1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tình người quản giáo

Cảnh sát quản giáo trại giam là những người mà vừa cùng lúc phải thực thi nhiều nhiệm vụ: quản lý, dạy nghề cho những người đã từng lầm lỡ và giáo dục, cảm hóa để họ sớm hoàn lương, trở về với gia đình và xã hội.

Để làm tròn trọng trách "hai vai" này, các anh các chị đã phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình, sống trong môi trường khắc nghiệt, đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, gian khó.

Chúng tôi đến Trại giam số 3 (Tổng cục VIII-Bộ Công an), đóng chân trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đúng vào thời điểm nắng nóng miền Trung đang thời kỳ đỉnh điểm, thời tiết ngoài trời có lúc lên đến 40 độ C, cùng với đó là gió Lào quất bỏng rát thịt da.

Dù vậy, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, hoạt động lao động sản xuất và dạy nghề cho phạm nhân, cả ở trong nhà xưởng lẫn ngoài phân trại đều diễn ra tất bật, khẩn trương.

Nói như phân trần, Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam cho biết, thời điểm này đang là cao điểm của vụ hè thu, cùng với đó các cơ sở liên kết dạy nghề cũng đang cần sản phẩm để xuất cho đối tác nên anh em quản giáo lẫn phạm nhân phải tăng ca, tăng cường lao động sản xuất. Tất nhiên, bù lại cho sự vất vả đó, khẩu phần ăn lẫn các chế độ liên quan đều được Ban giám thị quan tâm, tăng cường.

Thậm chí, để đốc thúc anh em phạm nhân, nhiều cán bộ quản giáo cũng quần xắn đến gối, lội ruộng từ sáng sớm để tham gia cày cấy cùng phạm nhân, vừa mang tính chất động viên, vừa đẩy nhanh tiến độ cho kịp mùa vụ.

Trung tá Lê Ngọc Quỳnh hướng dẫn phạm nhân tại xưởng sản xuất.
Trung tá Lê Ngọc Quỳnh hướng dẫn phạm nhân tại xưởng sản xuất.

Để nhìn tận mắt, chúng tôi đến khu sản xuất của Đội 12, thuộc Phân trại số 1 do Thiếu tá Võ Tuấn Anh, quản lý. Với quân số 19 phạm nhân, làm nhiệm vụ lao động sản xuất bên ngoài khuôn viên phân trại, công việc chủ yếu là chăm sóc, trồng trọt với diện tích 3,5ha lúa hai vụ mỗi năm.

Thiếu tá Võ Anh Tuấn chia sẻ, đặc thù của phạm nhân tại khu sản xuất này là vênh nhau về độ tuổi tương đối lớn, trình độ học vấn, nhận thức pháp luật cũng không giống nhau.

Ngoài ra, đội của anh quản lý có khá nhiều phạm nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số nên quá trình giáo dục, cảm hóa cũng có những hạn chế, khó khăn nhất định. Do đó, để giúp phạm nhân yên tâm cải tạo tốt, sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng, bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần, bản thân anh còn dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ đối với những trường hợp có tâm lý chán nản, chây lười trong quá trình cải tạo.

Hơn 20 năm trong ngành, Thiếu tá Võ Tuấn Anh cũng không nhớ được mình đã truyền cảm hứng hoàn lương tử tế cho bao nhiêu phạm nhân, chỉ nhớ rằng, trong cuộc đời làm quản giáo của mình, bản thân anh gắn bó rất nhiều kỷ niệm với phạm nhân, vui buồn đều có đủ, thậm chí có cả những bức xúc rất con người. Những kỷ niệm đó, gắn với nghiệp quản giáo của anh, cũng là hành trang để bản thân mình soi xét lại, để làm tốt hơn công việc "trồng người" đầy gian nan nhưng cũng rất vinh quang nơi đất trại.

Một trong những câu chuyện như thế, đến hôm nay nhắc lại, bản thân anh vẫn còn rưng rưng, ấy là chuyện về cựu phạm nhân Võ Thanh Hạnh, trú tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Hạnh là một người tù bất hạnh, sau khi li dị vợ ở quê, anh này vào Thanh Hóa cưới vợ khác, do bị rủ rê, cám dỗ nên sa vào ma túy và bị kết án 5 năm tù.

Trong thời gian đầu thụ án, phạm nhân Hạnh cải tạo chây lười vì lý do gia đình không quan tâm. Sau 3 lần phạm nhân này gửi thư về nhà không nhận được hồi âm, Thiếu tá Võ Tuấn Anh đã đích thân gửi thư, nhờ hàng xóm đến chính quyền địa phương xác nhận gia cảnh để có điều kiện giảm án.

