DMagazine

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội

(Dân trí) - Sau khi thâu tóm một công ty có vốn điều lệ chỉ 1,5 tỷ đồng, Trịnh Văn Quyết đã dùng nhiều thủ đoạn để nâng khống vốn chủ sở hữu, niêm yết cổ phiếu để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại Vĩnh Phúc. Từ một sinh viên Đại học Luật rồi cử nhân luật, ông Quyết chuyển sang mảng kinh doanh và trở thành đại gia trong mảng bất động sản, hàng không, du lịch và chứng khoán.

Ở tuổi 49, vị đại gia này nhận án phạt 21 năm tù về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán, đồng thời phải "gánh" khoản bồi thường hơn 2.400 tỷ đồng.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 2

Cuối năm 2009, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC được thành lập do Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT. Ông Quyết sau đó thành lập 17 công ty con, công ty liên kết; 8 công ty liên quan và 57 công ty vệ tinh.

Trong đó, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản Stone FLC, Công ty cổ phần Nông dược HAI, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và quản lý tài sản RTS và Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC là những công ty đưa ông Trịnh Văn Quyết từ đỉnh cao xuống vực sâu.

Tháng 8/2012, Trịnh Văn Quyết thâu tóm lại Công ty Green Belt, tiền thân của Công ty Faros, có vốn điều lệ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng.

 Doãn Văn Phương (Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC) làm Chủ tịch Công ty Faros, ông Quyết đứng đằng sau chỉ đạo, điều hành Faros, giao công ty này làm đơn vị tổng thầu các dự án do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 4

Không có vốn và tài sản bảo đảm, để Faros có nguồn tiền trong quá trình hoạt động, Quyết chỉ đạo các thành viên trong Tập đoàn FLC thực hiện các thủ tục nâng khống vốn điều lệ, từ đó phát hành cổ phiếu bằng giá trị của số vốn điều lệ, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán, bán cho các nhà đầu tư.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu được chuyển về để Quyết sử dụng vào các mục đích khác.

Thủ đoạn của Trịnh Văn Quyết là giao Trịnh Thị Minh Huế (em gái) soạn thảo toàn bộ Biên bản họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ (vốn góp chủ sở hữu) và việc sử dụng vốn góp.

Sau đó, những văn bản trên được chuyển cho các thành viên HĐQT Công ty Faros ký hợp thức. Đáng chú ý, 3/5 thành viên HĐQT Faros là anh họ, em rể và em họ ông Quyết.

Ngoài ra, Quyết còn trực tiếp chỉ đạo Huế soạn thảo hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần, giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, chuyển cho 15 cá nhân được nhờ đứng tên là cổ đông góp vốn tại Faros.

Sau khi các cổ đông trên đăng ký góp vốn khống và được hạch toán vốn góp vào công ty, Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương chỉ đạo việc sử dụng số vốn góp khống này nhằm hợp thức hóa thành tài sản của Công ty Faros.

Cụ thể, Huế cho thực hiện toàn bộ các thủ tục để lãnh đạo Công ty Faros ký khống các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các cá nhân, pháp nhân là người quen, nhân viên Tập đoàn FLC nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros, từ đó cân đối vốn góp khống.

Với phương thức, thủ đoạn như trên, từ tháng 4/2014 đến tháng 6/2016, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã 5 lần lập hồ sơ góp vốn khống, nâng số vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 lên 4.300 tỷ đồng. Trong đó, hơn 3.100 tỷ đồng là vốn góp khống.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 6

Sau khi hoàn tất việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros, Quyết và Phương bàn bạc việc niêm yết cổ phiếu của công ty này lên sàn chứng khoán. Phương đã trực tiếp xây dựng phương án và Quyết phê duyệt, rồi để người thân trong công ty và các lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros tổ chức thực hiện.

Để niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), Faros phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính; đề nghị chấp thuận công ty đại chúng; đăng ký, lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS để giao dịch.

Cuối năm 2015, Faros và Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) ký Hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính của Công ty Faros năm 2014, 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 với giá trị 100 triệu đồng.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 7

Dù biết báo cáo tài chính của Faros chưa đủ cơ sở để chấp nhận toàn phần, Lê Văn Dò (Phó tổng giám đốc CPA Hà Nội) và Lê Văn Tuấn (kiểm toán viên) vẫn ký ban hành các báo cáo kiểm toán độc lập, chấp nhận toàn phần các báo cáo tài chính, báo cáo vốn góp chủ sở hữu của Công ty Faros.

