi xách chị P. treo ở xe. Cảnh giác cao vì từng đọc báo về các vụ việc tương tự, chị P. đã phát hiện ra “màn kịch” của các đối tượng và hô hoán, cùng người dân truy đuổi. Trong lúc bỏ chạy, đối tượng nữ ngồi sau xe đã liên tục dùng bình xịt hơi cay xịt vào những người truy đuổi nhằm “cắt đuôi”.
Cơ quan công an cùng người dân đã chặn dừng được chiếc xe của hai đối tượng, bắt giữ được Hùng, còn đối tượng nữ đã nhanh chân chạy thoát.
Trưa 18/2/2016, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) phối hợp cùng người dân chặn bắt, tóm gọn Hoàng Văn Chiến (SN 1967, ở Trại Găng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi vừa gây ra vụ trộm cắp tài sản tại ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài cũng với thủ đoạn vờ va chạm giao thông.
Đừng tự biến mình thành “con mồi”
Theo Trung tá Lê Kim Đồng - Đội trưởng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm trên tuyến và địa bàn (Đội 5, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội) - các đối tượng trộm cắp đã dùng thủ đoạn rất quen thuộc là vờ va chạm giao thông tại ngã tư có đèn tín hiệu giao thông sau đó ra tay trộm cắp.
“Con mồi” các đối tượng nhắm đến là những người điều khiển xe máy để tài sản sơ hở, thường là phụ nữ đi xe tay ga, treo túi xách ở móc treo đồ phía trước.
Trung tá Lê Kim Đồng cho hay, cơ quan công an nắm được các đối tượng hoạt động trộm cắp với phương thức, thủ đoạn trên. Đây đều là các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự nên tỏ ra rất ranh ma khi thực hiện hành vi phạm tội cũng như khi bị cảnh sát bắt.
“Chúng tôi nắm được các đối tượng, tuy nhiên chúng hoạt động rất tinh vi. Chỉ cần “đánh hơi” thấy có cảnh sát theo dõi, chúng sẽ tản ra.” - Trung tá Đồng nói và cho biết, các đối tượng thường hoạt động theo nhóm, đi trên 2-3 xe máy. Một đối tượng sẽ dàn cảnh va chạm giao thông để thu hút sự chú ý của nạn nhân, đối tượng khác lợi dụng sự mất cảnh giác của nạn nhân để trộm tài sản. Nếu nạn nhân phát hiện, truy đuổi, đối tượng khác sẽ có nhiệm vụ cản trở, gây khó khăn cho nạn nhân.
Theo Đội trưởng Đội 5, khó khăn nhất đối với lực lượng chức năng khi đối phó với loại tội phạm này là bắt quả tang hành vi phạm pháp.
“Các đối tượng đều có nhiều tiền án, tiền sự nên rất ranh ma, phải bắt quả tang mới xử lý được. Tuy nhiên, thường thì cảnh sát hoặc người dân chỉ bắt được đối tượng vờ va chạm giao thông, không có tang vật nên rất khó xử lý. Bị đưa về trụ sở công an, các đối tượng nhất quyết chối tội. Nhiều trường hợp nạn nhân nhớ được biển số xe đối tượng trộm cắp hoặc camera ghi lại được hình ảnh nhưng phần lớn cũng không tìm ra được vì các đối tượng thường sử dụng biển số xe giả.” - Trung tá Đồng chia sẻ.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, theo Trung tá Đồng, người dân đừng tự biến mình thành “con mồi”.
“Không nên để tài sản sơ hở, đặc biệt là phụ nữ cần nâng cao cảnh giác, nên cất tài sản trong cốp xe, không nên treo hớ hênh bên ngoài. Khi có va chạm, nên chú ý đến tài sản của mình đầu tiên, đừng để kẻ xấu đánh lạc hướng.” - Trung tá Đồng khuyến cáo.
Tiến Nguyên