Sau hành động này, phạm nhân Hạnh đã chuyên tâm cải tạo và từ việc có hình phạt bổ sung trước đó, phạm nhân này đã cải tạo tốt, được giảm án 5 tháng và về nhà trước thời hạn. Niềm vui không ai ngờ tới, ấy là anh này đã tìm lại được vợ con ở quê, gia đình đoàn tụ sau những thăng trầm, biến cố. Bất ngờ hơn nữa, 2 năm sau kể từ ngày mãn hạn tù, Võ Thanh Hạnh đã một mình chạy xe máy từ Thanh Hóa vào Trại giam số 3, chỉ để tặng cho cán bộ quản giáo 2 chiếc ách cày!

Phạm nhân Trại giam số 3 chế tác gỗ.
Phạm nhân Trại giam số 3 chế tác gỗ.

Trung tá Lê Ngọc Quỳnh (42 tuổi), làm công tác quản giáo tại Đội 2, phân Trại số 1, hiện đang quản lý, giáo dục 30 phạm nhân chia sẻ: Trong số 30 phạm nhân anh đang quản lý, hiện có 10 phạm nhân mang án chung thân, án từ 15 đến 25 năm chiếm đại đa số. Phần lớn các phạm nhân đều "cõng" nhiều tiền án, tiền sự, một số khác mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình không quan tâm; một số là đối tượng cộm cán, bị bóc tách, chuyển từ các trại giam khác về.

Trong môi trường như vậy, tùy từng phạm nhân, Trung tá Quỳnh đã gặp gỡ để giáo dục riêng, vừa mềm mỏng nhưng cũng rất nghiêm khắc để mỗi phạm nhân nhận ra giá trị thực của cuộc sống sau chuỗi ngày lầm lỗi của bản thân. Mưa dầm thấm lâu, chính cách quan tâm đó đã làm lay động tâm hồn của các phạm nhân, giúp họ nhận thức được chỉ có lao động mới là con đường hoàn lương nhanh nhất.

Phạm nhân Nguyễn Tuấn Sơn, quê Thanh Hóa, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thời kỳ đầu mới vào trại liên tục bị kỷ luật giam riêng vì chống đối, thế nhưng sau thời gian về Đội 2, được sự cảm hóa của Trung tá Lê Ngọc Quỳnh, phạm nhân này đã có thành tích cải tạo khá, hiện đã được xét giảm án và chuyển sang làm đội tự quản của Đội 7.

Trung tá Hoàng Công Thành, Trưởng Phân trại số 1, Trại giam số 3 chia sẻ: Môi trường trại giam vốn dĩ đã rất phức tạp, với một cơ sở giam giữ, cải tạo đặc thù như Trại giam số 3 (trước đây là trại loại 1, chỉ giam giữ những đối tượng mang án cao, từ 20 năm đến chung thân, những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự và chỉ có phạm nhân nam), bài học kinh nghiệm lớn nhất mà lực lượng Cảnh sát quản giáo trại giam rút ra, là bên cạnh sự mềm dẻo, cảm thông và chia sẻ sâu sắc với mỗi phạm nhân, trong những trường hợp cần thiết cũng cần có biện pháp mạnh để đủ sức răn đe, không chỉ với phạm nhân vi phạm kỷ luật trại giam mà còn có tác dụng giáo dục đối với các phạm nhân khác.

Theo Trung tá Thành, điều quan trọng nhất để giúp phạm nhân cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình và xã hội chính là môi trường cải tạo. Ở Trại giam số 3, từ nhiều năm nay không còn xảy ra tình trạng phạm nhân chống đối, đưa vật cấm vào buồng giam là bởi Ban giám thị đã xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh và chuẩn mực, từ tác phong, lễ tiết của cán bộ đến nếp sinh hoạt của phạm nhân. Chính sự chăm lo về điều kiện sống, sinh hoạt, học tập lẫn vui chơi giải trí và các chế độ chính sách đã tự nó làm lay động đến lương tri, lương năng của mỗi phạm nhân.

Cũng bởi vậy, ở Trại giam số 3, đã có những trường hợp phạm nhân chống đối, nhập trại không nhận là mình có tội, song dưới sự tác động bằng tâm và tình của cán bộ quản giáo, họ đã cải tạo tốt, được xét giảm án hằng năm. Những phạm nhân hoàn lương, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, quay trở lại tri ân người quản giáo.

Thậm chí, có những người sau thời gian về lại gia đình đã quay lại xin dựng nhà làm ăn sinh sống xung quanh trại giam, là những câu chuyện gần như năm nào cũng xảy ra. Đó, cũng chính là thước đo xác thực nhất về sự hi sinh, âm thầm nuôi dưỡng mầm thiện cho những số phận lạc lối đang nỗ lực tìm lại bản thân của những người Cảnh sát quản giáo trại giam nói chung và ở Trại giam số 3 nói riêng.

Theo Thiên Thảo

Cảnh sát toàn cầu