Đề nghị truy tố bổ sung bị can Trầm Bê
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank) và 21 bị can liên quan đến vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm.
Ngày 29-9, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank) và 21 bị can liên quan đến vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm.
Trước đó, ngày 31-7, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trầm Bê và Phan Huy Khang (nguyên là thành viên Hội đồng tín dụng, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank).
Hai bị can này bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam - Ngân hàng Xây dựng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Sacombank.
Quá trình điều tra bổ sung, ngoài 2 bị can trên, cơ quan điều tra cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố đối với 20 bị can khác thuộc ngân hàng Tiên Phong Bank; các cá nhân tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Theo kết quả điều tra bổ sung, Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), sau đổi tên là Ngân hàng Xây dựng được Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng của bà Hứa Thị Phấn để tái cơ cấu lại ngân hàng. Lúc này bị can Phạm Công Danh với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã chỉ đạo cấp dưới dùng pháp nhân lập nhiều công ty do Danh thành lập hoặc mượn đứng hồ sơ vay vốn của ngân hàng: Sacombank; Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; dùng tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại các ngân hàng này để cầm cố và trả nợ gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng 6.123 tỉ đồng.
Trong hàng loạt vi phạm của Phạm Công Danh gây thất thoát số tiền như trên thì còn có các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân khác, trong đó có bị can Trầm Bê.
Cụ thể, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 2.600 tỉ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, khoảng tháng 4-2013, Phạm Công Danh đã đến Sacombank gặp ông Trầm Bê để đặt vấn đề vay 2.000 tỉ đồng và được ông Trầm Bê đồng ý. Sau đó ông Bê dắt Danh xuống gặp Phan Huy Khang (Tổng Giám đốc Sacombank) và thống nhất cho Danh vay từ 1.300 đến 1.800 tỉ đồng nhưng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tiền gửi.
Sau khi được Trầm Bê và Phan Huy Khang đồng ý, ngày 19-4-2013, Phạm Công Danh cùng cấp dưới của mình sang Sacombank thực hiện các thủ tục vay tiền với tài sản thế chấp là tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại Sacombank.
Trầm Bê trực tiếp chỉ đạo cấp dưới cho 6 công ty của Phạm Công Danh chỉ định vay 1.800 tỉ đồng với tài sản bảo đảm tiền gửi trị giá 1.854 tỉ đồng. Quá hạn vay, cả 6 công ty này đều không trả nợ được, do đó Sacombank đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng số tiền 1.835 tỉ đồng.
Đồng thời, Phan Huy Khang cũng biết rõ Danh không được vay tiền của chính Ngân hàng Xây dựng nên đã nhận tài sản thế chấp là chính tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng cho Danh vay gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng 1.835 tỉ đồng.
Theo Công an nhân dân