“Thiếu gia” nhà Trần Bắc Hà bị truy nã quốc tế khi nào?
(Dân trí) - Ngày 26/3/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can Trần Duy Tùng nhưng Tùng không có mặt tại địa phương nên ngày 9/5/2019, cơ quan điều tra quyết định truy nã quốc tế đối với Tùng.
Theo hồ sơ vụ án, từ ngày 16/10/2015 - 4/12/2017, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho công ty Bình Hà vay số tiền 1.377 tỷ đồng để nhập 44035 con bò từ Úc.
Theo số liệu ngày 5/10/2019, công ty Bình Hà đã xuất bán 41.819 con bò, số bò chết tiêu hủy là 1.340 con bò và tồn lại 1.096 con bò. Công ty Bình Hà bán bò chủ yếu thông qua 2 công ty môi giới là công ty Hantechco, công ty Vĩnh Phát và các lò mổ.
Thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Duy Tùng, 3 cổ đông là Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đã lợi dụng sự tin tưởng của BIDV, thông qua hoạt động bán bò, thu tiền không nộp vào tài khoản của công ty Bình Hà để BIDV kiểm kiểm soát và thu hồi theo quy định mà chiếm đoạt số tiền 149,5 tỷ đồng. Sau khi chiếm đoạt số tiền trên, Tùng chỉ đạo Dũng, Anh, Vinh sử dụng số tiền đã chiếm đoạt để góp vốn vào công ty Bình Hà và sử dụng cá nhân.
Để hợp thức hóa và che dấu hành vi của mình cũng như đối phó với BIDV thì Tùng sử dụng công ty tập đoàn An Phú ký hợp đồng môi giới bán bò với công ty Bình Hà để ghi nợ số tiền trên.
Căn cứ vào kết quả điều tra xác định Trần Duy Tùng không tham gia vào công ty Bình Hà nhưng là người trực tiếp nhờ người đứng danh nghĩa chủ tịch HĐQT, nhờ Thái Thành Vinh đứng tên sở hữu cổ phần. Bị can Tùng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc chiếm đoạt tiền bán bò của BIDV.
Hành vi của Tùng đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngày 26/3/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can Trần Duy Tùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt nhưng Tùng không có mặt tại địa phương nên ngày 9/5/2019, cơ quan điều tra quyết định truy nã quốc tế đối với Tùng.
Trần Duy Tùng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về số tiền 149,5 tỷ đồng chiếm đoạt từ tiến bán bò để sử dụng góp vốn vào công ty Bình Hà và một số cá nhân sử dụng theo chỉ đạo của Tùng.
Bị can Trần Anh Quang (tổng giám đốc công ty Bình Hà) khai nhận, ngoài việc đứng tên cổ đông công ty Bình Hà giúp Trần Duy Tùng, Quang còn mở tài khoản cá nhân tại BIDV và Sacombank để nhận và sử dụng tiền bán bò theo chỉ đạo của Tùng.
Quang nhận số tiền 123 tỷ đồng sử dụng 108 tỷ đồng để góp vốn vào công ty Bình Hà với danh nghĩa cá nhân và sử dụng cá nhân 15 tỷ đồng. Sau khi kế toán phát hiện bị hụt nên Quang theo chỉ đạo của Tùng đã đưa công ty cổ phần tập đoàn An Phú do Tùng làm chủ vào nhận nợ để hợp thức hóa số sách.
Theo cơ quan điều tra, quá trình điều tra, tuy lúc đầu bị can khai báo chưa thành khẩn do làm theo chỉ đạo của Trần Duy Tùng nhưng sau đó nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân nên đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Bản thân bị can là người làm công, ăn lương, đứng tên cổ đông và đại diện pháp luật giúp Trần Duy Tùng, chiếm đoạt và sử dụng tiền bán bò theo chỉ đạo của Tùng.
Bị can Đinh Văn Dũng thừa nhận việc nhận tiền và chuyển vào tài khoản công ty Bình Hà để góp vốn với danh nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, Dũng khai không chiếm đoạt tiền bán bò, đồng thời khẳng định việc mua bán bò do bị can Quang đảm nhiệm nên Dũng không biết.
Bị can Nguyễn Thành Vinh đã bỏ trốn và có quyết định truy nã quốc tế nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra xác định Vinh đã chiếm đoạt số tiền 15,2 tỷ đồng. Sau đó, Vinh góp vốn vào công ty Bình Hà số tiền 7,5 tỷ đồng, số còn lại sử dụng vào mục đích cá nhân.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên 678.622 cổ phần công ty cổ phần du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn và 15,5 triệu cổ phần công ty cổ phần tập đoàn An Phú đứng tên Trần Duy Tùng. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng kịp thời ngăn chặn nhiều giao dịch bất động sản đứng tên bị can Tùng tại tỉnh Bình Định.
Xuân Duy