1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Trách nhiệm của cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính trong vụ Việt Á ra sao?

Hải Nam

(Dân trí) - Kết luận điều tra cho rằng, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính) có trách nhiệm trong vụ án nhưng không có động cơ vụ lợi; không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Việt Á...

Trong kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit test của Công ty Việt Á, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xem xét trách nhiệm của ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính) và ông Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá).

Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn được Bộ Tài chính phân công chủ trì hiệp thương giá giữa Bộ Y tế và Công ty Việt Á, thực hiện trong điều kiện khẩn cấp theo yêu cầu về phòng, chống dịch của Thủ tướng.

Khi hiệp thương, hồ sơ của Bộ Y tế còn thiếu Bảng chi tiết yếu tố hình thành giá; Công ty Việt Á thiếu các căn cứ tính giá theo quy định; đồng thời đại diện Bộ Y tế quyết định giá hiệp thương 470.000/test không có căn cứ.

Trách nhiệm của cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính trong vụ Việt Á ra sao? - 1

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính (Ảnh: Quochoi).

Ông Nguyễn Anh Tuấn đã báo cáo và được ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo ký Thông báo số 266 ngày 27/3/2020, nêu giá hiệp thương 470.000 đồng/test là "tạm tính để thực hiện giao hàng và tạm thanh toán", không có trong quy định của Luật giá.

Theo kết luận điều tra, việc ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo và ông Nguyễn Anh Tuấn đưa nội dung giá "tạm tính" là nhằm bảo vệ ngân sách Nhà nước không bị thiệt hại, thất thoát, lãng phí.

Hiệp thương xong, ông Nguyễn Anh Tuấn đã tham mưu để vị Thứ trưởng ký văn bản đề nghị Bộ Y tế sớm thực hiện kiểm tra giá hiệp thương, xác định giá chính thức đế làm căn cứ thanh toán nhưng Bộ Y tế không thực hiện.

Sau đó, ông Nguyễn Anh Tuấn tiếp tục tham mưu để ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký văn bản của Bộ Tài chính báo cáo và kiến nghị để Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương.

Lúc này, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá được Bộ Tài chính phân công làm Phó trưởng Đoàn kiểm tra giá. Trưởng đoàn là ông Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế).

Khi đó, ông Liên chỉ đạo ông Tuấn và các thành viên Đoàn kiểm tra thuộc Bộ Tài chính kiểm tra chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. 

Quá trình kiểm tra, nhóm này xác định một số khoản chi phí chung không có hóa đơn chứng từ; chi phí nhân công giảm do tính cả chi phí nhân công bộ phận khác vào bộ phận sản xuất sinh phẩm.

Vì vậy, họ đề nghị ông Liên chỉ đạo phải kiểm tra chi phí nguyên vật liệu trực tiếp của Bộ Y tế, nhằm xác định rõ tính phù hợp của nguyên liệu sản xuất sinh phẩm, làm cơ sở rà soát chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung.

Đồng thời, sau khi cùng Đoàn kiểm tra Bộ Y tế thực hiện việc kiểm tra giá tại Công ty Việt Á, ông Nguyễn Anh Tuấn đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra.

Theo kết luận điều tra, việc Đoàn kiểm tra giá hiệp thương chưa có kết luận về giá hiệp thương, nguyên nhân chính là chưa có kết quả kiểm tra về nguyên vật liệu chính phục vụ sản xuất test xét nghiệm bị thay đổi.

"Trách nhiệm thuộc về Nguyễn Nam Liên, Trưởng Đoàn kiểm tra giá hiệp thương", kết luận nêu.

Theo kết luận điều tra, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Nguyễn Anh Tuấn có trách nhiệm trong việc ban hành Thông báo nêu giá hiệp thương 470.000 đồng/test xét nghiệm là "tạm tính", không có trong quy định của Luật giá, nhưng mục đích sử dụng để "tạm thanh toán", không sử dụng làm căn cứ quyết toán. 

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định 2 ông không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; không thấy có sự thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á; không được hưởng lợi.

Ngoài ra, quá trình điều tra vụ án, cả 2 chủ động khai báo, tích cực hợp tác làm rõ bản chất tội phạm và người phạm tội.

"Vì vậy, không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Nguyễn Anh Tuấn", kết luận điều tra nêu.

Tại kết luận điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố 38 bị can. 

Trong đó, có 3 người từng là Ủy viên Trung ương Đảng gồm: ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) cũng bị điều tra tội Nhận hối lộ.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt bị nhà chức trách đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 25 bị can khác cùng bị đề nghị truy tố về tội danh trên.

Việt còn bị điều tra thêm tội Đưa hối lộ, với tổng số tiền hơn 106 tỷ đồng.

Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ Khoa học Công nghệ giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Với mục đích để Việt Á chiếm đoạt, biến test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Việt đã thông đồng, câu kết với nhiều cá nhân, lãnh đạo Bộ, địa phương để Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm Covid-19.

Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/test không có căn cứ.

Bộ Y tế sau đó kiểm tra giá hiệp thương, xác định Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng mức giá trên, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.

Trong 2 năm, Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu test, đã bán/tặng/ứng trước hơn 8,3 triệu test và được thanh toán gần 6 triệu test (tương đương hơn 2.257 tỷ đồng).

Đối chiếu với chi phí thực để sản xuất một test (143.461 đồng), Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.235 tỷ đồng.