1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Những tranh cãi về việc nhận tiền của cựu Cục phó Trần Hùng

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Tại tòa luật sư và ông Trần Hùng đưa ra nhiều lý lẽ phủ nhận cáo buộc nhận hối lộ của cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường. Song đại diện Viện kiểm sát khẳng định ông Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng.

Sau thời gian nghỉ nghị án kéo dài, sáng mai (27/7), Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án bị cáo Trần Hùng (cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ công tác 304 Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) và 35 bị cáo khác về các tội Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Sản xuất hàng giả...

Trước đó, khi kết thúc phần tranh tụng, cả 35 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và mong muốn HĐXX xem xét cho hưởng khoan hồng. Duy nhất bị cáo Trần Hùng một mực phủ nhận cáo buộc của Viện kiểm sát, khẳng định bản thân bị oan.

Bị cáo Hùng nhận tiền ở đâu, bao giờ?

Bào chữa cho ông Trần Hùng, luật sư cho rằng Viện kiểm sát chỉ dựa vào lời khai nhiều mâu thuẫn của Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để buộc tội ông Hùng mà không đưa ra các chứng cứ vật chất khác là không đúng quy định.

Ban đầu, Hải khai đưa tiền cho ông Trần Hùng vào ngày 20/7/2020 nhưng sau đó thay đổi lời khai ngày đưa tiền là 15/7/2020, vào khoảng 13h.

Theo dữ liệu trích xuất, từ 11h44 đến 14h02 ngày 15/7/2020, cột sóng định vị ông Hùng ở quận Ba Đình. Song cùng thời gian này, định vị của Nguyễn Duy Hải lại ở quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng.

Việc Hải giao tiền diễn ra ở trụ sở cơ quan ông Hùng tại quận Hoàn Kiếm. Luật sư đặt giả thuyết việc cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường về nhà rồi lại trở lại cơ quan để nhận tiền là không khả thi.

Đối đáp lại, đại diện Viện kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ kết luận ông Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng thông qua người môi giới Nguyễn Duy Hải.

Viện kiểm sát cũng phản bác lập luận của các luật sư cho rằng chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Hải mà không có nhân chứng, vật chứng.

Những tranh cãi về việc nhận tiền của cựu Cục phó Trần Hùng - 1

Bị cáo Trần Hùng tại phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng lời khai của Nguyễn Duy Hải rất logic, có đầy đủ trật tự về thời gian, địa điểm, phù hợp với các chứng cứ khác.

Viện kiểm sát khẳng định, từ 13h10 đến 13h15 ngày 15/7/2020 là khoảng thời gian Hải đưa tiền cho bị cáo Trần Hùng.

Những tranh cãi về việc nhận tiền của cựu Cục phó Trần Hùng - 2

Bị cáo Nguyễn Duy Hải tại tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Có thể trả hồ sơ điều tra bổ sung

Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, cho biết, trong vụ án đưa, nhận hối lộ về mặt nguyên tắc ngoài những lời khai của người đưa hối lộ, môi giới hối lộ cần có thêm những tài liệu khác để chứng minh thì mới "tròn" được quy kết. 

Theo quan điểm của luật sư Giáp, trong vụ án trên chỉ dựa vào lời khai của bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) và Nguyễn Duy Hải (người môi giới hối lộ) để cáo buộc ông Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng, về mặt nguyên tắc là chưa thể "tròn" căn cứ, tài liệu để quy kết tội danh, hành vi.

"Khi tòa tuyên án, có thể sẽ tuyên theo hướng cáo buộc của Viện kiểm sát nhưng cũng có thể trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung thêm những tài liệu vững chắc hơn", luật sư Giáp nhận định.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong quá trình xét xử các vụ án nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng, để đưa ra một bản án, tòa án sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Những tranh cãi về việc nhận tiền của cựu Cục phó Trần Hùng - 3

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận đứng giữa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Về chứng cứ, ông Tiền cho hay, Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: "Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án".

Theo luật sư, chứng cứ có thể được thu thập, xác định từ các nguồn như: Vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản...

Như vậy, trong vụ án trên, lời khai của bị cáo Nguyễn Duy Hải được chấp nhận là một chứng cứ để buộc tội ông Trần Hùng.

Tuy nhiên, lời khai trên chỉ là một trong những yếu tố, căn cứ để HĐXX xem xét, đánh giá để đưa ra phán quyết.

Trong quá trình xét xử, VKS, luật sư hoặc bị cáo có thể cung cấp thêm những bằng chứng, chứng cứ khác nhằm buộc tội hoặc gỡ tội cho bị cáo Trần Hùng.

Cũng theo luật sư, Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định "trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng", gồm: Cơ quan điều tra, VKS, tòa án... Trong khi đó, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

"Điều này đồng nghĩa với việc, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội", luật sư cho hay.

Cáo trạng thể hiện, sau khi phát hiện, thu giữ hơn 27.000 quyển sách không có hóa đơn, nguồn gốc thuộc 68 đầu mục sách giáo khoa của Công ty Phú Hưng Phát, đến chiều 10/7/2020 Cao Thị Minh Thuận nhắn tin, điện thoại cho Trần Hùng với mục đích giúp đỡ, chỉ đạo để xử lý nhẹ. 

Lo sợ bị xử lý hình sự nên Thuận đã bàn bạc, trao đổi với Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công ty cổ phần in Hà Nội, gặp Nguyễn Duy Hải để nhờ Hải gặp Hùng xin xử lý nhẹ vụ việc. 

Sau đó, Thuận thống nhất với Hải về việc sẽ chi số tiền 400 triệu đồng cho ông Trần Hùng. 

Ngày 14/7/2020, Nguyễn Duy Hải gặp ông Trần Hùng và các ông Kiều Nghiệp, Nguyễn Văn Kim tại quán cà phê trên đường Nguyễn Xí và phòng làm việc của ông Hùng. 

Tại đây, Hải đặt vấn đề Thuận xin Trần Hùng bỏ vụ việc, sẽ gửi Hùng và Tổ công tác 304 số tiền 400 triệu đồng.

Đến ngày 15/7/2020, Hải mang số tiền 300 triệu đồng đưa cho ông Hùng tại phòng làm việc của ông này.

Sau đó, Trần Hùng đã hướng dẫn Hải bảo với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc sách do Thuận mua bị thu giữ thành sách do người khác mang đến ký gửi.