Kiến nghị nâng cao kiểm soát quyền lực người đứng đầu 2 Bộ sau vụ Việt Á
(Dân trí) - Theo kết luận điều tra, Bộ KH&CN đã buông lỏng, thiếu kiểm soát trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, còn Bộ Y tế đã thiếu kiểm tra, giám sát với quản lý Nhà nước về sinh phẩm y tế.
Tại kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit test của Công ty Việt Á, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đưa ra đánh giá về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can.
Cụ thể, tại Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), kết luận cho rằng cơ quan này đã buông lỏng, thiếu kiểm soát trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, trong các khâu: Phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, đơn vị phối hợp; kinh phí, theo dõi sử dụng và thanh toán kinh phí; quản lý thực hiện đề tài, xử lý kết quả thực hiện đề tài...
Đối với Bộ Y tế, cơ quan điều tra đánh giá Bộ này đã thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý Nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các cá nhân...
Với sự buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát tại 2 cơ quan trên, Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã lợi dụng, móc ngoặc thông đồng với lãnh đạo, cán bộ Bộ KH&CN và Bộ Y tế, để thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Từ những nguyên nhân nêu trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đưa ra 7 kiến nghị.
Một là, Bộ KH&CN và Bộ Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quản lý sinh phẩm y tế, đảm báo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Hai là, Bộ KH&CN phải rà soát cơ cấu tổ chức và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ. Từ đó, chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi cho thống nhất, đúng quy phạm pháp luật theo hướng có cơ quan chuyên trách quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đồng thời, Bộ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Ba là, Bộ Y tế phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế; phổi hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp quản lý giá đối với các vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.
Bốn là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành có liên quan cần chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh..., đặc biệt là đối với các gói thầu có giá trị lớn, chưa được phân bổ dự toán ngân sách thực hiện, việc hướng dẫn xác định giá trị hợp đồng, thương thảo hợp đồng.
Năm là, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cần chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, cơ sở y tế công lập trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về mua sắm, đấu thầu cho cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm. Đồng thời, theo thẩm quyền và quy định của Luật đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đấu thầu 2013, xem xét xử lý đối với các công ty có sai phạm trong kết luận điều tra (cảnh cáo, phạt tiền, cấm tham gia hoạt động đấu thầu...).
Sáu là, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét xử lý hành chính đối với công ty thẩm định giá có sai phạm được kết luận trong vụ án (đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...).
Bảy là, ngoài các bị can đã khởi tố và đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau; có cá nhân có hành vi không cấu thành tội phạm, chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm; đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng và chính quyền.
Tại kết luận điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố 38 bị can. Trong đó, có 3 người từng là Ủy viên Trung ương Đảng.
Theo đó, ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng KH&CN) bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) cùng bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt bị nhà chức trách đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 25 bị can khác cùng bị đề nghị truy tố về tội danh trên. Việt còn bị điều tra thêm tội Đưa hối lộ, với tổng số tiền hơn 106 tỷ đồng.
Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ Khoa học Công nghệ giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Với mục đích để Việt Á chiếm đoạt, biến test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Việt đã thông đồng, câu kết với nhiều cá nhân, lãnh đạo Bộ, địa phương để Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm Covid-19.
Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/test không có căn cứ. Bộ Y tế sau đó kiểm tra giá hiệp thương, xác định Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng mức giá trên, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.
Trong 2 năm, Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu test, đã bán/tặng/ứng trước hơn 8,3 triệu test và được thanh toán gần 6 triệu test (tương đương hơn 2.257 tỷ đồng). Đối chiếu với chi phí thực để sản xuất một test (143.461 đồng), Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.235 tỷ đồng.