1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê: Nếu tuyên tôi có tội, tôi sẽ kêu oan tới lúc chết

Thế Kha

(Dân trí) - "Nếu tòa tuyên tôi có tội, tôi sẽ chống án kêu oan, đến lúc nào tôi không làm được nữa, thậm chí tới lúc chết. Lúc chết tôi sẽ di chúc cho vợ con tôi phải kêu oan cho tôi bằng được".

Chiều 13/8, tự bào chữa cho mình trước tòa, bị cáo Phùng Anh Lê (cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội) khẳng định những vấn đề mà mình và các bị cáo trình bày trước tòa chưa thống nhất nhưng chưa được làm rõ.

Theo bị cáo, nếu không có Quyết định số 247 tạm giữ Nguyễn Hữu Tài thì các bị cáo từng công tác ở Công an quận Tây Hồ gồm Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Vũ Công Ngọc (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Lê Đình Trung (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp) đều không phạm tội.

"Chúng ta đều nói phải đánh giá công bằng và khách quan vụ án, thực hiện suy đoán vô tội nhưng trong vụ án này viện kiểm sát không đánh giá khách quan. Tôi cho rằng, tất cả việc khai tôi "chỉ đạo miệng" chỉ xuất phát duy nhất từ anh Ngọc"- bị cáo Lê nói.

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê: Nếu tuyên tôi có tội, tôi sẽ kêu oan tới lúc chết - 1

Bị cáo Phùng Anh Lê tại tòa (Ảnh: C.Trần).

Theo bị cáo Phùng Anh Lê, sau phiên tòa này bị cáo Vũ Công Ngọc có thể được hưởng án treo như viện kiểm sát đề nghị. "Tôi đặt giả thiết, sau một thời gian nữa khi bản án có hiệu lực, anh Ngọc ân hận vì đổ oan cho tôi chỉ đạo, nếu anh ấy khai lại không có chuyện đó thì sao? Anh Ngọc kém tôi 13 tuổi, lúc anh Ngọc ân hận thì chúng tôi đều chết hết rồi. Khi anh Ngọc nói chuyện đó không có thì có thể kết tội được tôi không? VKS kết tội bằng lời khai, lời khai đó có thể một lúc nào đó sẽ thấy không trung thực"- bị cáo Lê tự bào chữa cho mình.

Trước việc đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị tuyên án 9-10 năm tù với mình, Cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ khẳng định: "Tôi không có tội. Nếu hôm nay tòa tuyên án tôi 1 năm hay 10 năm tù, nếu tuyên tôi có tội tôi sẽ chống án kêu oan đến lúc nào tôi không làm được nữa, thậm chí tới lúc chết. Lúc chết tôi sẽ di chúc cho vợ con tôi phải kêu oan cho tôi bằng được, bởi đây là danh dự của cả dòng họ của tôi".

Về cáo buộc nhận hối lộ 110 triệu đồng của ông Phùng Văn Bảy để chỉ đạo thả người bị tạm giữ, bị cáo Phùng Anh Lê thề trước tòa: "Tôi thề hôm đó không nhận tiền của ông Bảy". Thậm chí cựu Đại tá Phùng Anh Lê đem cả người mẹ mà "tôi yêu quý nhất trên đời này" ra thề.

Sau đó, bị cáo Lê đặt câu hỏi: "Ông Bảy có dám giơ tay lên thề trước hội đồng xét xử, những người tham dự phiên tòa và thề trước mạng sống của mình rằng hôm đó có đưa cho tôi 110 triệu không?".

Trước đó, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê từ 9-10 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; bị cáo Nguyễn Đức Châu bằng thời hạn tạm giam là 10 tháng 27 ngày, trả tự do ngay tại tòa; bị cáo Nguyễn Công Ngọc từ 8-10 tháng tù treo; bị cáo Lê Đình Trung từ 8-10 tháng tù treo.

Đối với số tiền 110 triệu đồng, đại diện VKS đề nghị xung công quỹ nhà nước vì số tiền này do phạm tội mà có.

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê: Nếu tuyên tôi có tội, tôi sẽ kêu oan tới lúc chết - 2

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê và các bị cáo nghe quan điểm luận tội, đề nghị mức án của VKSND TP Hà Nội (Ảnh: Trung Đỗ).

Cáo trạng cho rằng, từ tháng 9/2016, Công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ thụ lý vụ việc anh Nguyễn Công Thành tố giác bị một nhóm người lạ mặt bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích. Nghi phạm của vụ việc này là Nguyễn Hữu Tài đã đến công an đầu thú và được đưa vào nhà tạm giữ.

Người nhà của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ bị cáo Phùng Anh Lê) "bắt mối" với Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê nhờ giúp đỡ. Sau đó, ông Bảy đã mang 110 triệu đồng đến phòng làm việc đưa cho Phùng Anh Lê, đặt lên bàn làm việc nhờ giúp hòa giải.

Sau khi nhận tiền, Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê đã chỉ đạo các thuộc cấp gồm Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung tha cho Tài về nhà không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.

Cũng theo cáo trạng, các bị cáo Châu, Ngọc, Trung biết chỉ đạo của Phùng Anh Lê là trái pháp luật nhưng đã chấp hành, thực hiện tha trái pháp luật Nguyễn Hữu Tài.

Sau khi nhận tiền, ông Lê gọi điện thoại cho thuộc cấp yêu cầu mang tài liệu xuống xem xét. Phùng Anh Lê cho rằng chứng cứ tạm giữ Tài còn yếu nên đã ra chỉ đạo "phải đưa nghi phạm ra khỏi nhà tạm giữ".

Bị cáo Ngọc lúc đó cho rằng Tài đang thi hành quyết định tạm giữ, nên muốn cho về phải có quyết định hủy bỏ tạm giữ hoặc quyết định trả tự do. Tuy nhiên, Phùng Anh Lê "không quan tâm", vẫn chỉ đạo Ngọc tiếp tục thực hiện theo "lệnh".

Kết quả điều tra xác định khoảng 0h30 ngày 23/9/2016, Ngọc cùng một số cán bộ đội hình sự đến đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ. Khi đó, Trung đang phụ trách ca trực tại nhà tạm giữ đã phản đối việc này, vì cho rằng không có quyết định hủy bỏ tạm giữ.

Sau khi báo cáo cấp phụ trách, Trung nhận được chỉ đạo của cấp trên rằng: "Sếp Lê đã chỉ đạo thì phải nghe thôi. Quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được". Ngay trong đêm, nghi phạm Tài được thả khỏi nhà tạm giữ và được cho về nhà.