1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đề nghị truy tố hàng loạt cán bộ ngân hàng BIDV gây thiệt hại 1.500 tỷ đồng

(Dân trí) - Lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, ông Hà và cấp dưới bị cáo buộc đã có hàng loạt sai phạm gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng.

Ngày 24/3, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Đề nghị truy tố hàng loạt cán bộ ngân hàng BIDV gây thiệt hại 1.500 tỷ đồng - 1

Ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Đồng thời, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 12 bị can. Trong đó, 8 người là lãnh đạo cấp cao, nhân viên của BIDV bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan tới hoạt động ngân hàng. Các bị can còn lại trong vụ án bị đề nghị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể là Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách quản lý rủi ro), Đoàn Ánh Sáng (cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách khách hàng doanh nghiệp), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh).

Theo kết luận, các bị can này có nhiều sai phạm trong việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty, có vai trò đồng phạm với ông Trần Bắc Hà. Tuy nhiên, họ chỉ là người làm công ăn lương, chịu sự chi phối và áp lực từ cá nhân ông Hà chứ không có quyền quyết định.

Ông Hà là người phải chịu trách nhiệm chính. Hành vi của ông Hà vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Tháng 7/2019, ông Hà chết do bệnh lý trong khi đang bị tạm giam tại trại tạm giam T771. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hà.

Cơ quan điều tra cho biết trong thời gian từ năm 2008 đến tháng 9/2016, ông Hà chức vụ chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện 40% vốn nhà nước tại BIDV. Năm 2012, BIDV chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần

Lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, ông Hà đã có hàng loạt sai phạm như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của BIDV, lấy danh nghĩa BIDV trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho công ty "sân sau" do ông Hà sáng lập.

Cụ thể, ông Hà chỉ đạo thành lập 2 công ty gồm công ty cổ phần Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng - con trai ông Hà - làm chủ) và công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà. Sau đó ông Hà đã chỉ đạo phê duyệt cấp tín dụng với các ưu đãi trái quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV.

Trong khi đó, hai công ty này không đủ năng lực tài chính vốn tự có để thực hiện dự án; cũng không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Việc cho vay tiền đã gây thiệt hại cho BIDV hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, công ty Bình Hà gây thiệt hại hơn 683 tỷ đồng và khoản vay đối với công ty Trung Dũng hơn 864 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, trách nhiệm cao nhất và xuyên suốt dẫn đến sai phạm của BIDV hội sở và chi nhánh Hà Tĩnh thuộc về cá nhân ông Hà.

Theo cơ quan điều tra, hầu hết các bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phối hợp với cơ quan điều tra, mong được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Bị can Trần Lục Lang gia đình có công với cách mạng, quá trình công tác có nhiều đóng góp. Quá trình điều tra đã khai báo ra nhiều tài sản của Trần Bắc Hà để cơ quan điều tra xác minh, phong tỏa với mong muốn giảm thiệt hại của vụ án.

Nhóm các bị can nguyên là cán bộ của BIDV chỉ là người làm công ăn lương, chịu áp lực từ phía ông Trần Bắc Hà, nhiều bị can gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Riêng bị can Đinh Văn Dũng (sinh năm 1965, nguyên tổng giám đốc công ty Hà Bình) quanh co, chối tội chưa thành khẩn khai báo.

Hiện cơ quan điều tra đang ra quyết định truy nã, tách vụ án và tạm đình chỉ điều tra bị can con trai ông Hà là Trần Duy Tùng do bỏ trốn. Khi bắt được sẽ phục hồi điều tra vụ án để xử lý sau.

Hồng Lĩnh