1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Thanh Hóa:

"Tín dụng đen online" và nỗi ám ảnh trò "khủng bố" đòi nợ

Bình Minh

(Dân trí) - Trót vay tiền qua ứng dụng online, nhiều nạn nhân "ngã ngửa" khi số tiền bất ngờ nhân lên gấp nhiều lần. Không trả đúng hạn, không chỉ chính con nợ mà ngay cả người thân, gia đình đều bị "khủng bố".

Lãi suất "cắt cổ"

Mất việc làm do dịch Covid-19, chị L.T.H. (thành phố Thanh Hóa) đối mặt với hàng loạt khó khăn khi không còn nguồn thu nhập. Trong lúc đang không biết xoay xở ra sao, chị H. nhận được tin nhắn từ một ứng dụng online cho vay mà không cần tài sản thế chấp, thủ tục rất nhanh gọn, chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân là có thể được giải ngân ngay sau đó.

Chị H. đã vay 60 triệu đồng nhưng không ngờ chỉ trong vòng vài tháng, số tiền nợ của chị được thông báo lên hơn gấp đôi so với số tiền vay ban đầu. Cụ thể, chị sẽ phải trả số tiền hơn 120 triệu đồng.

Tín dụng đen online và nỗi ám ảnh trò khủng bố đòi nợ  - 1

Công an thành phố Thanh Hóa bắt giữ các đối tượng lừa đảo vay tiền các ứng dụng online (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

"Chúng dùng rất nhiều số điện thoại để "khủng bố" với không chỉ tôi mà cả những người trong gia đình và bạn bè tôi. Tôi cũng không hiểu sao họ có được số điện thoại đó. Vì quá lo sợ, tôi phải chạy vạy khắp nơi để có được số tiền 120 triệu đồng trả cho họ. Tuy nhiên, họ nói tôi vẫn còn nợ thêm 7 triệu đồng nữa nên tiếp tục đe dọa, khủng bố", chị H. kể lại.

Tương tự như chị H., anh L.B.V. (trú tại thành phố Thanh Hóa) cho hay, vừa qua, gia đình anh gặp khó khăn tài chính. Khi thấy có hình thức cho vay qua ứng dụng online, anh đã làm các bước như hướng dẫn. 

"Tôi chỉ vay 1 triệu đồng mà sau chưa đầy một tháng, cả gốc và lãi tôi phải trả là 1,7 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, chỉ 10 ngày sau, số tiền tiếp tục tăng lên gần 3 triệu đồng. Tôi không ngờ mức lãi suất của hình thức này lại kinh khủng đến như vậy", anh V. cho biết. 

Không chỉ bản thân con nợ rơi vào tình trạng bị đe dọa, nhiều người liên quan cũng bỗng dưng trở thành nạn nhân của "tín dụng đen online". "Chủ nợ" liên tục bị nhắn tin, gọi điện thoại khủng bố, đe dọa, thậm chí bị sử dụng hình ảnh cá nhân phát tán lên mạng xã hội để gây sức ép đòi nợ. Lý do là thông tin của các nạn nhân bất đắc dĩ nằm trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng online.

Ông L.V.T., ở xã Quảng Hợp (huyện Quảng Xương) không hề vay mượn tiền của ai nhưng thời gian gần đây liên tục bị các đối tượng sử dụng số máy điện thoại lạ gọi điện đòi nợ. Ông T. cho biết: "Tôi cũng không biết ai vay nợ, nhưng rất nhiều số điện thoại gọi đến yêu cầu trả nợ với lời lẽ xúc phạm. Họ còn đưa hình ảnh vợ chồng tôi lên Facebook, chúng tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi".

Một loại biến tướng của hoạt động "tín dụng đen"

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, lợi dụng dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài, nhiều người gặp khó khăn về tài chính, các đối tượng sử dụng ứng dụng cho vay trực tuyến hoặc quảng cáo chào mời vay tiền qua điện thoại, qua mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng.

Điều đáng nói, các ứng dụng, website cho vay tiền có thủ tục rất nhanh gọn, đánh trúng vào tâm lý cần tiền nhanh của người dân. Tuy nhiên, sự dễ dãi trong vay mượn tiền kéo theo người vay phải trả lãi suất rất cao.

Tín dụng đen online và nỗi ám ảnh trò khủng bố đòi nợ  - 2

Cơ quan chức năng lên phương án điều tra vấn nạn cho vay qua ứng dụng online "tín dụng đen" (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cảnh báo, hầu hết các ứng dụng cho vay tiền online là hình thức biến tướng của hoạt động "tín dụng đen". Hoạt động này hiện  đang diễn biến rất phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Khi vay tiền, người vay buộc phải đồng ý cho phép ứng dụng truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội. Đáng lo ngại là để đòi được nợ, các đối tượng sẵn sàng gây sức ép đối với tất cả những người có thông tin liên quan đến con nợ, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của rất nhiều người.

Trung tá Phùng Văn Thạo, Phó Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an thành phố Thanh Hóa cho biết: "Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện thủ đoạn mới của các đối tượng là dùng sim rác để đăng ký zalo, thành công thì các đối tượng hủy sim. Sau đó, dùng zalo ảo để liên lạc với nhau và thực hiện hành vi tấn công khủng bố đối với các con nợ, cả người thân, người quen".

Được biết, thời gian qua, cơ quan công an đã tiếp nhận rất nhiều tin trình báo của người dân về việc không vay nợ nhưng liên tục bị các đối tượng quấy nhiễu, khủng bố, gây sức ép để đòi nợ.

Một số nhóm đã bị cơ quan điều tra phát hiện bắt giữ, tuy nhiên, việc điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng "núp bóng" sau các ứng dụng vay tiền này hiện đang gặp nhiều khó khăn.