1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Triệu tập hàng loạt ngân hàng tới phiên tòa xử Hứa Thị Phấn

(Dân trí) - Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử thì HĐXX triệu tập 63 tổ chức, trong đó có 16 ngân hàng và 115 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và làm chứng tới tham dự phiên tòa xét xử “đại gia” Hứa Thị Phấn và đồng phạm.

Dự kiến ngày 8 – 31/5, TAND TPHCM sẽ đưa vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt TrustBank, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm.

Các bị cáo bị truy tố ở 2 tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện nay bị can Hứa Thị Phấn đã có đơn xin xét xử vắng mặt.
Hiện nay bị can Hứa Thị Phấn đã có đơn xin xét xử vắng mặt.

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa hình sự TAND TPHCM, làm chủ tọa. Đại diện Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa theo sự phân công của Viện KSND Tối cao là ông Đỗ Mạnh Bông và bà Nguyễn Quỳnh Lan.

Đồng thời, tòa án đã triệu tập 63 pháp nhân tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và triệu tập 115 cá nhân tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.

63 cơ quan tổ chức được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó có 16 ngân hàng gồm Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam – chi nhánh trung tâm Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quốc Tế, Ngân hàng TMCP Phương Đông…

Có 4 công ty chứng khoán được triệu tập cùng với tư cách trên gồm CTCK VNDirect, CTCK Sài Gòn, CTCK FPT, và CTCK Đại Việt.

Ngoài ra còn có 43 đơn vị khác được tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, Chi cục thuế quận 3, Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TPHCM, Tập đoàn SSG, Công ty Nam Ô tô, CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ, CTCP BĐS Phương Trang Long An, CTCP Taxi Phương Trang, Công ty TNHH TMDVXD Tường Vĩ…

Trong đó, bị án Phạm Công Danh (đại diện toàn bộ các cá nhân góp vốn cổ phần nhóm Thiên Thanh) cũng được trích xuất tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tính đến nay có 23 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Hứa Thị Phấn có 4 luật sư bào chữa gồm: luật sư Phạm Ngọc Trung, luật sư Lưu Văn Tám, luật sư Trương Thị Minh Thơ, luật sư Trương Vĩnh Thủy.

Ngoài ra, Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang, bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, cũng mời luật sư bảo vệ là luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Nguyễn Huy Thiệp và luật sư Nguyễn Thành Công.

Theo cáo trạng, từ tháng 6/2010, vốn điều lệ của ngân hàng Đại Tín là 3.000 tỉ đồng, vốn pháp định là 1.000 tỉ đồng. Bị can Hứa Thị Phấn cùng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người thân đứng tên (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) tham gia mua hơn 254 triệu cổ phần ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.500 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ và giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng này.

Bị can Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ, là cổ đông lớn của ngân hàng để nắm quyền chi phối điều hành mọi hoạt động của ngân hàng Đại Tín, thâu tóm toàn bộ HĐQT, ban điều hành và cán bộ nhân viên 2 chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang để lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm nhiều quy định để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng hơn 12.000 tỉ đồng.

Xuân Duy