1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nhân viên bệnh viện Nhi đồng 1 tư túi tiền khám bệnh

(Dân trí) - Lợi dụng cương vị làm việc tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), 3 nhân viên bệnh viện đã cấu kết với 1 nhân viên nhà in để in các tập vé khám bệnh giả, đem bán cho các bệnh nhân và chiếm đoạt số tiền bán vé giả này.

Ngày 22/12, TAND TPHCM đã đưa ra xét xử và tuyên án vụ án tham ô tài sản xảy ra tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM).

Theo đó, các bị cáo từng là nhân viên bệnh viện Nhi Đồng 1 là La Hồng Phát (35 tuổi, nguyên nhân viên kế toán) bị tuyên phạt 12 năm tù, Nguyễn Thái Ngọc Tú (33 tuổi, nguyên nhân viên hộ lý) 10 năm tù, Hồ Văn Sơn (33 tuổi, nguyên viên chức điều dưỡng) 7 năm tù cùng về tội tham ô tài sản.

Ngoài ra, tòa buộc Phát hoàn trả 40 triệu, Tú trả 32,5 triệu đồng, buộc người có nghĩa vụ liên quan là Nguyễn Mạnh Hùng giao nộp 66,5 triệu đồng cho bệnh viện Nhi Đồng 1.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Theo cáo trạng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là đơn vị trực thuộc Sở Y tế TPHCM thực hiện cơ chế tự chủ một phần, thực hiện bán vé khám bệnh dịch vụ ngoài giờ giá 50.000 đồng/vé để thu tiền đối với các bệnh nhân đến khám dịch vụ. Tiền thu được từ hoạt động bán vé là khoản tiền thuộc ngân sách nhà nước.

Ngày 8/10/2013, bệnh viện Nhi Đồng 1 thành lập tổ kiểm tra tài chính đột xuất tại quầy thu phí khu D. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong người Phát – nhân viên kế toán thu tiền tại quầy thu phí D2 có 3 tập cùi vé thu tiền khám bệnh, mỗi tập có 100 biên lai thu tiền, mệnh giá 50.000 đồng đã qua sử dụng. Toàn bộ số vé đã bán trên đều là vé giả. Tổ công tác đã lập biên bản thu giữ và trình báo công an phường 10, quận 10.

Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định ngoài Phát còn có sự tham gia của Sơn, Tú, Hùng.

Cụ thể, từ đầu tháng 4/2013 đến ngày 8/10/2013, Phát cùng Tú, Sơn đã đã cấu kết cùng với nhau đặt Hùng (nhân viên công ty bao bì Toàn Phát) làm giả vé khám bệnh dịch vụ và ngoài giờ, đưa vào bệnh viện bán, thu tiền chia nhau tiêu xài.

Theo đó, Tú thông qua Sơn, Phát để nhận mẫu vé thật và tiền đặt cọc để đưa lại cho Hùng in giả. Vào đầu tháng 5/2013, Hùng bắt đầu in đồng loạt, đóng thành cuốn rồi giao lại cho Tú.

Vì trên vé có số seri và dấu ngày phát hành của bệnh viện nên trước khi in vé Tú sẽ nhận thông tin số seri từ Sơn hoặc Phát thông báo cho Hùng biết để in. Sau khi nhận vé giả từ Hùng, Tú sử dụng con dấu ngày (do Sơn làm và đưa trước đó) và căn cứ vào ngày sử dụng để đóng lên vé. Có vé, Tú liên hệ với Sơn để giao.

Theo hướng dẫn của Phát, để không bị phát hiện mỗi tuần, các đối tượng chỉ đưa khoảng 2 hoặc 3 cuốn vé giả vào khu D của bệnh viện để bán.

Thời gian đầu, Tú trực tiếp vào bệnh viện để giao cho Sơn hoặc Phát nhưng do thời điểm này Tú đã nghỉ việc nên để không bị bệnh viện nghi ngờ, Phát yêu cầu Tú giao cho Sơn để Sơn giao lại cho Phát vào đầu giờ sáng hàng ngày.

Theo đó, vào buổi sáng ngày sử dụng vé, Tú sẽ liên hệ gặp Sơn tại khu vực ngã tư Trung Chánh, hoặc cầu vượt An Sương trên đường Sơn đi làm để giao vé và nhận tiền. Nhận vé từ Tú, Sơn đến bệnh viện gặp và giao vé để Phát sử dụng bán, thu tiền.

Số vé giả và số tiền thu được từ việc bán vé giả Phát để riêng chiếm đoạt, không đưa vào sổ sách báo cáo. Tổng cộng các bị cáo đã chiếm đoạt 250 triệu đồng.

Xuân Duy