1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tự nhận là cháu của lãnh đạo cấp tổng cục để lừa đảo hơn 7 tỷ đồng

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Trần Trung Kiên tự giới thiệu mình là cháu ruột của lãnh đạo Tổng cục kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) để lừa đảo gần 10 bị hại với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Lừa đảo tiền tỷ để nạp vào sàn tiền ảo

Ngày 1/3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử đối với các bị cáo Trần Trung Kiên (32 tuổi, quê Hòa Bình) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức; Trịnh Quang Linh (24 tuổi, trú Mê Linh, Hà Nội) về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức. 

Theo cáo buộc, trong năm 2022, bị cáo Trần Trung Kiên tự giới thiệu mình là cháu ruột của lãnh đạo Tổng cục kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) để lừa đảo của gần 10 bị hại với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. 

Tại phiên tòa, Kiên thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân. 

Bị cáo lý giải việc tự giới thiệu mình là cháu ruột của lãnh đạo Tổng cục kỹ thuật để lừa đảo. 

Số tiền chiếm đoạt được, bị cáo tiêu xài cá nhân và nạp vào sàn tiền ảo. Theo lời khai của Kiên, tổng số tiền mà bị cáo nạp vào sàn tiền ảo lên đến 9 tỷ đồng.

HĐXX đánh giá, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. 

Do đó, HĐXX tuyên phạt Trần Trung Kiên mức án 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 năm tù về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức, tổng hình phạt 16 năm tù. 

Bị cáo Trịnh Quang Linh lĩnh án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức. 

Ngoài ra, bị cáo Trần Trung Kiên phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại. 

Tự nhận là cháu của lãnh đạo cấp tổng cục để lừa đảo hơn 7 tỷ đồng - 1

Bị cáo Trần Trung Kiên tại phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Nổ" là cháu của lãnh đạo cấp Tổng cục để dễ lừa đảo

Cáo trạng thể hiện, anh Nguyễn Công Anh (32 tuổi, trú Mê Linh, Hà Nội) là anh em họ với Trần Trung Kiên.

Kiên khai là mối quan hệ bên nhà vợ nên anh Công Anh không biết bị cáo làm gì.

Khoảng tháng 6/2022, thông qua anh Công Anh, Kiên quen biết một số người bạn của anh này.

Đến cuối tháng 7/2022, chị Đ.T.H. (35 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng bạn là anh P.V.M. và một số người khác đi ăn uống và gặp Kiên tại nhà hàng cuối đường Láng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Tại đây, Kiên "nổ" với chị H. mình là cháu ruột của lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.

Kiên nói là bản thân được trúng thầu mua lại ô tô thanh lý của Cục Xe - Máy thuộc Tổng cục Kỹ thuật, ai có nhu cầu mua xe liên hệ với bị cáo.

Chị H. cũng biết anh M. đang đưa tiền để nhờ Kiên nộp hồ sơ đấu thầu mua xe thanh lý của Cục Xe - Máy.

Ngày 31/7/2022, trong lúc chị H. đi uống nước với anh M., thì anh này nhận được điện thoại của Kiên nói muốn vay 300 triệu đồng.

Anh M. nói với Kiên không có tiền và bảo Kiên có chị H. đang ngồi gần, muốn vay, vay chị H. 

Sau đó, Kiên hỏi vay tiền chị H. và hẹn 9h sáng hôm sau gửi lại.

Hôm sau, Kiên không trả lại chị H. số tiền đã mượn mà hỏi chị này có mua xe Lexus LX570 sản xuất năm 2019 với giá 5,2 tỷ đồng không.

Thấy chiếc xe Kiên nói có giá hợp lý nên chị H. đồng ý mua. 

Sau đó, chị H. nhiều lần chuyển vào tài khoản của Kiên tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Tự nhận là cháu của lãnh đạo cấp tổng cục để lừa đảo hơn 7 tỷ đồng - 2

Quang cảnh phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

Sau khi nhận tiền, Kiên gửi cho Trần Quang Linh hình ảnh căn cước công dân của chị H. và bảo Linh làm giả "giấy bàn giao xe" đề ngày 5/8/2022 có chữ ký đứng tên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Xe - Máy Bộ Quốc phòng với nội dung hẹn ngày 9/8/2022 sẽ bàn giao ô tô nhãn hiệu Lexus 570 sản xuất năm 2019 cho chị H.

Sau khi xong việc, Kiên chuyển khoản cho Linh 2 triệu đồng tiền công.

Nhận được ảnh chụp "giấy bàn giao xe" từ Kiên, chị H. chuyển cho bạn rồi hẹn nhau ngày 9/8/2022 sẽ cùng đi lấy ô tô mua của Kiên tại quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngày 9/8/2022, Kiên không có xe để bàn giao cho chị H. và bạn chị này như cam kết mà lấy nhiều lý do để trì hoãn.

Ngày 15/8/2022, do Kiên không bàn giao ô tô theo thỏa thuận nên chị H. đã dùng tiền cá nhân chuyển khoản trả lại cho 2 người bạn số tiền 400 triệu đồng.

Ngày 16/8/2022, lo sợ bị phát hiện, Kiên gọi điện bảo Linh tiêu hủy 2 con dấu và các văn bản (thư hoãn thầu, giấy bàn giao xe). Linh đã tiêu hủy mặt dấu, đem 2 hộp dấu vứt ở rãnh nước gần sân vận động Mỹ Đình.

Ngày hôm sau, do lo sợ nên Linh đã kể lại toàn bộ nội dung sự việc giúp Kiên làm giả tài liệu cho anh Nguyễn Công Anh nghe. 

Anh Công Anh đã bảo Linh đi tìm 2 con dấu và các tài liệu làm giả để làm bằng chứng.

Ngày 6/9/2022, chị H. đưa Trịnh Quang Linh đến tự thú tại cơ quan công an và giao nộp 2 hộp dấu giả. Song 2 hộp dấu này đã bị mất phần mặt in ra hình dấu.

Chị H. đã giao nộp cho cơ quan điều tra "giấy bàn giao xe" và "thư hoãn thầu" đề ngày 5/8/2022 do Kiên và Linh làm giả.

Trong vụ án trên, Trần Trung Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt của chị H. hơn 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, chị H. còn đứng ra trả cho 2 người bạn số tiền 400 triệu đồng bị Kiên lừa đảo chiếm đoạt.

Như vậy, tổng số tiền mà Trần Trung Kiên phải khắc phục bồi thường cho chị H. là hơn 3,1 tỷ đồng. 

Cũng thủ đoạn nêu trên, Kiên đã lừa đảo của gần 10 người khác với số tiền gần 4 tỷ đồng. Chỉ trong năm 2022, bị cáo đã lừa đảo hơn 7 tỷ đồng.