1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Sai phạm trong 3 lần “rót” 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank

(Dân trí) - Dù Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép nhưng bị cáo Thăng vẫn ký Nghị quyết về việc tham gia góp vốn mua cổ phần Oceanbank. Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Bộ Tài chính sau đó cũng bị các bị cáo “làm ngơ”.

Không báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính

Theo cáo trạng được công bố, trên cơ sở Thỏa thuận số 6934/TTHT ngày 18/9/2008 giữa PVN và Oceanbank, ngày 30/9/2008, bị cáo Đinh La Thăng có tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn mua cổ phần Oceanbank. Mặc dù Thủ tướng chưa cho phép nhưng ngày 1/10/2008, bị cáo Thăng đã ký Nghị quyết số 7289 về việc tham gia góp vốn mua cổ phần Oceanbank.

Các bị cáo tại phiên xử sáng 19/3.
Các bị cáo tại phiên xử sáng 19/3.

Đến ngày 17/10/2008, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đồng ý về chủ trương, còn trình tự thủ tục do các Bộ, Ngành chuyên môn hướng dẫn PVN thực hiện.

Ngày 30/9/2008, bị cáo Thăng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xin ý kiến về việc góp vốn vào Oceanbank. Bộ Tài chính sau đó có ý kiến, đề nghị PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của Oceanbank, xác định giá trị thực cổ phiếu của Oceanbank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư.

Ngày 16/10/2008, PVN có văn bản gửi Oceanbank để yêu cầu cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh nhưng Oceanbank không trả lời và bị cáo Thăng cũng không báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Đến ngày 25/12/2008, Ninh Văn Quỳnh, Trưởng ban Tài chính kế toán, đã chỉ đạo Ban Tài chính kế toán tham mưu trình ông Nguyễn Ngọc Sự - Phó Tổng Giám đốc PVN - ký văn bản gửi Oceanbank về việc chấp thuận nộp 400 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ của Oceanbank. Cùng ngày 25/12/2008, Oceanbank thực hiện cắt chuyển số tiền 400 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi của PVN sang tài khoản phong tỏa của Oceanbank để hoàn tất việc PVN mua 20% cổ phần tại Oceanbank.

Phớt lờ chỉ đạo của Phó Thủ tướng

Để tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn điều lệ vào Oceanbank, ngày 20/5/2010, ông Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản gửi HĐQT đề nghị HĐQT chấp thuận việc Oceanbank xin tăng vốn điều lệ năm 2010 lên 5.000 tỷ đồng. Ngày 21/5/2010, bị cáo Thăng có bút phê “Đồng ý tăng vốn nhưng cần có phương án cụ thể”.

Bị cáo Đinh La Thăng tại phòng chờ xử án. (Ảnh: CTV)
Bị cáo Đinh La Thăng tại phòng chờ xử án. (Ảnh: CTV)

Ngày 24/5/2010, ông Sự có văn bản gửi HĐQT và ngày 27/5/2010, Bùi Thị Nguyệt (thành viên Ban Kiểm soát) có văn bản báo cáo bị cáo Thăng bổ sung thêm thông tin về phương án tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng của Oceanbank. Ngày 29/5/2010, bị cáo Thăng có ý kiến “Đồng ý tăng vốn”.

Sau khi có ý kiến đồng ý của bị cáo Thăng và các Thành viên HĐQT, ngày 31/5/2010, Vũ Khánh Trường - thành viên HĐQT PVN (được sự ủy quyền của Đinh La Thăng) - ký Nghị quyết số 4658/NQ-DKVN kèm theo Phụ lục về việc chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ năm 2010 lên 5.000 đồng của Oceanbank thành 2 đợt và PVN sẽ góp vốn bổ sung để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank.

Như vậy, theo cơ quan tố tụng, khi Vũ Khánh Trường ký Nghị quyết 4658 ngày 31/5/2010, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò Chủ tịch HĐQT PVN chưa xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Sau khi ban hành Nghị quyết, bị cáo Thăng mới báo cáo Thủ tướng Chính Phủ.

