1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Truy nã đặc biệt Chủ tịch HĐQT Muaban24

(Dân trí) - Nguồn tin riêng của Dân trí từ Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cho biết: Công an Hà Nội đã có Quyết định truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến (Muaban24).

Quyết định truy nã đặc biệt Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch HĐQT Muaban24
Quyết định truy nã đặc biệt Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch HĐQT Muaban24
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội vừa ký Quyết định truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Tuấn Minh, sinh năm 1973, đăng ký hộ khẩu thường trú tại tổ 36, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội (chỗ ở: số 2, ngõ 3 đường Nguyễn Văn Linh, phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Bắt được đối tượng truy nã trên, yêu cầu báo ngay cho điều tra viên Phạm Đức Hà, Đội 14, PC45, Công an TP. Hà Nội, ĐT: 04.39396134.
 
Trước đó, ngày 7/8/2012, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã có Quyết định khởi tố bị can số 768 đối với Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch HĐQT Muaban24, có hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, phạm vào Điều 226B, Bộ luật hình sự.
 
Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã ra lệnh bắt tạm giam Ngô Văn Huy (39 tuổi, trú ở đường Hàm Nghi, Mỹ Đình, Từ Liêm, Tổng Giám đốc Muaban 24) Lê Văn Cường (37 tuổi, trú ở Mỹ Đình 1, Từ Liêm, Phó Chủ tịch, Phó Tổng giám đốc Muaban 24) và Nguyễn Mạnh Hà (32 tuổi, trú ở Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội, là Trưởng phòng Kỹ thuật của Muaban 24).
 
Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đọc lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng
Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đọc lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng
cầm đầu đường dây Muban24 tại Hà Nội (Ảnh: Vũ Văn Tiến- Hồng Kỹ)

Theo tài liệu của cơ quan Công an thì Muaban 24 được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 25/5/2011, do 3 thành viên Nguyễn Tuấn Minh, Ngô Văn Huy và Lê Văn Cường sáng lập, hoạt động theo phương thực mô hình của sàn thương mại điện tử qua trang web muaban24.vn.

Tính đến khi bị bắt, mô hình hoạt động của Công ty Muaban 24 có 3 cấp giám đốc (gồm Minh, Huy và Cường), 18 cấp phó giám đốc, 83 cấp VIP lãnh đạo, 680 VIP và hơn 136 nghìn hội viên, trong đó có hơn 17 nghìn hội viên từ Công ty Tâm Mặt Trời (nơi Huy, Minh, Cường từng làm việc) chuyển sang.

Với tư cách là Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Tuấn Minh đã chỉ đạo Nguyễn Mạnh Hà đưa tiền ảo vào hệ thống mạng Muaban24 để rút tiền thật ra. Hằng tháng, sau khi hạch toán, số tiền trên được chia thành 4 phần, mỗi đối tượng hưởng 1 phần.

Ngày 2/8, Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI) cho biết, Tổng cục VI đã chỉ đạo Công an 32 tỉnh, thành phố có Văn phòng Công ty Muaban24 đồng loạt khám xét khẩn cấp, thu giữ tài liệu để phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan chức năng xác định các đối tượng trong đường dây trên đã lợi dụng thương mại điện tử để chiếm đoạt tài sản của người dân nên sẽ xử lí các đối tượng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 226b, Bộ Luật hình sự.

Ngày 31/7, các mũi công tác của C50 phối hợp với Công an Phú Thọ, Công an Hà Nội thi hành lệnh khám xét khẩn cấp 5 tòa nhà đặt trụ sở Muaban 24 tại Mỹ Đình.
 
Truy nã đặc biệt Chủ tịch HĐQT Muaban24
Ngô Văn Huy, Tổng GĐ Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến - Muaban24 tỏ ra suy sụp khi tra tay vào còng (Ảnh: Vũ Văn Tiến - Hồng Kỹ)

Theo các trinh sát, điều tra viên, các đối tượng đã xây dựng hệ thống Muaban24 theo mô hình mở các tài khoản, gian hàng trên mạng và phát hành một loại tiền ảo (tiền D) có giá trị trong hệ thống Muaban24, tương đương 1D = 10 nghìn đồng tiền thật.

Khi người chơi tham gia phải nộp 5,2 triệu đồng để mua gian hàng, theo đó, sẽ có 520D để chia cho hoa hồng và các cấp phía trên (như: VIP, VIP lãnh đạo, Phó Giám đốc, Giám đốc…), còn tiền thật sẽ được chuyển về "đầu não" của Muaban24. Do đó, người chơi chỉ được sở hữu một loại tiền ảo, còn tiền thật đã bị chiếm đoạt mà không biết. Với quy định, tiền ảo sẽ được đổi thành tiền thật, nếu người chơi muốn rút, các đối tượng đã khiến người chơi tưởng rằng mình có tiền nhưng thực chất, tiền đã bị các đối tượng cầm đầu rút ra chia nhau hết.

Chính vì vậy, nhiều người chơi, sau khi nhận thấy bị chiếm đoạt tiền đã muốn đổi điểm để rút tiền thật. Đến lúc này, các đối tượng mới yêu cầu người chơi phải "nhượng" tiền ảo đó cho người khác.
 
Sau hơn 30 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của Muaban24 trong cả nước, đến nay đường dây này đã từng bước được phanh phui với sự vào cuộc rốt ráo của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành.
 
Theo cơ quan điều tra, mạng lưới Muaban24 hiện có hơn 50 chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Trong vòng 1 năm, Muaban24 đã phát triển tới 120.000 gian hàng, với số tiền nộp vào hệ thống này lên tới hơn 600 tỷ đồng.
 
Đây là vụ việc có nhiều tính chất mới, phức tạp liên quan đến công nghệ cao, gây thiệt hại kinh tế lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm.
 
Để góp phần làm rõ hành vi của mạng lưới này trước pháp luật, các bị hại có thể đến trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự Xã hội - Công an Hà Nội, số 7, phố Thiền Quang để trình báo.
 
Vũ Văn Tiến