1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Truy tố Phạm Công Danh và Trầm Bê

(Dân trí) - Trong giai đoạn 2 của đại án tại ngân hàng xây dựng (VNCB), Phạm Công Danh và đồng phạm (trong đó có Trầm Bê) bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 24/11, Viện KSND Tối cao cho biết cáo trạng vừa được tống đạt cho các bị can và hồ sơ vụ án đang được chuyển cho Viện KSND TPHCM, đơn vị thừa ủy quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án tại TAND TPHCM.

Bị Can Phạm Công Danh tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 1 vụ án VNCB.
Bị Can Phạm Công Danh tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 1 vụ án VNCB.

Cáo trạng truy tố Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB; nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm vì đã gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 ngân hàng.

Theo đó, bị can Phạm Công Danh và các đồng phạm bị truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và VNCB.

Liên quan trong vụ án này, các bị can gồm: Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank), Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB - Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB - Chi nhánh Lam Giang), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - Chi nhánh Sài Gòn) và 20 bị can là nguyên lãnh đạo của 18 công ty sân sau của ông Danh bị đề nghị truy tố cùng tội cố ý làm trái.

Theo cáo trạng, tháng 9/2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín – Trustbank, Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối Trustbank.

Phạm Công Danh đã lợi dụng việc nắm quyền chi phối với vị trí là Chủ tịch HĐQT VNCB đã tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng.

Kể từ lúc này, Phạm Công Danh đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và ban kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ vay vốn khống, rút tiền gửi sang 3 ngân hàng gồm Sacombank, TPBank, BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty ông Danh thành lập, hoặc mượn pháp nhân đứng tên trên hồ sơ vay của 3 ngân hàng này.

Cụ thể, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông đồng với nhau, gửi tiền qua Sacombank bảo lãnh, trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỷ đồng.

Để vay được khoản tiền này, Phạm Công Danh chỉ đạo Khương và cấp dưới lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để nộp cho Sacombank. Ngày 26/4/2013, 1.800 tỷ đồng được chuyển vào số tài khoản của Phạm Công Danh.

Để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 1.700 tỷ đồng tại BIDV, chi nhánh Sở giao dịch 2 và 900 tỷ đồng tại BIDV - Chi nhánh Hải Vân từ năm 2012, Phạm Công Danh và cấp dưới thống nhất chủ trương dùng số dư tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng của VNCB tại các tổ chức tín dụng làm tài sản đảm bảo. Khoản tiền vay đó chỉ dùng chi cho việc… chăm sóc khách hàng của VNCB.

Theo kết luận điều tra, các hành vi trên của Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỷ đồng, phạm vào tội cố ý làm trái.

Ở giai đoạn 1 của vụ án, ngày 24/1, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên án Phạm Công Danh 30 năm tù về hai tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng vì đã gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỷ đồng.

Xuân Duy