Phụ lái tàu trong vụ tai nạn Cầu Ghềnh yêu cầu bồi thường 1,7 tỷ đồng
(Dân trí) - Phụ lái tàu trong vụ tàu hỏa gây tai nạn trên Cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị khởi tố và bắt giam oan hơn 10 tháng. Sau khi được minh oan, người này kiện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Biên Hòa ra tòa và yêu cầu đơn vị này bồi thường thiệt hại cho ông 1,7 tỷ đồng.
Ngày 25/5, TAND quận 9 đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Xuân Phú (sinh năm 1964, phú lái tàu SE2 trong vụ tàu hỏa tông ôtô trên cầu Ghềnh khiến 2 người chết, 22 người bị thương xảy ra vào năm 2011) với bị đơn là Viện KSND TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
Theo hồ sơ vụ án, vụ việc xảy ra vào ngày 6/2/2011, ông Nguyễn Văn Túy (sinh năm 1967, ngụ tại Bình Dương) được phân công lái tàu SE2 đi từ ga Sài Gòn đến ga Mương Mán (Bình Thuận) cùng với phụ lái là ông Nguyễn Xuân Phú. Khi tàu đi đến gần cầu Ghềnh (TPBiên Hòa) khoảng 1km, thấy tín hiệu đèn xanh (cho phép được đi tiếp) nên ông Túy tiếp tục cho tàu chạy.
Còn cách cầu Ghềnh khoảng 100m thì ông Túy phát hiện có ánh đèn ô tô trên cầu chiếu ngược lại và phán đoán là có tai nạn trên cầu nên ông Túy đã kéo thắng ở cấp độ khẩn cấp nhưng tai nạn vẫn xảy ra làm 2 người chết và 22 người bị thương. Sau đó, ông Túy bị bắt giam và truy tố về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt.
Đến năm 2015, Viện KSND TP Biên Hòa đình chỉ vụ án đối với ông Phú do chuyển biến tình hình, hành vi của ông Phú không còn nguy hiểm cho xã hội theo khoản 1 điều 25 bộ luật Hình sự; riêng ông Túy được đình chỉ vì không có hành vi phạm tội. Không đồng tình, ông Phú khiếu nại quyết định đình chỉ trên lên Viện KSND tỉnh Đồng Nai.
Tháng 3/2016, Viện KSND tỉnh Đồng Nai chấp nhận đơn khiếu nại của ông Phú, nhận định chưa đủ cơ sở buộc tội ông Phú. Do vậy, Viện KSND TP Biên Hòa đình chỉ ông Phú theo điều 25 là chưa phù hợp. Từ yêu cầu này của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, ngày 5/4/2016, Viện KSND TP Biên Hòa ban hành quyết định mới, đình chỉ vụ án đối với ông Phú vì lý do ông Phú không có hành vi phạm tội.
Khi nhận được quyết định mới, ông Phú làm thủ tục yêu cầu Viện KSND TP Biên Hòa xin lỗi công khai ông tại địa phương và bồi thường oan sai nhưng do đôi bên không thỏa thuận được mức bồi thường nên ông Phú nộp đơn khởi kiện Viện KSND TP Biên Hòa ra TAND quận 9.
Tại phiên tòa hôm nay, ông Phú cho rằng ông bị bắt giam oan sai trên 10 tháng và bị truy tố đến ngày 5/4/2016 mới được đình chỉ bị can nên VKS ND TP Biên Hòa phải bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần, thu nhập bị mất, giảm; tổn thất của gia đình cha mẹ, vợ con; tổn thất do bị giam, khởi tố, truy tố và thiệt hại vật chất do suy giảm sức khỏe theo thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Bồi thường nhà nước.
Ông Phú yêu cầu tính mức thiệt hại là 1,785 tỷ đồng, bao gồm tổn thất tinh thần 149 triệu đồng, số tiền bị mất và giảm thu nhật từ năm 2011 đến năm 2016 là 503 triệu đồng, tổn thất gia đình là 800 triệu đồng, tiền thăm nuôi là 117 triệu đồng...
Đại diện Viện KSND TP Biên Hòa chỉ đồng ý bồi thường cho Phú 313 triệu đồng bao gồm các khoản: 149 triệu tổn thất tinh thần, 149 triệu tổn thất thu nhập trong năm 2011, tiền thuê luật sư là 10 triệu đồng, tiền thăm nuôi là 5 triệu đồng. Những khoản còn lại, đại diện Viện KSND TP Biên Hòa cho rằng không có căn cứ để bồi thường cho ông Phú.
Đại diện Viện KSND quận 9 đề nghị HĐXX đồng ý với mức bồi thường 313 triệu đồng mà Viện KSND TP Biên Hòa đưa ra.
Để nguyên đơn có thời gian cung cấp thêm những chứng cứ của vụ án, HĐXX quyết định sẽ tuyên án vào lúc 8h ngày 31/5.
Xuân Duy