1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vì sao cựu lãnh đạo BV Bạch Mai nhận 500 triệu đồng nhưng không dính tội?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Giám đốc Công ty BMS khai, vào các dịp lễ, tết nhiều lần đưa quà cho một số cựu lãnh đạo BV Bạch Mai, tổng số là hơn 500 triệu đồng. Vậy tại sao cơ quan tố tụng không xem xét tội nhận và đưa hối lộ?

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã ra kết luận, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 8 bị can trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan.

Các bị can gồm Nguyễn Quốc Anh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, Lý Thị Ngọc Thủy - nguyên Trưởng phòng và Phó phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS (Công ty BMS); Ngô Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng - thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS); Phạm Minh Dung - nguyên Tổng Giám đốc Công ty VFS.

Cả 8 bị can nói trên cùng bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Vì sao cựu lãnh đạo BV Bạch Mai nhận 500 triệu đồng nhưng không dính tội? - 1

Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo kết luận điều tra, bị can Phạm Đức Tuấn khai, vào các dịp lễ, tết và Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 từ năm 2016 đến 2019, Tuấn có đến Bệnh viện Bạch Mai đưa phong bì biếu cho Nguyễn Quốc Anh tổng số tiền là hơn 318 triệu đồng.

Ngoài ra, trong quan hệ với Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2017-2019, vào các dịp Tết âm lịch, Tuấn có biếu tiền cho Nguyễn Ngọc Hiền mỗi lần 50 triệu đồng, tổng cộng là 150 triệu đồng. 

Tuấn còn chỉ đạo nhân viên Công ty BMS đưa tiền biếu cho Trịnh Thị Thuận vào các dịp lễ, tết hoặc khi chuyển chứng từ thanh toán, mỗi lần là 5 hoặc 10 triệu đồng, tổng cộng là 50 triệu đồng.

Kết luận điều tra nêu rõ, Tuấn khai việc chi tiền cho Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận là để duy trì mối quan hệ, "ngoại giao" với lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, giúp thúc đẩy triển khai đề án, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả công ty và bệnh viện. Việc đưa tiền là do Tuấn chủ động, không có thỏa thuận, hứa hẹn trước, cũng như không có yêu cầu từ phía các bị can tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nguồn tiền đưa cho các cá nhân tại Bệnh viện Bạch Mai là tiền cá nhân của Tuấn hoặc tiền Tuấn gửi cho bà Cao Thị Chuyên (mẹ của Tuấn, Kế toán trưởng Công ty BMS). Tuy nhiên, việc đưa tiền của Tuấn và nhân viên Công ty BMS cho các cá nhân của Bệnh viện Bạch Mai nói trên không có tài liệu theo dõi, không có người chứng kiến, những người tham gia đưa tiền, đổi tiền, đưa tiền không nhớ chính xác, không ghi chép theo dõi.

Như vậy, 3 cá nhân của BV Bạch Mai đã nhận "quà" của Giám đốc Công ty BMS số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng, dư luận xã hội đang băn khoăn, vậy tại sao hành vi này không bị xem xét tội đưa - nhận hối lộ?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn nhận tiền, quà biếu của doanh nghiệp không phải là chuyện hiếm trong bối cảnh kinh tế, xã hội như giai đoạn hiện nay. Có những việc nhận tiền, nhận quà là theo phong tục, tập quán, là mối quan hệ xã hội. Có những tình huống nhận quà là trái quy định của Đảng. Còn có những trường hợp nhận tiền, lợi ích vật chất là nhận hối lộ tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể.

Vì sao cựu lãnh đạo BV Bạch Mai nhận 500 triệu đồng nhưng không dính tội? - 2

Luật sư Đặng Văn Cường.

Tuy nhiên việc tặng quà theo phong tục tập quán văn hóa thời gian gần đây đã có những biến tướng trở thành những hành vi đưa hối lộ trá hình mà rất khó xử lý về mặt pháp lý bởi cơ quan chức năng buộc phải chứng minh các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Vào thời điểm lễ tết, những dịp sinh nhật, những dịp mà họ có thể tặng quà theo phong tục tập quán thì rất khó chứng minh động cơ mục đích đưa nhận hối lộ.

Bởi vậy, luật phòng chống tham nhũng, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định của đảng, ban chấp hành trung ương đã có những quy định về nhận quà. Những người nhận quà trái quy định thì phải trả lại, thậm chí có thể bị kỷ luật. Đây là những quy định cần thiết để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Việc tặng và nhận quà của cán bộ, công chức luôn là một chủ đề nóng trong xã hội. Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP có quy định cụ thể về vấn đề này.

Luật sư Cường phân tích thêm, theo thông tin trong vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai nói trên thì có nhiều tình huống các cá nhân đó đã nhận quà trái quy định nên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy việc nhận quà, nhận tiền của doanh nghiệp để thực hiện một công việc theo yêu cầu, thỏa thuận của doanh nghiệp thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Người đưa sẽ bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ và người nhận sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ.

"Còn nếu việc nhận quà, tặng quà không kèm theo điều kiện, không có sự thỏa thuận về công việc sẽ làm mà chỉ là xây dựng các mối quan hệ để nuôi hy vọng trong tương lai thì rất khó để xử lý hình sự về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ mà chỉ có thể xử lý về nhận quà trái quy định", luật sư Cường nói.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, qua quá trình điều tra cơ quan chức năng xác định các bị can có sự thỏa thuận, thông đồng, tiếp nhận ý chí của nhau, lợi dụng chủ trương, cơ chế xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế đã làm trái các quy định của pháp luật, làm tăng giá dịch vụ chữa bệnh. Do đó, việc nhận quà cáp này có dấu hiệu của hành vi đưa và nhận hối lộ.