Tuy nhiên, khi gửi văn bản xem xét và chấp thuận việc đăng ký công ty đại chúng cùng những hồ sơ liên quan, Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN) đã thẩm định và phát hiện báo cáo kiểm toán của Công ty Faros không đúng quy định.

Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng khi đó là ông Lê Công Điền đã đề nghị Faros giải trình và cung cấp các tài liệu liên quan đến quá trình góp vốn và sử dụng vốn thu được từ các đợt tăng vốn.

Sau đó, Tổng Giám đốc và Chủ tịch Công ty Faros đã lần lượt 2 lần gửi giải trình và bổ sung hồ sơ lên UBCKNN, khẳng định công ty có vốn điều lệ thực góp đạt 4.300 tỷ đồng và có 114 cổ đông.

Faros lần thứ 2 bị từ chối. Một cuộc họp vào tháng 5/2016 với sự tham gia của Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, CPA Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) được tổ chức, kết luận bằng chứng kiểm toán của Faros chưa đầy đủ, chưa phù hợp và yêu cầu CPA Hà Nội thực hiện kiểm toán lại.

Tuy nhiên, CPA Hà Nội không thực hiện kiểm toán lại và vẫn ký ban hành 3 báo cáo kiểm toán độc lập, có nội dung chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính, báo cáo vốn góp của chủ sở hữu Công ty Faros như các báo cáo kiểm toán ban đầu.

Với các Báo cáo kiểm toán thay thế trên, ngày 30/6/2016, ông Lê Công Điền buộc phải báo cáo lãnh đạo UBCKNN về hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Công ty Faros và đề xuất phê duyệt chấp thuận.

Ngày 1/7/2016, UBCKNN chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Công ty Faros.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 9

Sau khi được chấp thuận là Công ty đại chúng, ngày 6/7/2016, Doãn Văn Phương ký Giấy đề nghị đăng ký chứng khoán và công văn gửi Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đề nghị cho đăng ký lưu ký chứng khoán.

Cụ thể, tên cổ phiếu là Công ty CP Xây dựng Faros, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu; tổng số cổ phiếu phát hành là 430 triệu, tương đương 4.300 tỷ đồng; mã chứng khoán: ROS.

Dương Văn Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, dù biết rõ hồ sơ đăng ký, lưu ký chứng khoán của Công ty Faros chưa đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp nhưng vẫn "đồng ý".

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 11

Ngày 24/8/2016, Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán của Công ty Faros được Thanh ký. ROS được nhập vào khu vực giao dịch thuộc sàn HoSE và đăng thông tin trên website của Trung tâm.

Theo quy định, điều kiện niêm yết chứng khoán tại sàn HoSE là công ty có vốn chủ sở hữu trên 120 tỷ đồng và trên 300 cổ đông góp vốn. Để đáp ứng điều kiện thứ 2, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Huế lấy danh sách cán bộ nhân viên công ty để đưa vào danh sách cổ đông. Số cổ đông của Công ty Faros lập tức tăng lên 386 người. Những cổ đông này sau đó được hợp thức việc chuyển nhượng, hoặc bán một phần nhỏ cổ phần.

Ngày 11/7/2016, Faros đăng ký niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HoSE. Ngày 24/8/2016, cổ phiếu ROS được niêm yết và chính thức giao dịch vào ngày 1/9/2016, giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.

Sau khi cổ phiếu ROS được niêm yết, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Huế sử dụng 518 tài khoản chứng khoán của người thân, quen, nhân viên do Huế mở, quản lý, sử dụng để mua bán cổ phiếu ROS.

Các bị cáo đã sử dụng sàn HoSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu cho hàng vạn nhà đầu tư, thu về hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, ông Quyết đã chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 13

Sau khi số tiền bán cổ phiếu được chuyển về tài khoản của các cổ đông, Huế lập chứng từ rút tiền mặt đưa cho các cổ đông ký rồi lấy tiền sử dụng vào các mục đích khác nhau theo chỉ đạo của anh trai.

Cơ quan tố tụng kết luận, hơn 25.000 nhà đầu tư là những người đã bỏ tiền thật ra mua cổ phiếu ROS (cổ phiếu của Công ty Faros) mà không biết bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối nâng khống giá trị cổ phiếu để chiếm đoạt tiền của mình, chính là bị hại của vụ án.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 15

Trong vụ án này, Trịnh Văn Quyết còn thao túng thị trường chứng khoán.

