Tham ô hàng trăm triệu, cán bộ y tế lãnh án nhẹ
(Dân trí) - Lợi dụng kẽ hở trong quản lý, ban giám đốc không kiểm tra thực tế, bị cáo Dung đã báo cáo số tiền vào ít hơn thu thực tế, qua đó đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng...
Ngày 14/3, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử, bác kháng nghị, tuyên y án sơ thẩm 2 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Đặng Trần Thùy Dung (sinh năm 1987, tại Đồng Nai) về tội tham ô tài sản.
Theo bản án sơ thẩm, Đặng Trần Thùy Dung, là cán bộ Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, nhiệm vụ được phân công là thu phí, lệ phí, quản lý biên lai và báo cáo quyết toán thuế, báo cáo quản lý biên lai thu tiền.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lợi dụng sự thiếu kiểm tra của ban giám đốc trung tâm trong việc đối chiếu số lượng vật tư nhập, xuất, tồn kho giữa khoa dược và các khoa chuyên môn với bộ phận kế toán nên Dung dùng thủ đoạn báo cáo số tiền đã thu ít hơn số tiền thu thực tế, thu tiền nhưng không báo cáo nộp quỹ và ra biên lai thu tiền.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1/2014 đến tháng 6/2015, Dung đã chiếm đoạt số tiền 326 triệu đồng.
Với hành vi của mình, Dung bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội tham ô tài sản. Sau bản án sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM có quyết định kháng nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Dung thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và xin HĐXX bác kháng nghị tuyên y án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, cấp sơ thẩm sai phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền của bị cáo. Bị cáo Dung chiếm đoạt số tiền trên 300 triệu đồng nhưng cấp só thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 2 năm 6 tháng tù, dưới mức thấp nhất của khung hình quy định tại tại khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 và không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Từ tháng 1/2014, ông Nguyễn Đức Vinh (kế toán trưởng) đã báo cáo về việc nghi ngờ thất thoát tài sản và đề nghị kiểm tra nhưng bà Tôn Nữ Thu Thủy (giám đốc trung tâm y tế huyện Xuân Lộc) Viện kiểm sát cho rằng không chỉ đạo kiểm tra thể hiện sự buông lỏng quản lý, tắc trách, không thực hiện kiểm tra, tạo điều kiện cho Dung phạm tội. Hành vi của bà Thủy có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 2 năm 6 tháng tù là nhẹ chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội của bị cáo, tuy nhiên sau bản án sơ thẩm phía nguyên đơn dân sự không kháng cáo tăng hình phạt, kháng nghị của Viện kiểm sát là đề nghị hủy án, nên HĐXX không làm xấu đi tình trạng mức án của bị cáo.
Hành vi của bà Thủy có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm nhưng tòa sơ thẩm đã phát hiện nhưng Viện không truy tố hành vi của bà Thủy. Từ đó, HĐXX quyết định bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM tuyên y án sơ thẩm.
Đồng thời HĐXX có kiến nghị Chánh án TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm làm rõ hành vi của bà Thủy cũng như hình phạt của bị cáo Dung nhằm giải quyết triệt để các vấn đề của vụ án.
Xuân Duy