1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Thỏa thuận ngầm của cựu Phó phòng Cục Hàng không vụ chuyến bay giải cứu

Hải Nam

(Dân trí) - Theo cáo trạng, Vũ Hồng Quang, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không, đã đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên để xin cấp phép cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ.

Trong giai đoạn 2 vụ án chuyến bay giải cứu, cơ quan tố tụng đã làm rõ hành vi đưa hối lộ khi tổ chức đưa công dân (khách lẻ) về nước tại Bộ Y tế.

Theo cáo trạng, tháng 9/2020, Vũ Hồng Quang, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải), đã liên hệ, trao đổi nhờ Phạm Trung Kiên (bị can Giai đoạn 1 vụ án, cựu cán bộ Bộ Y tế) giúp để có được văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ.

Phạm Trung Kiên đồng ý và thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân. Sau đó, Quang trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương (Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần thương mại hàng không VietJet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) rằng Quang có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ với mức phí 2.000-3.000 USD/công dân.

Cương và Dũng sau đó trao đổi với Bùi Đăng Khoa (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Du ngoạn Thế Giới), Trương Thị Mỹ Dung (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên), Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR), Trần Minh Phụng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch và xây dựng Gia Huy) để tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cầu xin về nước và thỏa thuận chi phí chênh lên 100-500 USD/công dân so với chi phí Quang đưa ra.

Thỏa thuận ngầm của cựu Phó phòng Cục Hàng không vụ chuyến bay giải cứu - 1

Vũ Hồng Quang, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Ảnh: Bộ Công an).

Khoa, Dung, Thắng, Phụng đã tập hợp hồ sơ từ công dân và một lần nữa thỏa thuận chi phí chênh lên 100-500 USD/công dân so với mức chi phí Cương, Dũng yêu cầu.

Tháng 1/2021, Đặng Nhật Đức (Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan) liên hệ và được Trần Thanh Nhã (lao động tự do) đồng ý trao đổi nhờ Kiên giúp, để có văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên chuyến bay đơn lẻ, với chi phí 10-15 triệu đồng/công dân.

Trần Thanh Nhã đã trao đổi với Đức rằng Nhã có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước với mức phí 10-35 triệu đồng/công dân.

Sau đó, Đức trực tiếp nhận hồ sơ của công dân hoặc thông qua Phạm Quốc Thắng, Trần Thị Ngân (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel); thỏa thuận chi phí 25-160 triệu đồng/công dân.

Thắng và Ngân tập hợp hồ sơ từ công dân và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 đến 500 USD/công dân, so với chi phí Đức yêu cầu để hưởng lợi.

Sau khi thỏa thuận như trên và nhận được thông tin công dân có nhu cầu về nước từ Quang, Nhã, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Kiên chuyển thông tin, hồ sơ đến Cục Y tế dự phòng để tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế duyệt, ký văn bản theo quy trình của Bộ Y tế.

Từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021, Kiên tự thực hiện hoặc chuyển mẫu tờ trình và dự thảo văn bản cấp phép cho Quang để Quang hoàn thiện, rồi chuyển lại cho Kiên.

Kiên in tờ trình, kèm dự thảo văn bản cấp phép trình lãnh đạo Bộ Y tế duyệt, ký văn bản cấp phép. Khi có văn bản chấp thuận, Kiên chụp ảnh gửi cho Quang, Nhã để hai người chuyển tiếp cho Cương, Dũng, Đức, Khoa, Dung, Thắng, Ngân và Phụng để các bị can này chuyển cho công dân.

Cáo trạng thể hiện, Quang đã đưa hối lộ cho Kiên tổng hơn 7,4 tỷ đồng và hưởng lợi gần 20 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Quang đã nộp lại 14,5 tỷ đồng.