1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Có chặn được điều vô lý trong vụ Mercedes tông tiếp viên hàng không?

T.Nguyên H.Thuận X.Duy

(Dân trí) - Bị cáo có trách nhiệm đền bù, nhưng trong thời gian tạm giam lại có điều kiện để sang tên tài sản duy nhất của mình. Vậy, cách nào để ngăn chặn việc tài sản của bị cáo "bốc hơi" trước phiên tòa?

Giao dịch chuyển nhượng tài sản hợp pháp

Trong vụ án tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không có điều vô lý là bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong có trách nhiệm bồi thường sau vụ tai nạn, nhưng trong thời gian bị tạm giam, bị cáo này đã có điều kiện để sang tên tài sản duy nhất của mình là căn hộ chung cư. Do đó, sẽ khó cưỡng chế bị cáo thi hành việc bồi thường cho bị hại vì bị cáo không còn tài sản.

Có chặn được điều vô lý trong vụ Mercedes tông tiếp viên hàng không? - 1

Trong thời gian bị tạm giam, Nguyễn Trần Hoàng Phong đã kịp sang tên tài sản duy nhất của mình là căn hộ chung cư cho mẹ bị cáo

Về việc bị cáo được trích xuất ra khỏi nhà tạm giam để gặp mẹ cùng công chứng viên và tiến hành giao dịch chuyển nhượng tài sản, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: "Về mặt thủ tục và hình thức, giao dịch chuyển nhượng này là hoàn toàn hợp pháp".

"Phong hoàn toàn có quyền thực hiện các giao dịch đối với tài sản của mình. Quyền về tài sản trong trường hợp này không bị hạn chế dù chủ sở hữu đang bị tạm giam. Theo Điều 44 Luật Công chứng, trường hợp Phong đang bị tạm giam, nếu có yêu cầu công chứng, việc công chứng có thể diễn ra tại trại giam", luật sư Đan Mạch cho biết thêm.

Cũng theo luật sư Đan Mạch, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, một người được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực. Ngoài ra, nghĩa vụ bồi thường cũng chỉ phát sinh sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Có chặn được điều vô lý trong vụ Mercedes tông tiếp viên hàng không? - 2

Luật sư Võ Đan Mạch: "Về mặt thủ tục và hình thức, giao dịch chuyển nhượng này là hoàn toàn hợp pháp" (ảnh: NVCC)

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM cho biết, cơ quan điều tra được phép cho công chứng viên vào lấy chữ ký của bị cáo để giải quyết những vấn đề dân sự. Hành vi tẩu tán tài sản của bị cáo trong vụ án này mới dừng lại ở 2 chữ "nghi ngờ" vì chưa đủ chứng cứ để khẳng định.

Theo bà Thủy, cơ quan điều tra được phép cho người nhà, công chứng viên vào lấy chữ ký của bị cáo làm các thủ tục giao dịch mua bán tài sản, hoặc giải chấp ngân hàng, ủy quyền cho ngân hàng bán tài sản... nếu tài sản đó không liên quan đến vụ án.

Trong những vụ án thế này, sự cẩn trọng của điều tra viên là rất quan trọng. Bà Thủy cho rằng: "Đối với các vụ án dân sự, hình sự về thương mại, kinh tế đang có tranh chấp tài sản, có liên quan đến phần bồi thường, phần án phí mà bị cáo có tài sản duy nhất là căn nhà thì cơ quan điều tra hết sức cẩn thận cho công chứng vào để lấy chữ ký. Bởi, bị cáo còn nghĩa vụ trong bản án".

Bịt kẽ hở của pháp luật

Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải quy định chặt chẽ hơn về việc lấy chữ ký bị cáo để giải quyết tài sản khi vụ án đang được điều tra. Nếu phát hiện bất thường thì các bên liên quan phải báo ngay cho người có thẩm quyền để ngăn chặn.

Có chặn được điều vô lý trong vụ Mercedes tông tiếp viên hàng không? - 3

Trong một số vụ án hình sự, tổn thất bị cáo gây ra cho bị hại là vô cùng lớn nên việc bồi thường thiệt hại rất quan trọng (ảnh: Nguyễn Quang)

Còn theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM), kẽ hở pháp lý này cho thấy chúng ta chưa chú trọng đúng mức đến việc bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự.

Luật sư Chánh nhấn mạnh: "Hiện nay, việc bồi thường, khắc phục hậu quả là tự nguyện, là tình tiết giảm nhẹ theo quy định Bộ luật Hình sự. Phải có biện pháp để bảo đảm bị cáo bồi thường cho bị hại chứ không thể phụ thuộc vào yếu tố tự nguyện của bị cáo".

"Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho bị hại. Vì đối với bị hại trong vụ án có liên quan đến bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, xâm phạm uy tín, danh dự thì việc được bồi thường là điều mà họ mong muốn, đem lại phần nào đó sự công bằng cho họ!", ông Chánh tiếp lời.

Có chặn được điều vô lý trong vụ Mercedes tông tiếp viên hàng không? - 4

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: "Phải có biện pháp để bảo đảm bị cáo bồi thường cho bị hại chứ không thể phụ thuộc vào yếu tố tự nguyện của bị cáo" (ảnh: Phạm Nguyễn)

Theo luật sư Chánh, hiện pháp luật đã có quy định về việc ngăn chặn bị can giao dịch tài sản tại điểm e khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Tuy nhiên, ông nhận định: "Quy định ngăn chặn bị can giao dịch tài sản trong giai đoạn điều tra còn rất chung chung nên khó thực hiện".

Để bịt kẽ hở pháp lý này, luật sư Nguyễn Đức Chánh đề nghị các cơ quan tố tụng Trung ương cần thống nhất và có văn bản hướng dẫn rõ trách nhiệm của điều tra viên, Thủ trưởng Cơ quan điều tra; hướng dẫn cụ thể về việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong vụ án mà bị can, bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường, khắc phục hậu quả.

Có chặn được điều vô lý trong vụ Mercedes tông tiếp viên hàng không? - 5

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, khi pháp luật có kẽ hở thì cần nhanh chóng khắc phục để đảm bảo sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật (ảnh: Nguyễn Quang)

Luật sư Nguyễn Đức Chánh nêu ý kiến: "Cần bổ sung nghĩa vụ của điều tra viên phải xác minh tài sản, ra quyết định ngăn chặn tẩu tán tài sản bị can để đảm bảo thi hành án bằng cách hướng dẫn rõ trách nhiệm "kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản" theo điểm e khoản 1 điều 37 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015".

"Phải có quy định rõ là trong quá trình điều tra các vụ án mà bị can có thể phải có nghĩa vụ dân sự cho bị hại thì điều tra viên phải có nghĩa vụ xác minh tài sản của bị can, tiến hành kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để đảm bảo việc thi hành án", ông Chánh nói.