Ngày 7/10/2010, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát tình hình triển khai thực hiện, cân đối vốn, trước hết bảo đảm vốn cho các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh chính, đặc biệt là các dự án trọng điểm dầu khí. Trên cơ sở đó và yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn đầu tư vào ngân hàng, quyết định góp thêm vốn vào Oceabank theo kế hoạch tăng vốn năm 2010. Trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank. Giao Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát Tập đoàn dầu khí Việt Nam thực hiện việc này.”.

Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, bị cáo Thăng không chỉ đạo PVN rà soát lại các dự án, danh mục đầu tư, nguồn vốn để báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc PVN, vẫn chỉ đạo Ban tài chính kế toán thực hiện việc góp vốn.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Trưởng ban Tài chính kế toán, chỉ đạo Lê Đình Mậu (Phó ban Tài chính kế toán) soạn thảo tờ trình để Nguyễn Tiến Dũng ký Quyết định chấp thuận góp thêm 300 tỷ đồng tăng vốn điều lệ đợt I/2010 từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng của Oceanbank. Cùng ngày, PVN chuyển số tiền 300 tỷ đồng của PVN tại Oceanbank vào tài khoản của Oceanbank tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải.

“Làm ngơ” Luật mới

Ngày 9/5/2011, Hà Văn Thắm ký văn bản gửi PVN với nội dung báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ, dự kiến điều chỉnh kế hoạch, trong đó đề nghị PVN tiếp tục hỗ trợ và tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào Oceanbank, với số vốn tăng thêm 100 tỷ đồng trước ngày 15/5/2011.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng - thành viên HĐTV PVN tại phiên xử sáng 19/3.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng - thành viên HĐTV PVN tại phiên xử sáng 19/3.

Tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.”. Như vậy, phần vốn của PVN tại Oceanbank đã vượt quá 5% so với quy định. Lẽ ra, bị cáo Thăng với trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV phải chỉ đạo việc thoái vốn tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 15%, nhưng ngày 10/5/2011, bị cáo Thăng lại ký Quyết định giao cho Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ của Oceanbank.

Ngày 16/5/2011, Nguyễn Xuân Thắng - thành viên HĐTV được Đinh La Thăng ủy quyền điều hành HĐTV từ ngày 16/5 đến 18/5/2011 - ký Nghị quyết chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỷ đồng.

Cùng ngày 16/5/2011, ông Nguyễn Xuân Sơn ký Quyết định chấp thuận góp thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank và ngày 17/5/2011, PVN chuyển số tiền 100 tỷ đồng từ tài khoản của PVN tại Oceanbank vào tài khoản của Oceanbank tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải.

Như vậy, ngày 10/5/2011, bị cáo Thăng ký Quyết định giao Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank và ủy quyền điều hành để Nguyễn Xuân Thắng ký Nghị quyết ngày 16/5/2011 về việc chấp thuận điều chỉnh vốn điều lệ của Oceanbank và PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng, nâng tổng số vốn góp lên 800 tỷ đồng để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank là trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng khai, sau khi bị cáo Thăng đi công tác về, Thắng đã báo cáo bị cáo Thăng về việc ký Nghị quyết để PVN góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng vào Oceanbank nhưng bị cáo Thăng không có chỉ đạo gì mà đồng ý để thực hiện.

Cáo trạng xác định, 3 lần góp vốn của PVN với tổng số tiền 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank nhưng toàn bộ số tiền trên đến nay bị thiệt hại. Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần bắt buộc tại Oceanbank với giá 0 đồng sẽ dẫn đến PVN phải ghi nhận một khoản lỗ khá lớn tương đương 800 tỷ đồng. Trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại nêu trên thuộc về bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm, trong đó bị cáo Thăng với tư cách người đứng đầu PVN có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý và bảo toàn vốn của PVN.

Tiến Nguyên