Tranh chấp đất vàng Bà Triệu: "Trùm" cờ bạc Nguyễn Văn Dương được nhắc tên
(Dân trí) - Bị cáo Hiển khẳng định bản thân là người đã bỏ ra 2.600 cây vàng và 9 tỷ đồng (quy đổi là 200 tỷ đồng) để mua 3 lô đất ở phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
14h ngày 20/4, phiên tòa xét xử vụ tranh chấp "đất vàng" phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tiếp tục với phần tranh luận. Các bị cáo bị đưa ra xét xử là vợ chồng bị cáo Lương Thế Hiển (cựu Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Liên (cùng 63 tuổi).
Tại phiên tòa trước đó, ông Hiển phủ nhận toàn bộ cáo buộc của cơ quan công tố, phản bác lời khai của bị hại Nguyễn Thanh Thủy và vợ là bị cáo Liên.
Cụ thể, cựu Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên khẳng định việc ký kết hợp tác kinh doanh với ông Thủy là có thật, nội dung ký kết là: "Anh Thủy và bà Liên cùng góp vốn đầu tư mua nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, tổng giá trị tạm tính là 200 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn 50/50, mỗi bên 100 tỷ".
Để chứng minh, bị cáo Hiển khai trước tòa đã "đóng góp" 1.200 cây vàng và hơn 8 tỷ đồng tiền mặt (tương đương 100 tỷ đồng) như thỏa thuận. Sau đó, bị cáo còn tự thanh toán nốt phần của ông Thủy. Đồng nghĩa, bị cáo Hiển một mình chi 2.600 cây vàng và 9 tỷ đồng (quy đổi là 200 tỷ đồng) để mua 3 lô đất ở phố Bà Triệu.
Theo lời khai của ông Hiển, thỏa thuận trên đổ vỡ khi ông Thủy bất ngờ xin rút tên khỏi hợp đồng.
Nêu nguyên nhân ông Thủy rút lui, bị cáo Hiển cho biết thời điểm đó, em trai của ông Thủy là Nguyễn Văn Dương (ông trùm đường dây đánh bạc bị Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá), bất ngờ bị cơ quan chức năng "bóc gỡ" hành vi phạm tội, vướng vòng lao lý. Vì vậy, ông Thủy đã nói với Hiển là không còn tiền, xin rút, thanh lý hợp đồng.
Lời khai của bị cáo Hiển cho rằng ông Thủy hoàn toàn biết việc bị cáo bán 3 lô đất cho anh Lê Hải An, đồng thời không có phản ứng hay ý kiến gì. Chỉ khoảng hơn một năm sau, khi anh An bắt đầu xây dựng trên đất, ông Thủy mới liên lạc với Hiển để yêu cầu "chia lời".
Khi được HĐXX hỏi về lời khai trên của Hiển, ông Thủy khẳng định 100% nội dung không đúng sự thật.
Có chung quan điểm với ông Thủy, bị cáo Liên cũng khai việc giao dịch tiền, hợp tác kinh doanh tại 3 thửa đất ở phố Bà Triệu là không có. Ngoài ra, vợ bị cáo Hiển phủ nhận việc giúp chồng thực hiện hành vi chiếm đoạt 3 thửa đất. Bị cáo Liên nói chỉ ký vào giấy tờ, hợp đồng theo chỉ đạo của chồng mà không rõ nội dung là gì.
Theo cáo buộc của VKS, năm 2017, ông Nguyễn Thanh Thủy có ý định thâu tóm toàn bộ 3 thửa đất số 296, 298, 300 phố Bà Triệu để kinh doanh bất động sản. Cuối tháng 9/2017, ông Thủy muốn mua lại toàn bộ phần đất còn lại của 3 thửa đất. Tuy nhiên, theo quy định, ông Thủy không thuộc đối tượng được mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Vì vậy, ông Thủy nhờ ông Lương Thế Hiển.
Để hợp thức việc nhờ ông Hiển đứng tên làm các thủ tục trên, ông Thủy và ông Hiển thống nhất làm giả hợp đồng hợp tác kinh doanh, giấy nhận tiền, hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất.
Sau đó, ông Hiển đứng tên giúp ông Thủy ký 11 hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất tại số 296, 298, 300 Bà Triệu. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cấp 11 sổ đỏ tại số 296, 298, 300 Bà Triệu đứng tên ông Hiển và bà Nguyễn Thị Liên.
Sau khi được cấp sổ đỏ đứng tên, ông Hiển nảy sinh ý định chiếm đoạt. Toàn bộ hơn 670m2 đất tại địa chỉ trên bị ông Hiển bán lại cho anh Lê Hải An với giá hơn 322 tỷ đồng.
Trong bản luận tội, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hiển 18-20 năm tù, bị cáo Liên 30-36 tháng tù treo, cùng về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Về dân sự, VKS đề nghị tòa buộc ông Hiển trả lại 320 tỷ đồng tiền bán đất cho người mua là ông Lê Hải An, đồng thời, bị cáo có trách nhiệm trả lại 3 lô đất cho ông Nguyễn Thanh Thủy.