1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đại án VNCB:

Nhân viên của Phạm Công Danh thừa nhận viết thêm chữ “lãi ngoài” vào chứng từ

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, bà Nguyễn Thị Thu Hương (nhân viên tài chính Tập đoàn Thiên Thanh) thừa nhận đã viết thêm chữ “lãi ngoài” vào chứng từ tháng 10/2014.

13-1469425193107

Ngày 5/8, các luật sư bắt đầu tham gia phần xét hỏi với 36 bị cáo và hơn 150 có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan

Tại tòa ngày 5/8, các luật sư đã tham gia phần xét hỏi đối với 36 bị cáo và hơn 150 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, gây thiệt hại cho ngân hàng Xây dựng (VNCB) trên 9.000 tỉ đồng.

Thông tin đáng chú ý là việc luật sư Phan Trung Hoài, đại diện cho nhóm 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh hỏi bà Nguyễn Thị Thu Hương (nhân viên tài chính, kế toán Tập đoàn Thiên Thanh). Trả lời câu hỏi về việc được giao chức vụ, nhiệm vụ gì ở tập đoàn Thiên Thanh, bà Hương trình bày là bà giữ chức vụ nhân viên kế toán, ngoài nhiệm vụ ở Tập đoàn, có được ông Danh giao đưa các khoản tiền cho nhóm bà Trần Ngọc Bích.

Bà trình bày tổng các khoản tiền bên Tập đoàn Thiên Thanh trả cho nhóm bà Trần Ngọc Bích là những gì? – Bà Hương trả lời: “Thưa có 5 khoản, 1 là tiền chi chăm sóc tiền gửi ở VNCB, thứ hai là tiền vay của nhóm Trần Ngọc Bích, thứ ba, khi NHNN không trả lãi thì ông Danh phải chi trả, thứ năm là khi tất toán ông Danh phải chi bù lãi tất toán, lãi thứ 5 là lãi trả cho nhóm bà Trần Ngọc Bích về số tiền ông Danh vay của bà Bích. Từ 1,75%-3%/tháng”.

Chứng từ có chữ lãi ngoài (ảnh trên) được nhân viên kế toán của Thiên Thanh tự viết thêm vào. Chứng từ phía dưới của đại diện bà Bích cung cấp không có chữ lãi ngoài (ảnh dưới)
Chứng từ có chữ "lãi ngoài" (ảnh trên) được nhân viên kế toán của Thiên Thanh tự viết thêm vào. Chứng từ phía dưới của đại diện bà Bích cung cấp không có chữ "lãi ngoài" (ảnh dưới)

Trước câu hỏi của luật sư: “Tôi xin hỏi, ngày hôm kia, chữ viết thêm lãi ngoài do ai viết?” – Bà Hương khẳng định: “Tôi viết”. Phần chữ viết thêm và ký nhận của ông Nguyễn Tấn Lộc là ai viết? - Dạ anh Nguyễn Tấn Lộc.

Phần viết thêm ở chứng từ là chị giải thích lãi ngoài đúng không? - Dạ đúng. Chữ viết thêm đó vào tháng 10/2014 đúng không? -Dạ đúng.

Trước đó, tại tòa, ông Nguyễn Tấn Lộc nhiều lần khai nhận chỉ nhận giùm bà Bích, không biết nội dung là tiền gì. Về nội dung “bút tích lạ” có ghi phần “tiền lãi ngoài”, ông Lộc khẳng định nội dung này đã được ghi thêm vào chứng từ và đề nghị HĐXX làm rõ. Tuy nhiên, tại tòa ngày 5/8, bà Nguyễn Thị Thu Hương (nhân viên tài chính, kế tóa của Tập đoàn Thiên Thanh) thừa nhận đã viết thêm chữ “lãi ngoài” vào chứng từ vào thời điểm tháng 10/2014.

Đại diện của bà Trần Ngọc Bích tung bằng chứng “tố” VNCB che giấu thông tin

Bà Trần Ngọc Bích trong một lần trả lời câu hỏi của HĐXX
Bà Trần Ngọc Bích trong một lần trả lời câu hỏi của HĐXX

Tại tòa ngày 5/8, đại diện của bà Trần Ngọc Bích (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đã "tung" bằng chứng “tố” VNCB che giấu thông tin khi tự ý chuyển 5.190 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của bà.

Trong phiên xét xử buổi sáng, luật sư bào chữa cho bị cáo Danh đặt câu hỏi với đại diện của bà Bích rằng: Có thừa nhận số tiền không có chữ ký của bà Bích mà VNCB đã chuyển cho ông Danh không? Đại diện của bà Trần Ngọc Bích xác nhận bà Bích chưa bao giờ yêu cầu ngân hàng chuyển số tiền này ra cho bất kỳ ai. “Khi biết sự việc, bà Bích có yêu cầu ngân hàng giải quyết. Ngân hàng có biên bản cam kết giải quyết, có HĐQT của ngân hàng. Ngân hàng đã cố tình che giấu việc chuyển tiền trái ý muốn của bà Bích. Tôi đề nghị HĐXX, luật sư xem lại biên bản này. Tất cả những chứng cứ này đã được cung cấp cho cơ quan điều tra”, đại diện của bà Trần Ngọc Bích nói tại tòa.

