Nữ tiếp viên hàng không bị tài xế xe Mercedes tông vẫn chưa được bồi thường
(Dân trí) - Đã hơn 4 tháng sau phiên tòa sơ thẩm nhưng chị Nguyễn Thị Bích Hường vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Đề nghị làm rõ hành vi tẩu tán tài sản
Theo dự kiến ngày 9/4, TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (SN 1988, TPHCM) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Phiên tòa phúc thẩm do Chánh tòa hình sự TAND TPHCM, ông Phạm Lương Toản làm chủ tọa; kiểm sát viên là bà Hoàng Thị Thanh Hà.
HĐXX phúc thẩm cũng triệu tập 8 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tòa, trong đó có công ty TNHH TM du lịch vận tải Khang Gia và công ty Fumita - 2 đơn vị cho Phong thuê xe Mercedes, sau đó Phong gây tai nạn.
Trước đó, ngày 16/12/2020, TAND quận Phú Nhuận (TPHCM) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phong 7 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Phong là người lái ô tô Mercedes gây ra vụ tai nạn vào rạng sáng 30/1/2020 ở đường Hồng Hà (quận Phú Nhuận), khiến người chạy xe dịch vụ GrabBike là ông Lê Mạnh T. (SN 1956, ngụ Quận 12) tử vong; chị Nguyễn Thị Bích Hường (SN 1990, tiếp viên hàng không; ngồi sau xe nạn nhân T) bị thương tật vĩnh viễn 79%.
Sau khi HĐXX sơ thẩm tuyên án, chị Hường kháng cáo theo hướng đề nghị tăng hình phạt đối với Phong.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX sơ thẩm buộc Phong bồi thường 1,4 tỷ đồng cho chị Hường, là chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, thu nhập thực tế bị mất, chi phí trả cho người chăm sóc chị Hường trong thời gian điều trị, tiền bồi thường về tổn thất tinh thần, thiệt hại do chưa hồi phục sức khỏe...
Tuy nhiên, chị Hường kháng cáo đề nghị công ty TNHH TM Du lịch vận tải Khang Gia và công ty Fumita, liên đới cùng Phong bồi thường, do 2 đơn vị này có lỗi trong việc giao xe Mercedes cho bị cáo sử dụng gây tai nạn.
Ngoài ra, về hành vi bị cáo Phong khi đang bị tạm giam, đã chuyển nhượng căn nhà duy nhất của mình cho mẹ, nữ tiếp viên hàng không đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét hành vi "tẩu tán tài sản" này của Phong nhằm "né" trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đồng thời, có biện pháp kê biên tài sản này của Phong, để đảm bảo quá trình thi hành án về phần dân sự trong vụ án hình sự.
Mong xử đúng người, đúng tội
Chị Hường chia sẻ, sau khi tai nạn xảy ra chị đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật. Đến nay, những vết sẹo nơi chân trái vẫn còn hằn đỏ. Việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Hiện chị vẫn chưa thể tự đi mà phải dùng nạng hỗ trợ. Cũng kể từ đó cơ thể chị phải chịu đựng những cơn đau nhức đến mất ngủ.
Dù vậy, chị vẫn chưa thể đi làm bởi sức khỏe chưa đảm bảo. Nếu ngồi lâu, phần lưng sẽ mỏi, những vết thương ở chân vẫn nhức mỗi ngày. Do đó, chị chỉ còn biết trông chờ vào những đồng tiền thu nhập từ việc bán hàng online để chăm sóc con nhỏ cùng mẹ già.
Vậy nhưng, đã gần 4 tháng kể từ phiên tòa sơ thẩm, đến nay chị vẫn không nhận được bất kỳ lời hỏi thăm nào từ phía gia đình Phong hay việc thương lượng bồi thường.
Trong phiên tòa phúc thẩm lần này chị Hường chỉ mong rằng, HĐXX sẽ xử đúng người, đúng tội, vì bản án sơ thẩm 7 năm 6 tháng tù là quá nhẹ cho hành vi của Phong. Bởi theo chị Hường, nỗi đau mất mát không phải của riêng chị, mà còn có cả gia đình người chạy xe dịch vụ Grab.
Trước khi trở thành tiếp viên, cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Bích Hường theo học MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) ở Đài Loan và ở lại làm việc trong một tập đoàn. Sau đó, vì muốn hiện thực hóa ước mơ từ thuở bé, cách đây gần 5 năm, chị Hường về nước trở thành tiếp viên hàng không.
"Tôi được là chính mình với công việc này", chị Hường nói. Nhưng vụ tai nạn đã cướp đi tất cả; giờ đây chị Hương không thể tham gia các chuyến bay; không chỉ bị thương tật, tù túng, bức bí, chị còn không được sống chính là mình.