Tập đoàn cho vay với lãi "cắt cổ" thu lợi hơn 4.150 tỷ đồng
(Dân trí) - Theo cáo buộc, Aigars Plivës cùng đồng phạm cho vay với lãi suất từ 401,5%/ năm đến 1.379,7%/ năm. Với thủ đoạn trên, người đàn ông ngoại quốc cùng "chân rết" thu lợi hơn 4.150 tỷ đồng.
VKSND TPHCM vừa hoàn tất cáo trạng, truy tố bị can Aigars Plivës (39 tuổi, quốc tịch Latvia), Nguyễn Thị Tuyết Sương (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Digital Credit), Trương Tuấn Tài (Giám đốc Công ty TNHH Fincap VN) và 10 đồng phạm về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo cáo trạng, đầu năm 2023, Công an quận 10 nhận được đơn của ông L.T.H. trình báo việc ông này có vay của Công ty Digital Credit 1 triệu đồng nhưng không có tiền trả. Ông được yêu cầu trả nợ với số tiền gốc và lãi (tính từ 10/6/2022 đến 10/4/2023) 21 triệu đồng.
Qua điều tra, nhà chức trách phát hiện đường dây cho vay nặng lãi hoạt động có tổ chức thông qua 2 trang web tamo... và findo... do Công ty TNHH Sofi Solutions vận hành.
Hai công ty Digital Credit và Fincap VN thực hiện giải ngân cho vay núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính.
Hồ sơ vụ án thể hiện năm 2018, Aigars Plivës (nhân viên của Tập đoàn Sun Finance trụ sở tại Latvia) đến Việt Nam để thành lập, vận hành cho vay thông qua 3 công ty trên.
Từ năm 2019 đến năm 2021, Aigars Plivës cho vay tiền qua web tamo...
Đến năm 2021, Aigars Plivës được tập đoàn chỉ đạo điều hành thêm việc cho vay qua findo...
Toàn bộ các dữ liệu về hợp đồng điện tử, thông tin khách hàng, khoản vay, việc trả nợ, dữ liệu kế toán... đều được lưu trữ trên hệ thống do tập đoàn quản lý.
Các nhân sự tại Việt Nam thuộc 3 công ty chỉ được quyền truy cập, xem và cập nhật thông tin dữ liệu khách hàng trên trang web mà không thể sao chép dữ liệu do được cài phần mềm bảo vệ.
Để vay tiền, khách hàng chỉ cần đăng nhập trang web rồi điền thông tin cá nhân, thu nhập, chi tiêu hàng tháng, hình ảnh căn cước.
Hệ thống sẽ tự động giải quyết cho vay mà không cần tiếp xúc trực tiếp với bất cứ nhân viên nào của bên cho vay. Sau khi khoản vay được duyệt, tiền sẽ được hệ thống tự động chuyển vào tài khoản khách hàng.
Lúc này hệ thống tự động thành lập 3 hợp đồng điện tử gồm hợp đồng cho vay cầm đồ và hợp đồng cầm cố tài sản với Công ty Digital Credit (với người vay qua trang web tamo...) và Công ty Fincap (với người vay qua trang web findo...), hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty Sofi Solutions.
Tuy nhiên thực tế không có việc cầm đồ, cầm cố tài sản. Người vay chỉ cần điền thông tin số tiền cần vay, thời hạn, hệ thống sẽ tự động tính số tiền lãi, các khoản phí cần trả.
Đến hạn, người vay không thanh toán tiền thì có thể vào web gia hạn nợ thêm 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày... đến tối đa 30 ngày và phải trả phí gia hạn.
Ban đầu, các công ty trên không giải ngân trực tiếp mà ký hợp đồng với Công ty Bảo Kim và Momo để giải ngân chi hộ bằng hình thức chuyển khoản từ tài khoản Công ty Bảo Kim vào tài khoản hoặc ví Momo của người vay.
Cơ quan điều tra khi đang trích xuất danh sách người vay trên 2 trang web hệ thống bị đóng nên chỉ trích xuất được thông tin của 229 người vay và lấy lời khai được 28 người.
Nhà chức trách xác định 3 công ty trên đã thu lợi tiền lãi và phí tổng cộng hơn 4.200 tỷ đồng, trong đó số tiền lãi được hưởng theo quy định chỉ 50,6 tỷ đồng, còn lại số tiền thu lợi bất chính hơn 4.150 tỷ đồng (lãi suất thấp nhất 401,5%/năm; cao nhất 1.379,7%/năm).
Theo hồ sơ vụ án, Aigars Plivës bắt đầu điều hành cho vay từ tháng 6/2020 đến tháng 4/2023 với mức lương 120 triệu đồng/tháng, do đó số tiền thu lợi bất chính 4,2 tỷ đồng.
Số tiền thu lợi bất chính của các bị can còn lại trung bình 220 triệu đồng đến 4 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tín dụng.
Trong vụ án này các bị can được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo và không bị áp dụng tình tiết tăng nặng.