Ông Quyết chỉ đạo Huế liên hệ với 45 cá nhân có quan hệ họ hàng, người thân ký giấy tờ, thủ tục để Huế thành lập 20 công ty và mở 500 tài khoản chứng khoán. Sau đó, Huế sử dụng các tài khoản này để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán khớp nội nhóm; mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở - đóng cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh...

Những hành vi trên nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng. Trong đó, ông Quyết phải chịu trách nhiệm với số tiền thu lời bất chính là hơn 684 tỷ đồng của 4 mã chứng khoán.

Để thực hiện thao túng các mã cổ phiếu trên, đầu giờ giao dịch hàng ngày, Quyết chỉ đạo đồng phạm cấp khống tiền cho các tài khoản chứng khoán do vị chủ tịch chỉ định.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 17

Từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, 79 tài khoản chứng khoán đã được cấp khống tiền 1.568 lần, với tổng giá trị hơn 170.000 tỷ đồng để Huế đặt 15.128 lệnh mua hơn 2,8 tỷ cổ phiếu. Trong đó, hơn 463 triệu cổ phiếu khớp lệnh mua với tổng giá trị hơn 11.855 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2019, ông Trịnh Văn Quyết nằm trong top 3 người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán, với khối tài sản ước tính khoảng 20,5 ngàn tỷ đồng (880 triệu USD).

Ngày 29/3/2022, Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán.

Ngày 4/4/2022, Bộ Công an bắt tạm giam em gái ông Trịnh Văn Quyết - Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC - với vai trò đồng phạm, giúp sức Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi trên.

Một ngày sau, Bộ Công an bắt thêm một em gái nữa của ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga.

Ngày 25/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bổ sung bị can Trịnh Văn Quyết về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh, Hương Trần Kiều Dung, cựu Chủ tịch HĐQT Công BOS, kiêm Phó Chủ tịch thường trực Tập Đoàn FLC, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế cũng bị khởi tố.

Thời gian sau đó, Bộ Công an khởi tố thêm nhiều bị can về các tội danh: Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Tổng có 50 người bị truy tố, đưa ra xét xử trong vụ án này.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 19

Ngày 22/7, 50 bị cáo bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử.

Tại "công đường", cơ quan tố tụng cho rằng trong vụ án này, phần lớn các bị cáo có trình độ, có hiểu biết, am hiểu pháp luật, một số bị cáo có sức ảnh hưởng, có quyền quyết định đã chỉ đạo, điều hành các pháp nhân thuộc hệ sinh thái cùng thực hiện hành vi trái pháp luật.

Đặc biệt, một số bị cáo am hiểu sâu về chứng khoán và thị trường chứng khoán đã cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo điều kiện để các bị cáo khác thực hiện tội phạm gây hậu quả đặc biệt lớn, làm giảm uy tín của cơ quan Nhà nước trong quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư chứng khoán, tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút vốn đầu tư.

Trịnh Văn Quyết từ giàu thứ 3 Việt Nam rơi xuống vực sâu tù tội - 21

Đối với Trịnh Văn Quyết, VKSND TP Hà Nội đánh giá bị cáo này đã lợi dụng sự sơ hở của pháp luật về góp vốn chủ sở hữu, thủ tục niêm yết cổ phiếu; sử dụng Công ty Faros làm công cụ và Sàn HoSE là phương tiện để niêm yết bán cổ phiếu ROS, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư chứng khoán.

Công bố bản án, HĐXX quy kết Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu quyết định, chỉ đạo thực hiện việc góp vốn khống tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng và đăng ký đại chúng, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE.

Sau đó, Quyết đã cho bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS (cổ phiếu của Công ty Faros) hình thành từ việc nâng khống vốn cho hơn 25.800 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết còn chỉ đạo mở quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Sau 14 ngày xét xử và nghị án, ngày 5/8, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết với 50 bị cáo.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nhận mức án 21 năm tù cho 2 tội danh Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột Trịnh Văn Quyết) bị tuyên 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 11 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp 14 năm tù.

Trịnh Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột bị cáo Quyết), lĩnh án 2 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và  6 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 8 năm tù.

47 bị cáo còn lại HĐXX tuyên phạt mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 11 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Nội dung: Hải Nam, Nguyễn Hải

Thiết kế: Thủy Tiên