Xét xử "chuyến bay giải cứu": Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội được học trò bào chữa
(Dân trí) - Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng từng có hơn 26 năm công tác trong ngành giáo dục, có nhiều thế hệ học trò. Bị cáo Dũng chia sẻ với học trò rằng bản thân rất xấu hổ.
Chiều 18/7, bào chữa cho cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng trong phiên tòa "chuyến bay giải cứu", luật sư Trịnh Văn Tuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thân chủ của mình nhận tiền một cách thụ động, không có sự thỏa thuận, đòi hỏi hay gây khó dễ để vòi tiền doanh nghiệp.
Những yếu tố này, theo luật sư, cũng đã được nhắc đến trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Trò bào chữa cho thầy
Trước tòa, luật sư Tuyến cho hay, ông từng là học trò của bị cáo Dũng. Khi tiếp xúc với luật sư Tuyến tại trại tạm giam, bị cáo Dũng nói: "Bây giờ gặp chúng mày, thầy xấu hổ lắm". "Ngoài hình phạt là bản án sắp tới, sự day dứt trong lòng cũng sẽ là hình phạt suốt đời dành cho ông Dũng", luật sư Tuyến nói và đề nghị HĐXX xem xét ý thức chủ quan, nhận thức của bị cáo Dũng về việc nhận tiền, từ đó đưa ra một bản án thấp hơn mức án VKS đề nghị.
Một luật sư khác bào chữa cho bị cáo Dũng cũng trình bày nhiều tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Theo luật sư, ông Dũng xuất thân là thầy giáo, công tác trong ngành giáo dục hơn 26 năm, được nhiều lứa học sinh, phụ huynh kính trọng, đồng nghiệp yêu quý. Một số cơ quan nơi bị cáo từng công tác đã có đơn gửi HĐXX xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
"Trong đơn, các cơ quan đề cập đến thành tích, đóng góp của ông Dũng từ khi là giảng viên dạy toán đến khi là phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, phó giám đốc, Giám đốc Sở Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND TP", luật sư nêu.
Ngoài ra, người bào chữa cho ông Dũng cũng cung cấp thông tin, gia đình ông Dũng có liệt sĩ, nhà giáo, được tặng thưởng nhiều huy chương...
"Khi làm việc với cơ quan điều tra, quá trình xét xử, bị cáo nhận thức được hành vi, thành khẩn, tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án", luật sư nói và mong muốn HĐXX xem xét mức án nhẹ hơn so với đề nghị của VKS.
"Tội đồ của thành phố, tội đồ trong công tác chống dịch, bị cáo cảm thấy rất đau xót", ông Chử Xuân Dũng nói trước tòa.
Cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh nói "nhận thức pháp luật hạn chế"
Theo bản luận tội của VKS, bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cùng đồng nghiệp nhận hối lộ của doanh nghiệp và cá nhân.
"Bị cáo Tuấn là người chủ mưu đề xuất, đồng thời cũng là người thực hành tích cực, nhận và hưởng lợi số tiền nhận hối lộ nhiều nhất, nên bị cáo Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự với toàn bộ số tiền bị cáo đã nhận hối lộ và số tiền bị cáo Vũ Sỹ Cường nhận hối lộ chuyển cho bị cáo", bản luận tội nêu.
Theo đó, từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, Tuấn đã nhận hối lộ 49 lần, tổng số hơn 27 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 22 tỷ đồng.
Tại phần tự bào chữa, bị cáo Tuấn nói rằng bản thân đã có 25 năm công tác trong lực lượng công an. Về mặt xuất nhập cảnh, bị cáo nắm rất chắc nhưng về pháp luật còn hạn chế.
Liên quan đến quá trình điều tra xét xử, ngay từ ngày 14/4/2022, khi bị cáo bị bắt tạm giam, đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Nhưng do thời điểm bị bắt bị cáo mắc Covid-19 và tiểu đường lên cao nên bị cáo không thể nhớ hết đã nhận tiền của những doanh nghiệp nào.
Sau đó, bị cáo cũng đã tác động gia đình để nộp lại số tiền nhận hối lộ.
Trước tòa, bị cáo Tuấn nhận lỗi trước Chính phủ, Bộ Công an vì đã làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng.
Bị cáo thừa nhận hành vi nhận hối lộ của mình đã làm cho các doanh nghiệp tăng chi phí chuyến bay dẫn đến tăng phí của người dân.
"Bị cáo gửi lời xin lỗi người dân đi trên các chuyến bay giải cứu mà các doanh nghiệp đã tổ chức", ông Tuấn nói.