Vì sao mafia khắp thế giới "thèm khát" rác thải?
(Dân trí) - Một thực tế mà nhiều người đã biết là các tổ chức xã hội đen ở Mỹ, Italy và nhiều quốc gia khác tham gia hoạt động gom rác, chất thải với vỏ bọc hoàn toàn hợp pháp.
Hồi tháng 1/2008, chính quyền Italy đã phải huy động quân đội dọn dẹp những đống chất thải ngày càng nhiều ở thành phố Napoli. Người dân đổ lỗi cho chính quyền vì đã không hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn Camorra, tập đoàn tội phạm địa phương, kiểm soát thu gom rác thải và đã gây ra vấn nạn liên quan tới rác thải triền miên của thành phố trong hơn một thập kỷ.
Vùng Campania của Italy cũng đối mặt với vấn nạn đốt và xả trộm chất thải độc hại từ thập niên 80 của thế kỷ trước tới nay. Đây là lý do chủ chốt khiến tỷ lệ người trẻ tử vong vì ung thư trong vùng tăng vọt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nông nghiệp và sản xuất thực phẩm.
Tập đoàn tội phạm Camorra cũng là thế lực gây nên vấn nạn môi trường ở vùng Campania.
Một thực tế mà nhiều người đã biết là các tổ chức xã hội đen ở Mỹ, Italy và nhiều quốc gia khác tham gia hoạt động gom rác, chất thải với vỏ bọc hoàn toàn hợp pháp.
Theo trang Slate, tập đoàn tội phạm Camorra đã kiểm soát hoạt động gom rác thải ở Napoli, Italy trong vài chục năm. Sự kiểm soát của Camorra đã gây ra hàng loạt vấn nạn ở Napoli, bao gồm các hoạt động thu gom rác bất cẩn, tống tiền, quấy rối các đối thủ cạnh tranh thu gom rác và thậm chí đổ chất thải độc hại bất hợp pháp.
Vào giữa thế kỷ 20, giới tội phạm đã thấy và nắm bắt cơ hội khi các thành phố bắt đầu sử dụng công ty tư nhân để quản lý chất thải thương mại. Các nhóm mafia bắt đầu loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, gian lận giá và kiểm soát việc gom rác thải. Những thành viên cấp cao hơn trong tổ chức tội phạm thực hiện các công việc "tư vấn" với chính quyền, trong khi phần tử mafia cấp thấp thực hiện những hành vi bẩn thỉu.
Sự can dự của mafia vào mảng gom rác là điều dễ hiểu khi người ta biết cách thức kiếm tiền của chúng. Giới tội phạm có tổ chức luôn chọn những ngành dễ xâm nhập, dễ độc quyền, dễ kiểm soát và mang lại lợi nhuận kếch xù.
Những mảng hấp dẫn khác đối với mafia bao gồm buôn ma túy, buôn người, phân phối hàng lậu và hàng bất hợp pháp. Nhưng so với những mảng đó, việc vận chuyển rác từ điểm này tới điểm kia đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần vài xe tải và mấy công nhân, mafia có thể thành lập doanh nghiệp vận chuyển rác trong nháy mắt.
Xử lý rác, chất thải là lĩnh vực hiếm hoi mà mafia có thể đạt được yếu tố hợp pháp. Đây cũng là một ngành đặc biệt ổn định do nhu cầu phổ biến và lợi nhuận đều đặn từ các hợp đồng công. Trên hết, thu gom rác là một cách để "hớt váng" lợi nhuận và rửa tiền bẩn từ các hoạt động phi pháp của thế giới ngầm. Nhờ các hợp đồng gom rác với chính quyền, mafia có thể phơi bày tiền bẩn của chúng trên các tờ khai thuế.
Các tổ chức tội phạm khắp thế giới cũng kiếm tiền từ các hoạt động liên quan tới rác. Ở một số vùng ở Đài Loan, các băng đảng xã hội đen đào sỏi ở bờ sông và bán cho các công ty xây dựng. Sau đó, chúng lấp đầy các hố bằng chất thải, rác thu gom được.
Tại thành phố New York, tội phạm đã thống trị hoạt động thu gom rác từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến khi Rudy Giuliani nắm quyền kiểm soát ngành này với tư cách là thị trưởng vào những năm 90. Quy trình kiếm tiền bắt đầu khi các thành viên mafia gia nhập hiệp hội Teamsters (bao gồm các tài xế xe chở rác). Việc này cho phép mafia chọn công ty mà thành viên của chúng sẽ tham gia. Với lực lượng tài xế ấy, mafia có thể thực hiện các hoạt động bẩn thỉu một cách hiệu quả.
"Đối với chúng tôi, rác là vàng", một phần tử mafia ở thành phố Naples (Italy) đã khai như vậy trước tòa án trong một phiên điều trần về vai trò của thế giới ngầm đối với hoạt động thu gom rác hồi năm 2008.
Theo Reuters, Grunge, Phillymag