1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tranh cãi vị trí chỗ ngồi giữa kiểm sát viên và luật sư

(Dân trí) - Việc bố trí chỗ ngồi của đại diện viện kiểm sát và luật sư ở các tòa án cấp tỉnh/thành trên cả nước hiện không thống nhất. Đây là vấn đề đã gây không ít tranh cãi với nhiều quan điểm trái chiều, đặc biệt là vị trí ngồi của kiểm sát viên và luật sư trong một phiên tòa.

Sau khi đưa trụ sở mới xây vào hoạt động, TAND TP Đà Nẵng đã điều chỉnh vị trí ngồi của kiểm sát viên (KSV) và luật sư (LS) ngang bằng và đối diện nhau. Giới LS thì ủng hộ, trong khi KSV phản ứng vì cho rằng vai trò, địa vị của họ cao hơn luật sư nên không thể ngồi ngang hàng.


TAND TP Đà Nẵng bố trí vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư ngang bằng nhau trong quá trình xét xử

TAND TP Đà Nẵng bố trí vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư ngang bằng nhau trong quá trình xét xử

Ông Đặng Ánh - Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng – cho rằng, hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc tổ chức phiên tòa cũng như xác định vị trí chỗ nngồi của người tiến hành tố tụng (THTT) và người tham gia tố tụng (TGTT). Điều này dẫn đến tình trạng việc tổ chức phiên tòa, bố trí ngồi không thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, chưa thể hiện được hết vai trò, chức năng đặc thù riêng của từng cơ quan, người THTT và người TGTT.

Do đó, vấn đề “chỗ ngồi” đang là đề tài nóng với nhiều quan điểm trái chiều, đặc biệt là vị trí ngồi của đại diện VKS và LS trong một phiên tòa.

Hiện nay, phần lớn TAND các địa phương thường bố trí vị trí ngồi theo mô hình: Hội đồng xét xử (HĐXX) ngồi chính giữa hội trường, đại diện VKS và Thư ký phiên tòa ngồi hai bên và ngang hàng với HĐXX, LS, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và những người tham gia tố tụng ngồi phía dưới, thấp hơn vị trí ngồi của HĐXX, VKS và Thư ký.

Mô hình vị trí ngồi của các bên liên quan đang được áp dụng phổ biến hiện nay
Mô hình vị trí ngồi của các bên liên quan đang được áp dụng phổ biến hiện nay

Kể từ khi đưa trụ sở mới vào hoạt động, TAND TP Đà Nẵng là đơn vị tiên phong thay đổi cách bố trí vị trí ngồi trong phòng xử án như mô hình ở trên với lý do với mô hình này thể hiện một số hạn chế, bất cập.

Sau nhiều năm thực hiện theo mô hình trên, TAND hai cấp TP Đà Nẵng nhận thấy việc bố trí vị trí ngồi như vậy là không phù hợp và đảm bảo đúng định hướng theo tinh thần cải cách tư pháp (CCTP), cũng không đáp ứng được yêu cầu dân chủ, tiến bộ trong hoạt động xét xử, gây khó khăn cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.

Việc bố trí đại diện VKS và Thư ký phiên tòa ngồi ngang hàng với HĐXX khiến vai trò của chủ thể không được thể hiện đúng, dẫn đến việc ngộ nhận về thẩm quyền, chức năng của HĐXX và các chủ thể khác trong hoạt động xét xử.

Vì vậy, từ năm 2014, TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã chủ động báo cáo với Ban Chỉ đạo CCTP, Thành ủy Đà Nẵng và đã thay đổi vị trí ngồi những người THTT và những người TGTT tại phiên tòa theo mô hình mới.

Theo đó, chỉ có HĐXX mới được ngồi vị trí cao nhất, riêng biệt, dưới Quốc huy và chính giữa hội trường; ngồi phía dưới và ngay trước HĐXX là bàn của Thư ký phiên tòa. Cũng ngồi phía dưới và bên tay phải HĐXX là bàn của đại diện VKS; bên tay trái, đối diện với VKS là bàn của LS, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Riêng những người tham gia tố tụng ngồi phía dưới, đối diện với thư ký phiên tòa.

