Nhật ký "chuyến bay giải cứu": Luật sư nêu hàng loạt tình tiết xin giảm án
(Dân trí) - Hầu hết các bị cáo đều từng có thành tích khi còn công tác, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Một số bị cáo đạt thành tích trong công tác chống dịch Covid-19.
Ngày 18/7, phiên tòa xử đại án "chuyến bay giải cứu" bước sang ngày xét xử thứ 6 với phần tranh luận.
Sau khi cơ quan giữ quyền công tố công bố bản luận tội và đưa ra mức án đề nghị, các luật sư bắt đầu bào chữa cho bị cáo, đưa ra những tài liệu, tình tiết mong muốn HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng, luật sư cho biết thân chủ mình xuất thân là thầy giáo, công tác trong ngành giáo dục hơn 26 năm, được nhiều lứa học sinh, phụ huynh kính trọng, đồng nghiệp yêu quý. Một số cơ quan nơi bị cáo từng công tác đã có đơn gửi HĐXX xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
"Trong đơn, các cơ quan đề cập đến thành tích, đóng góp của ông Dũng từ khi là giảng viên dạy toán đến khi là phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, phó giám đốc, Giám đốc Sở Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND TP", luật sư nêu.
Ngoài ra, người bào chữa cho ông Dũng cũng cung cấp thông tin, gia đình ông Dũng có liệt sĩ, nhà giáo, được tặng thưởng nhiều huy chương...
Về việc khắc phục hậu quả, gia đình cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nộp toàn bộ số tiền ông này nhận hối lộ.
Tại bản luận tội, VKS đề nghị mức án 4-5 năm tù dành cho bị cáo Chử Xuân Dũng.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Luật sư Lê Thành Kính bào chữa cho bị cáo Tô Anh Dũng cho rằng, trong quá trình công tác tại Bộ Ngoại giao, ông Dũng luôn nỗ lực, có nhiều thành tích xuất sắc và đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Ngoại giao Việt Nam.
Luật sư liệt kê: Bị cáo Tô Anh Dũng đại diện cho Chính phủ Việt Nam trực tiếp giải quyết hậu quả vụ việc 39 công dân tử vong ở Anh năm 2019; Năm 2021, ông Dũng tham gia thực hiện công tác ngoại giao vaccine ở châu Âu.
Ngoài ra, theo luật sư, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng có đóng góp trong việc cấp phép và tổ chức được trên 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia vùng lãnh thổ về nước.
Đến ngày 18/7, gia đình bị cáo Tô Anh Dũng đã khắc phục toàn bộ số tiền bị cáo nhận hối lộ là 21,5 tỷ đồng.
Trong bản luận tội, VKSND TP Hà Nội truy tố ông Dũng tội Nhận hối lộ, với 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội 2 lần trở lên và lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Cựu Phó trưởng phòng tham mưu Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an
Luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Anh Tuấn nêu, trong 25 năm công tác, ông Tuấn đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen...
Theo bản luận tội của VKS, bị cáo Tuấn là người chủ mưu, đề xuất, đồng thời cũng là người thực hành tích cực, nhận và hưởng lợi số tiền nhận hối lộ nhiều nhất trong nhóm bị cáo tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.
Từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, ông Tuấn đã nhận hối lộ 49 lần, tổng số hơn 27 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 22 tỷ đồng.
Ông Tuấn bị VKS đề nghị mức án 19-20 năm tù.
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan cho biết, bị cáo là lao động trực tiếp trong gia đình, chăm sóc mẹ già, 2 con.
Trong quá trình công tác tại Bộ Ngoại giao, bị cáo được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều bằng khen, giấy khen về bảo hộ công dân thời điểm Covid-19.
Theo VKS, căn cứ lời khai của bà Hương Lan và lời khai của các bị cáo khác, xác định từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, bà Lan đã nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng của đại diện 8 doanh nghiệp.
VKS đề nghị tuyên phạt bà Hương Lan 18-19 năm tù.
Cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, bị cáo có gần 17 năm công tác tại ngành ngoại giao, được tặng gần 20 bằng khen, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an tặng bằng khen về việc tiếp nhận công dân Việt Nam ở Hoa Kỳ thời điểm dịch Covid-19.
Cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Tùng nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng của đại diện 15 doanh nghiệp. VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo 9-10 năm tù.
Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế
Trước tòa, luật sư của Phạm Trung Kiên cho biết, gia đình của bị cáo Kiên đã tích cực khắc phục hậu quả. Trong số hơn 42 tỷ đồng nhận hối lộ, Kiên đã trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng; ngoài ra gia đình bị cáo nộp lại 15 tỷ đồng. Sáng 18/7, người nhà bị cáo nộp thêm 8 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Luật sư cho rằng bị cáo Kiên có thái độ thành khẩn, nhận thức được hành vi phạm tội. Quá trình công tác, Kiên nhận nhiều bằng khen, đặc biệt trong khoảng thời gian chống dịch đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, giấy khen.
Luật sư mong muốn HĐXX xem xét thêm tình tiết bị cáo Kiên tự thú.
Trong bản luận tội, VKS đánh giá Kiên nhận hối lộ nhiều lần nhất, tổng số tiền nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất nên đề nghị mức án tử hình.