“Trùm” đường dây đánh bạc nghìn tỷ rửa tiền qua BOT Bắc Giang - Lạng Sơn
(Dân trí) - Nguyễn Văn Dương – “ông trùm” của đường dây đánh bạc nghìn tỷ bị cáo buộc rửa tiền với số tiền gần 330 tỷ đồng nộp vào Công ty UDIC (Dương làm Chủ tịch HĐQT) để chuyển vào Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Sau đó, Dương bán cổ phần ở Công ty UDIC và thu về hàng trăm tỷ đồng.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ ngày 31/8/2018 trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ xảy ra ở Phú Thọ và một số địa phương khác, để đủ điều kiện về năng lực tài chính tham gia dự thầu Dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, ngày 19/1/2015, Nguyễn Văn Dương lúc này là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư UDIC (Công ty UDIC) đã họp hội đồng quản trị thống nhất ra nghị quyết tăng vốn điều lệ của công ty từ 36 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, Dương cam kết góp 85,05% vốn điều lệ.
Dương thuê tư vấn tài chính để tư vấn thủ tục nâng vốn như sau: Sau khi có được một số tiền nhỏ thu lời bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc, Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty UDIC rồi mượn tên người khác, mở doanh nghiệp rồi ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào Công ty UDIC.
“Như vậy, trên sổ sách kế toán của Công ty UDIC đến ngày 25/10/2015 thể hiện có số vốn hơn 532 tỷ đồng, nhưng thực chất thì không tăng đồng nào” – nội dung cáo trạng cho biết.
Cũng theo cáo trạng, từ ngày 3/2/2016 đến ngày 28/4/2016, Nguyễn Văn Dương chủ trì 2 cuộc họp Hội đồng cổ đông để nâng vốn điều lệ Công ty UDIC từ 500 tỷ đồng lên hơn 925 tỷ đồng, Dương cam kết góp 99,564% vốn điều lệ. Song, cũng phương thức làm như năm 2015, đến ngày 12/4/2016 trên sổ sách kế toán Công ty UDIC thể hiện năng lực tài chính là gần 930 tỷ đồng.
Về việc Công ty UDIC góp vốn vào Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn được bắt đầu từ ngày 26/6/2015 đến ngày 17/1/2017, có 33 lần nộp với tổng số tiền là gần 330 tỷ đồng.
Đến ngày 17/4/2017, Dương tách Công ty cổ phần đầu tư UDIC thành 2 công ty: Công ty cổ phần đầu tư UDIC (mới) và Công ty Cổ phần đầu tư CNC. Việc tách công ty là để Dương bán cổ phần tại Công ty UDIC và chuyển giao dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn. Sau khi tách công ty, Dương bán hơn 77 triệu cổ phần, chiếm giữ 99,50% vốn điều lệ ở Công ty UDIC, tương đương số tiền hơn 777 tỷ đồng. Nhưng thực tế tại thời điểm đó, Dương chỉ có hơn 32 triệu số cổ phần có giá trị thực, tương ứng số tiền gần 330 tỷ đồng mà Công ty UDIC đã chuyển vào Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, số cổ phần còn lại là không có thực do việc nâng khống vốn điều lệ và đã tạm ứng rút ra khỏi Công ty UDIC.
Các công ty mua cổ phần của Nguyễn Văn Dương: Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng cầu đường Sài Gòn ký hợp đồng chuyển nhượng số 01/2017/CNCP-UDIC ngày 6/5/2017, Dương đã chuyển nhượng hơn 32 triệu cổ phần, tương đương số tiền gần 330 tỷ đồng (mua cổ phần có giá trị thực).
Số cổ phần không có giá trị thực được Dương hợp thức như thế nào?
Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng cầu đường Sài Gòn ký hợp đồng chuyển nhượng số 02/2017/CNCP-UDIC ngày 7/5/2017, Dương chuyển nhượng hơn 6 triệu cổ phần, tương đương số tiền hơn 66 tỷ đồng; Công ty cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân ký hợp đồng chuyển nhượng số 03/2017/CNCP-UDIC, Dương chuyển nhượng hơn 7 triệu cổ phần tương đương số tiền hơn 77 tỷ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Hải Thạch ký hợp đồng chuyển nhượng số 04/2017/CNCP-UDIC ngày 7/5/2017, Dương chuyển nhượng hơn 7 triệu cổ phần tương đương số tiền hơn 77 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hải Thạch ký hợp đồng chuyển nhượng số 05/2017/CNCP-UDIC ngày 7/5/2017, Dương chuyển hơn 22 triệu cổ phần, tương đương số tiền hơn 225 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng cầu đường Sài Gòn đã chuyển vào tài khoản cá nhân của Nguyễn Văn Dương số tiền 270 tỷ đồng theo hợp đồng chuyển nhượng số 01/2017/CNCP-UDIC ngày 6/5/2017 (Số tiền còn nợ lại là gần 60 tỷ đồng). Sau khi mua cổ phần, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn sở hữu Công ty Công ty cổ phần đầu tư UDIC (mới) và Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Các công ty mua cổ phần của Dương theo hợp đồng số 02, 03, 04, 05 nói trên vẫn chuyển tiền cho Công ty cổ phần đầu tư UDIC (mới) để cùng thực hiện dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.
Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định, sau khi có tiền thu lời bất chính do vận hành game bài Rikvip (giai đoạn 1), Nguyễn Văn Dương đã 2 lần sử dụng tổng số tiền 54 tỷ đồng (năm 2015 sử dụng 24 tỷ đồng, năm 2016 sử dụng 30 tỷ đồng) để quay vòng, nâng khống vốn cam kết góp vào Công ty UDIC theo điều lệ là hơn 893 tỷ đồng. Nếu chỉ căn cứ vào sổ sách kế toán của Công ty UDIC thì thời điểm 25/10/2015 Nguyễn Văn Dương đã có số tài sản trị giá hơn 496 tỷ đồng (không kể số vốn 36 tỷ đồng đã góp trước đó vào Công ty UDIC); đến thời điểm 12/4/2016 thì Nguyễn Văn Dương đã có số tài sản trị giá hơn 893 tỷ đồng. Song trên thực tế không phải như vậy, mà Nguyễn Văn Dương đã sử dụng số tiền do tổ chức đánh bạc có được sau này hoàn trả vào số tiền đã khai khống trước đó, che giấu nguồn gốc số tiền do tổ chức đánh bạc mà có, với tổng số tiền là hơn 576 tỷ đồng. Số tiền còn lại là hơn 316 tỷ đồng là giá trị nộp khống vào Công ty UDIC.
Song, Nguyễn Văn Dương cho rằng, trong tổng số tiền hơn 576 tỷ đồng nộp lại nói trên chỉ có hơn 329 tỷ đồng Dương bán cổ phần cho Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng cầu đường Sài Gòn là có thực, còn lại là quay vòng vốn để nộp hoàn trả nhằm triệt tiêu các khoản mà Công ty UDIC đã chi khống cho các doanh nghiệp, cá nhân mà Dương mượn tên khi nâng vốn điều lệ.
Kiểm tra trên sổ sách của Công ty UDIC và sao kê tài khoản của Đoàn Thị Thu Hà thấy có rất nhiều lần Dương tạm ứng ở Công ty UDIC và đề xuất chuyển sang tài khoản cá nhân Đoàn Thị Thu Hà, sau đó Hà rút luôn và khai đem về trả cho Dương. Sau ngày Hà rút tiền, lại thấy có người nộp tiền vào Công ty UDIC nhưng không phải là Hà nộp.
“Do vậy, đến nay chỉ đủ căn cứ quy kết Nguyễn Văn Dương phạm tội rửa tiền với số tiền gần 330 tỷ đồng nộp vào Công ty UDIC để chuyển vào Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Đến năm 2017, Dương bán cổ phần ở Công ty UDIC và thu tiền về, trong đó có 150 tỷ đồng gửi tiết kiệm; hơn 61 tỷ đồng sử dụng mua 2 tầng 5 và 6 tòa nhà Icon 4 làm Trụ sở Công ty CNC và bị Cơ quan điều tra kê biên” – cáo trạng nêu rõ.
Trong giai đoạn truy tố, Nguyễn Văn Dương đã tự nguyện và được cơ quan tiến hành tố tụng cho phép ủy quyền gia đình tìm người mua và bán tầng 5 và 6 tòa nhà Icon 4 được hơn 61 tỷ đồng nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính mở tại Kho bạc tỉnh Phú Thọ để khắc phục hậu quả. Số tiền chênh còn lại là hơn 247 tỷ đồng (hơn 576 tỷ đồng – gần 330 tỷ đồng) tuy không quy kết rửa tiền nhưng vẫn nằm trong số tiền phải truy thu của Dương là hơn 1.600 tỷ đồng.
Theo tài liệu điều tra, trong vụ án trên, bị can Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức 25 “đại lý cấp 1”, gần 6.000 “đại lý cấp 2” với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club, thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, Phan Sào Nam hưởng lợi bất chính hơn 1.400 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi bất chính hơn 1.600 tỷ đồng.
VKSND tỉnh Phú Thọ quyết định truy tố bị can Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam ra trước Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ để xét xử về tội “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền” theo điểm b khoản 2 Điều 249 và điểm a Khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Nguyễn Dương