1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TP.HCM:

Ông lão 80 tuổi kiện Sở GTVT vì “lô cốt”

(Dân trí) – Cho rằng đơn vị thi công đã dựng lô cốt, gây nứt vách, sụt lún nhà, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của gia đình, ông lão 80 tuổi đã khởi kiện Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại.

Ngày 26/12, TAND TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Nguyễn Trí Dũng (chủ sở hữu căn nhà số 12/7 Nguyễn Huy Tự, hiện là nhà mặt tiền đường Hoàng Sa, P.Đa Kao, Q.1) và bị đơn là Sở GTVT TPHCM. Vợ chồng ông Dũng đã ủy quyền cho cha của họ là ông Nguyễn Văn Lang (80 tuổi) làm đại diện nguyên đơn tham gia vụ kiện.

Đây là lần đầu tiên một người dân kiện đòi cơ quan nhà nước bồi thường do ảnh hưởng của việc đào đường, giăng lô cốt án ngữ trước mặt tiền nhà dân gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, vụ án được sự quan tâm của dư luận.

Theo hồ sơ vụ kiện, gia đình ông Nguyễn Văn Lang sở hữu căn nhà 12/7 Nguyễn Huy Tự. Sau khi giải tỏa, căn nhà trên trở thành căn nhà có mặt tiền trên đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM. Từ năm 2001, các con của ông Lang mở quán ăn và kinh doanh khá hiệu quả. Thế nhưng, từ năm 2005-2009, dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được tiến hành thi công qua đoạn đường Hoàng Sa.
 
Dự án này do Sở GTVT TPHCM làm chủ đầu tư và hai công ty của Trung Quốc là Công ty TMEC và Công ty CHEC là nhà thầu thi công dự án. Trong quá trình thì công, Sở GTVT TPHCM đã che chắn, dựng nhiều “lô cốt” trên đường, án ngữ trước mặt tiền nhà ông Lang suốt một thời gian dài.
 
Chính những lô cốt này đã làm cho hoạt động kinh doanh về ăn uống của gia đình ông Lang luôn trong tình trạng ế ẩm trong tổng thời gian 42 tháng. Không những thế, việc xây dựng tuyến cống bao giếng S27 còn khiến căn nhà của ông Lang bị lún, nứt vách nhiều nơi.
 
Ông Lang tại tòa TPHCM (Ảnh: Ph. Dũng)
Ông Lang tại tòa TPHCM (Ảnh: Ph. Dũng)

Cho rằng nhà thầu thi công cẩu thả, ông Lang đã đề nghị Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM bồi thường thiệt hại. Ban đầu, hai nhà thầu đều không chịu bồi thường. Sau nhiều lần hòa giải, thương thảo, họ chỉ đồng ý bồi thường 8 triệu đồng trong khi kết quả kiểm định thì phí sửa chữa cho căn nhà là 32 triệu đồng. Nhà thầu cò kè, rồi chấp nhận bồi thường 50% so với giá mà công ty kiểm định độc lập đưa ra. Bức xúc với kiểu “dở dở, ương ương” này, ông Lang đã khởi kiện Sở GTVT TPHCM ra tòa để đòi bồi thường.

Tại tòa, ông Lang yêu cầu Sở GTVT TPHCM bồi thường tổng cộng 474 triệu đồng. Trong đó bao gồm tiền mất thu nhập do quán ăn của gia đình tại mặt tiền đường Hoàng Sa, Q.1 bị đóng cửa suốt 42 tháng vì lô cốt là 252 triệu đồng (trước đó, trung bình thu nhập của quán mỗi tháng là 6 triệu đồng) cộng thêm tiền lãi suất từ năm 2009 đến nay, thành tiền là 354 triệu đồng. Phí sửa chữa căn nhà do sụt, lún nứt vách là 60 triệu đồng, cộng với tiền trượt giá nên thành 120 triệu đồng.

Tuy nhiên, cho rằng yêu cầu đòi bồi thường vì thiệt hại do lô cốt án ngữ trước quán ăn của ông Lang là không có cơ sở nên tòa bác yêu cầu này. HĐXX chỉ chấp nhận một phần khởi kiện của ông Lang khi buộc Sở GTVT TPHCM phải bồi thường cho gia đình ông khoản tiền thiệt hại do việc công trình gây lún, nứt căn nhà là 32 triệu đồng. Tại tòa, do đại diện Sở GTVT tự nguyện bồi thường thêm cho ông Lang 18 triệu đồng nữa nên HĐXX đã ghi nhận sự thỏa thuận này. Do vậy, tòa chấp nhận số tiền tổng cộng mà Sở GTVT phải bồi thường cho ông Lang là 50 triệu đồng.

Ngay khi tòa tuyên án, ông Lang không đồng tình và cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo vụ án đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại để xem xét những tổn thất khác mà gia đình ông phải gánh chịu trong suốt thời gian lô cốt án ngữ trước nhà ông.

Công Quang