1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tranh luận quanh 110 triệu đồng nhận hối lộ và lời kêu oan của Phùng Anh Lê

Thế Kha

(Dân trí) - Nói lời sau cùng trước tòa, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê một mực kêu oan trong khi các cấp dưới của cựu Đại tá đều thừa nhận hành vi, nói làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Đến 21h45 tối qua, 13/8, phiên xử bị cáo Phùng Anh Lê (cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội) và đồng phạm mới kết thúc phần tranh luận. Chủ tọa Trần Nam Hà thông báo 10h sáng nay, 14/8, Hội đồng xét xử mới tiếp tục nghị án, làm việc.

Tranh luận quanh 110 triệu đồng nhận hối lộ và lời kêu oan của Phùng Anh Lê - 1

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê và các bị cáo tại tòa ngày 13/8 (Ảnh: T.Đ).

"Sẽ kêu oan tới lúc chết"

Được hội đồng xét xử cho phép nói lời sau cùng vào tối muộn 13/8, bị cáo Phùng Anh Lê cho biết gia đình mình 3 đời làm công an; bản thân có 37 năm công tác trong lực lượng, trong đó 11 năm liền là chiến sĩ thi đua, nhận được 78 bằng khen các loại.

"Bị cáo không bao giờ đánh đổi sự nghiệp như thế để lấy số tiền 110 triệu đồng. Đây là danh dự của tôi và cả gia đình. Tôi là người có vị trí cao nhất họ, không bao giờ đánh đổi để làm việc đó. Bản thân luôn luôn tu dưỡng, đặt vấn đề nguyên tắc lên hàng đầu"- bị cáo Phùng Anh Lê nói.

Trước việc Viện kiểm sát truy tố tội nhận hối lộ, bị cáo Lê tiếp tục cho rằng bản thân không có tội, việc cơ quan công tố quy kết bị cáo chủ mưu khi tha người trái pháp luật cũng không đúng quy định.

Cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ đề nghị hội đồng xét xử tuyên ba bị cáo từng là cấp dưới của mình gồm Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Vũ Công Ngọc (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Lê Đình Trung (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Công an quận Tây Hồ) không phạm tội để họ có cơ hội tiếp tục đứng trong ngành công an.

"Vụ án này là bài học nhưng không phải tấm gương, mà là "vết nhơ" trong ứng xử giữa đồng đội với nhau. Nếu lãnh đạo cấp trên mà thù ghét, dùng thủ đoạn hại cấp dưới, đó là điều hổ thẹn. Với lương tâm, tôi không thấy hổ thẹn trước vong linh bố tôi, trước vợ, trước mẹ tôi và các đồng nghiệp, bởi tôi không phạm tội. Tôi hy vọng tòa sẽ tuyên tôi không phạm tội. Nếu có bản án, tôi sẽ kêu oan, sẽ chống án đến cùng, thậm chí kêu oan tới lúc chết"- bị cáo Phùng Anh Lê bày tỏ.

Trong khi đó, các bị cáo Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung đều thừa nhận hành vi, nói rằng chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên và mong hội đồng xét xử xem xét toàn diện các chứng cứ, hành vi, lời khai tại tòa để có bản án thấu tình đạt lý.

Tranh luận quanh 110 triệu đồng nhận hối lộ và lời kêu oan của Phùng Anh Lê - 2

Bị cáo Nguyễn Đức Châu - cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ (Ảnh: T.Đ).

"Vụ án là sự thống nhất như một đoàn tàu"

Trước khi các bị cáo nói lời sau cùng, các luật sư đã đối đáp với đại diện viện kiểm sát. Người giữ quyền công tố tại tòa khẳng định, việc buộc tội bị cáo Phùng Anh Lê không chỉ dựa vào lời khai của ông Phùng Văn Bảy (người đưa 110 triệu đồng cho bị cáo Lê) mà còn dựa trên hệ thống chứng cứ có trong hồ sơ.

"Vụ án là sự thống nhất, như một đoàn tàu, cắt một toa ra thì không còn là đoàn tàu nữa" - đại diện viện kiểm sát ví von.

Theo vị này, sau 5 năm vụ án tha trái pháp luật người bị tạm giữ mới được làm rõ, nên việc nhân chứng, người liên quan có những lời khai khác nhau là điều khó tránh khỏi. Điều đó cho thấy, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao không nắn chỉnh, thể hiện sự khách quan trong hoạt động tố tụng.

"Chúng tôi không làm vụ án cho đẹp, cho tròn mà là làm đúng. Nếu không có căn cứ, làm sao có việc 3 bị cáo Trung, Châu, Ngọc nhận trách nhiệm về mình"- đại diện viện kiểm sát đối đáp.

Vị này đánh giá, các bị cáo Châu, Ngọc, Trung khai báo thành khẩn, thẳng thắn, trung thực, dũng cảm: "Chẳng ai nhận tội để đi ngồi tù, nhất là đang làm công an lại chấp nhận vào tù ngồi, trừ khi có sự việc, có vi phạm xảy ra. Những bị cáo này không vì gì cả, không hy sinh để được gì cả, vậy tại sao họ lại nhận tội?".

Đồng tình với việc các luật sư tại tòa đã hỏi ngược, hỏi xuôi về việc đưa tiền 110 triệu đồng, tuy nhiên đại diện viện kiểm sát khẳng định, câu chuyện có "đầu, đuôi". Qua móc nối, trao đổi, ông Phùng Văn Bảy mới biết được Phùng Anh Lê cần 110 triệu đồng để xử lý việc tha người nên đã cầm tiền tới trụ sở Công an quận Tây Hồ để đưa cho Lê.

"Riêng tội phạm này, không có ai mà đi quay phim, chụp ảnh việc đưa hối lộ cho người khác. Việc làm đó được làm cực kỳ kín đáo và không có dấu vết. Không có chứng cứ thì không bao giờ xác định được hành vi đó là đưa hối lộ"- vị công tố viên phân tích thêm.

Trước đó, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Đức Châu mức án bằng thời hạn tạm giam, tức 10 tháng 27 ngày và đề nghị trả tự do ngay tại tòa; các bị cáo Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung bị đề nghị 8-10 tháng tù treo.

Viện kiểm sát đề nghị tuyên bị cáo Phùng Anh Lê từ 9-10 năm tù về tội nhận hối lộ. Số tiền 110 triệu đồng xung công quỹ nhà nước do phạm tội mà có.

Cáo trạng cho rằng, từ tháng 9/2016, Công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ thụ lý vụ việc anh Nguyễn Công Thành tố giác bị một nhóm người lạ mặt bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích. Nghi phạm của vụ việc này là Nguyễn Hữu Tài đã đến công an đầu thú và được đưa vào nhà tạm giữ.

Người nhà của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ bị cáo Phùng Anh Lê) "bắt mối" với Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê nhờ giúp đỡ. Sau đó, ông Bảy đã mang 110 triệu đồng đến phòng làm việc đưa cho Phùng Anh Lê, đặt lên bàn làm việc nhờ giúp hòa giải.

Sau khi nhận tiền, Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê đã chỉ đạo các thuộc cấp gồm Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung tha cho Tài về nhà không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.