Theo người đại diện của bà Bích, điều này thể hiện rất rõ trong biên bản ngày 22/4/2014. “Ngày 21/4, khi bà Bích lên làm việc thì ngân hàng hẹn lại ngày hôm sau vì bảo là ngân hàng đang bị thanh tra. Hôm sau bà Bích tiếp tục lên thì ngân hàng chủ động ký cam kết với nội dung khách hàng yêu cầu thanh toán các khoản vay nhưng ngân hàng chưa thể thanh toán được mà không nói rõ lý do”.

Đại diện bà Bích nêu ý kiến, vì có biên bản ngày 22/4 này nên bà Bích đã từng kiện ngân hàng qua mặt vì tạo cho khách hàng cảm giác yên tâm giả tạo. Bà Bích cũng không hiểu lý do ngân hàng cố tình chuyển tiền mà chưa có sự đồng ý của bà. Biên bản ngày 22/4 được HĐQT của ngân hàng thông qua (có ông Danh, Khương và Mai).

Đại diện của bà Bích nhấn mạnh việc VNCB tự ý chuyển tiền khỏi tài khoản của bà Bích trong khi bà này không hề biết hay đồng thuận đã thể hiện ngân hàng cố ý giấu và VNCB cũng không hề cho nhóm này nợ chứng từ. Đồng thời, người đại diện cho bà Bích cũng trưng ra bằng chứng khẳng định việc bà không sử dụng dịch vụ tin nhắn thông báo của Ngân hàng. Việc này được chính nhân viên ngân hàng VNCB thừa nhận tại buổi làm việc. Buổi làm việc này có sự chứng kiến của các luật sư và đã được lập thành vi bằng. Điều này góp phần lý giải vì sao 5.190 tỷ đồng của bà Bích bị VNCB chuyển ra khỏi tài khoản mà bà Bích không hề hay biết.

Phạm Công Danh đề nghị thu hồi 3.600 tỷ để khắc phục hậu quả

Bị cáo Phạm Công Danh
Bị cáo Phạm Công Danh

Trong phần xét hỏi ngày 5/8 vụ án thất thoát 9.000 tỉ đồng, Phạm Công Danh đề nghị HĐXX thu hồi 3.600 tỉ đồng mà bị cáo này đã trả cho bà Hứa Thị Phấn (để mua lại ngân hàng Đại Tín) để khắc phục hậu quả.

Trong phần xét hỏi trước đó, bà Phấn cho biết giao dịch về chuyển giao NH Đại Tín đầu tiên với Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch NH Đại Dương vào tháng 2/2012. Sau này, Thắm giới thiệu Phạm Công Danh cho bà Phấn. Đạt thỏa thuận, ngày 6/6/2012 hợp đồng chuyển giao giữa hai bên được ký kết. Theo nội dung ký kết, nhóm bà Phấn chuyển giao cho ông Phạm Công Danh gồm: 85% cổ phần tại NH Đại Tín, và tài sản đảm bảo đất ở quận 2 (9ha) và Nhà bè (24ha) và Cổ phiếu Công ty Đại Việt – giá trị tại thời điểm đó là 85 tỷ; Cổ phần 27 tỷ tại công ty Hùng Vương. Tổng số tiền chuyển giao là 4.619 tỷ đồng.

Sau khi chuyển giao, được NHNN chấp thuận, Phạm Công Danh đại diện nhóm cổ đông mới tiếp quản NH Đại Tín. Thực hiện thỏa thuận này, Danh đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng. Số tiền này thỏa thuận là thanh lý 29 hợp đồng tín dụng cũ. Tới ngày xảy ra vụ án, Danh còn thiếu 1.037 tỷ đồng.

Về việc chuyển giao hai bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè mà Danh định giá khoảng 7.000 tỷ đồng và cho rằng, chính vì không nắm được bất động sản này nên ông ta vướng vào lao lý, theo bà Phấn nguyên nhân không thể chuyển giao được do đang thế chấp NH ở Đại Tín. Vì chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính nên chưa thể giao cho Phạm Công Danh.

Nhưng tại phiên tòa ngày 5/8, bị cáo Danh cho rằng hợp đồng được ký giữa Danh và bà Phấn về việc chuyển nhượng cổ phần và các tài sản đi kèm là hợp đồng không hợp pháp, bởi liên quan đến những tài sản mà bà Phấn ký chuyển nhượng cho Danh, bà Phấn không có quyền được chuyển nhượng tài sản đó.

Về khoản tiền 3.600 tỉ đồng chuyển cho bà Hứa Thị Phấn (nhóm cổ đông Phú Mỹ), ông Danh cũng tiếp tục khẳng định "tiền tôi trả vào tài khoản của bà Sáu Phấn, không chuyển cho ai cả cũng không chuyển vào tài khoản ngân hàng. Về những vấn đề đúng hay sai thì đến giờ tôi cũng chưa hiểu nhưng hợp đồng này là không có hiệu lực. Đề nghị HĐXX thu hồi khoản tiền này về và góp phần khắc phục hậu quả của tôi."

“Trong quan hệ với bà Phấn thì từ trước khi bị bắt cho đến bây giờ tôi vẫn nhận thức rằng hợp đồng đó vô hiệu, mong bà Phấn trả lại khoản tiền đó cho tôi để tôi khắc phục hậu quả. Nếu ngân hàng có phát mại các tài sản này và giá trị cao hơn thì tôi cũng chỉ xin nhận khoản tiền tôi đã trả cho bà Phấn”, bị cáo Danh giải thích.

Phiên tòa tiếp tục xét hỏi vào ngày 8/8 tới đây.

Trung Kiên – Xuân Duy