Ông Đặng Ánh cho rằng, việc bố trí chỗ ngồi theo mô hình mới sẽ khắc phục được toàn bộ các hạn chế, bất cập của mô hình cũ đồng thời thể hiện được một số ưu điểm tích cực, đảm bảo thể hiện được vị trí, vai trò trung tâm của HĐXX.

Dưới Quốc huy, HĐXX nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết. Đại diện VKS, LS, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đượng sự và những người TGTT với tư cách là các chủ thể của HĐTT đã có được vị trí ngồi bình đẳng.

Bên cạnh đó, Thư ký phiên tòa được bố trí ở vị trí thuận lợi nhất để có thể nắm rõ việc điều hành của HĐXX, nghe rõ lời phát biểu của đại diện VKS với lời trình bày của những người tham gia tố tụng…

Mô hình vị trí ngồi cũ một số Tòa đang áp dụng
Mô hình vị trí ngồi cũ một số Tòa đang áp dụng

Cho đến nay, cách thức bố trí ngồi tại phiên tòa của TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã được cấp ủy, chính quyền thành phố đánh giá cao, các cơ quan tố tụng của Đà Nẵng ủng hộ và nhận được đồng tình rất lớn của dư luận quần chúng nhân dân.

Tuy mô hình này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận và đánh giá cao nhưng cũng còn một số ý kiến của kiểm sát viên (KSV) bày tỏ sự không đồng tình với cách tổ chức mới này. Theo họ mô hình chỗ ngồi tại phiên tòa, KSV ngang hàng với HĐXX là phù hợp và cũng phù hợp với tổ chức và hoạt động của bộ máy cơ quan tư pháp, với chức năng, nhiệm vụ của VKS và Tòa án.

Vì vậy KSV không thể ngồi ngang hàng với LS. Thậm chí, có ý kiến của một KSV cho rằng nếu không ngồi ngang với HĐXX thì KSV cũng phải ngồi trên bục thấp hơn một chút chứ không thể ngồi ngang hàng với LS.

Một đại diện VKS Nhân dân TP Đà Nẵng cho biết, theo quy định của Luật tổ chức VKS Nhân dân, Bộ luật TTHS thì người bào chữa nói chung và luật sư nói riêng thì họ là người tham gia tố tụng, còn KSV là người tiến hành tố tụng.

Như vậy, chủ thể KSV và người bào chữa, LS có địa vị pháp lý khác nhau. KSV là người được nhà nước bổ nhiệm, thay mặt nhà nước thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao, còn người bào chữa, LS không phải là người được nhà nước bổ nhiệm mà là người của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, được tổ chức đó cử đi thực hiện nhiệm vụ từng vụ việc theo yêu cầu của người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng khác.

Do đó địa vị pháp lý của KSV và người bào chữa, LS khác nhau. Vì lẽ đó, tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự kiểm sát viên và người bào chữa, LS không thể ngồi cùng vị trí ngang bằng.

Tuy nhiên, một số LS lại đồng ý với cách bố trí vị trí ngồi như hiện nay ở TAND TP Đà Nẵng, thể hiện bằng quan điểm: Việc LS ngồi ngang hàng với KSV mới thể hiện sự văn minh, bình đẳng trước pháp luật.

Tại phiên tòa, bên buộc tội (VKS) và bên gỡ tội (LS) nếu lại ngồi ở vị trí cao thấp khác nhau thì chỉ nhìn vào đó người ta đã thấy sự bất bình đẳng giữa bên buộc tội, bên gỡ tội và không thấy vị trí trung tâm của HĐXX (tòa án). Vì vậy, việc bố trí LS và đại diện VKS ngồi ngang nhau sẽ không thấy sự bất bình đẳng giữa bên buộc và bên gỡ tội.

Công Bính

 

 

Tranh cãi vị trí chỗ ngồi giữa kiểm sát viên và luật sư - 4