1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Siêu lừa "vượt mặt" Trầm Bê đã gặp đối thủ... cao tay hơn

(Dân trí) - Nếu Dương Thanh Cường là siêu lừa đến cả Trầm Bê cũng không tha thì Lê Thành Công còn cao tay hơn khi lừa cả Thanh Cường...

Siêu lừa bị lừa

Ngày 27/10, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng 966 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh 6, TPHCM (Agribank chi nhánh 6). HĐXX cùng đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa và các luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo.

Bị cáo Lê Thành Công, nguyên giám đốc Công ty Dệt Kim Đông Phương (gọi tắt công ty Đông Phương) cho biết, khi được Dương Thanh Cường (tổng giám đốc Công ty Bình Phát) hỏi vay 10 tỉ đồng thì dù không có tiền nhưng Công vẫn nảy ra phương thức “bứt râu ông nọ, cắm cằm bà kia”.

Cụ thể, Công ký hợp đồng số 11/TCM – DP với Đinh Công Hùng (Giám đốc Công ty cổ phần dệt Thành Công, gọi tắt là Công ty Thành Công) với nội dung Công ty Kim Đông Phương vay của Công ty Thành Công 10 tỉ đồng với lãi suất 1%/15 ngày.

Dương Thanh Cường (trái) và Lê Thành Công (phải) được ví như kẻ cắp gặp bà già
Dương Thanh Cường (trái) và Lê Thành Công (phải) được ví như "kẻ cắp gặp bà già"

Sau khi nhận được tiền, ngày 26/12/2007, Công chỉ đạo Phòng kế toán lập ủy nhiệm chi 9,5 tỉ đồng cho Dương Thanh Cường. Nhưng theo khoản 1, điều 17 luật doanh nghiệp về quản lý sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước và Nghị định số 199/2004/NĐ – CP thì hoạt động cho vay của Công đối với Cường là trái quy định.

Trong “thương vụ” làm ăn này, “siêu lừa” Dương Thanh Cường lại bị một kẻ cao tay hơn là Lê Thành Công “ăn chặn”. Theo đó, dù cho Cường vay không đủ và số tiền lãi của 10 tỉ đồng chỉ hơn 82 triệu đồng nhưng Lê Thành Công đã bắt Cường phải trả 500 triệu đồng tiền lãi cho 10 tỉ đồng.

Sau khi nhận được 500 triệu đồng, Công chỉ trả cho Công ty dệt Thành Công số tiền hơn 82 triệu đồng và tự đút túi mình hơn 400 triệu đồng.

Tài sản vô định và cuộc đấu giành lại tài sản

Theo bản cáo trạng, ngày 28/9/2007, phía Dương Thanh Cường đã mang tài sản số 10 Âu Cơ (bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AĐ542999, diện tích 17.136 m2, thửa số 7, tờ bản đồ số 49 tại số 10 Âu cơ, quận Tân Phú, TPHCM) thế chấp tại Agribank chi nhánh 6 để lấy tiền.

Sau đó, với thủ đoạn tinh vi, Cường mượn lại được sổ đỏ của bất động sản tại số 10 Âu Cơ cùng nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác rồi đem sang Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) thế chấp để tiếp tục vay tiền.

Với việc vay tiền chồng chéo này, Cường đã đẩy hai ngân hàng là Agribank và Phương Nam vào thế phải giành - giữ lấy tài sản để có thể bù lại khoản lỗ và khoản nợ mà Cường đang bỏ lại.


Nếu Dương Thanh Cường là siêu lừa đến cả Trầm Bê cũng không tha thì Lê Thành Công còn cao tay hơn khi lừa cả Thanh Cường

Nếu Dương Thanh Cường là siêu lừa đến cả Trầm Bê cũng không tha thì Lê Thành Công còn cao tay hơn khi lừa cả Thanh Cường

Tại phiên tòa, đại diện của Agribank nhiều lần đề nghị HĐXX trả lại cho ngân hàng này 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xin nhận lại 38 ha đất tại tỉnh Long An.

Cũng theo vị đại diện của Agribank, các tài sản mà Cường thế chấp tại Agribank chi nhánh 6 đều đã được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của ngân hàng. Đồng thời, Cường thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Agribank chi nhánh 6 đầu tiên trước khi chuyển sang Phương Nam. Vì vây, việc trả lại sổ đỏ cho ngân hàng Agribank là điều hợp lý.

“Việc thế chấp của Cường đã được Cổng thông tin của ngân hàng cho đăng tải. Vì vậy, khi các ngân hàng khác chấp nhận cho vay chồng lên tài sản đã được thế chấp là chuyện của nơi đó, chúng tôi không liên quan, không chịu trách nhiệm về chuyện này”, vị đại diện Agribank khẳng định.

Trái ngược lại ý kiến của Agribank, đại diện Ngân hàng Phương Nam cho biết, ngày 23/3/2010, Dương Thanh Cường đã ký gán sổ đỏ cho Ngân hàng Phương Nam. Vì vậy, các giấy tờ đất đai liên quan đã được hoàn tất. “Chúng tôi không đòi tài sản, vì nó đã là của chúng tôi”, vị đại diện Ngân hàng Phương Nam quả quyết.

Quế Sơn