1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nguyên Tổng giám đốc SAGRI: "Tôi không có động cơ vụ lợi"

Xuân Duy

(Dân trí) - Khi được hỏi về hành vi tham ô tài sản, bị cáo Lê Tấn Hùng cho rằng mình không có động cơ vụ lợi, chia lợi nên mong hội đồng xét xử xem xét.

Chiều 8/12, Tòa án Nhân dân TPHCM tiếp tục xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến - nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng đồng phạm, về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.

Liên quan tới vụ án, bị cáo Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) - bị xét xử về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.

Nguyên Tổng giám đốc SAGRI: Tôi không có động cơ vụ lợi - 1

Bị cáo Lê Tấn Hùng là người đầu tiên trong vụ án được hội đồng xét xử xét hỏi. (Ảnh: Hải Long).

Trong buổi làm việc sáng nay, hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung phần lớn thời gian cho phần thủ tục phiên tòa và viện kiểm sát công bố cáo trạng.

Bước vào phiên làm việc buổi chiều, tòa bước qua phần xét hỏi. Là người đầu tiên bước lên bục khai  báo, bị cáo Lê Tấn Hùng thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo 58 tuổi cho biết Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do UBND TPHCM thành lập.

Về việc lần gần nhất thay đổi giấy phép kinh doanh, vốn điều lệ, bị cáo Hùng trình bày mình không nhớ rõ.

Tháng 8/2015, UBND TPHCM bổ nhiệm bị cáo Hùng làm Tổng Giám đốc công ty SAGRI. Thời điểm bị cáo nhận nhiệm vụ, giữa SAGRI và tổng công ty Phong Phú đã góp vốn hợp tác.

Hồ sơ vụ án thể hiện, trong giai đoạn giữ chức tổng giám đốc, ông Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. 

Dự án mới chỉ xây dựng được 80% công trình kỹ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước và chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng... nhưng ông Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TPHCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Phong Phú gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 672 tỷ đồng.

Đối với cáo buộc trên của Viện kiểm sát, bị cáo Hùng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Nguyên Tổng giám đốc SAGRI: Tôi không có động cơ vụ lợi - 2

Bị cáo Lê Tấn Hùng thừa nhận cáo trạng quy buộc. (Ảnh: Hải Long).

Đối với hành vi cấu kết cùng cấp dưới lập hàng loạt hồ sơ khống để tham ô số tiền hơn 13 tỷ đồng, bị cáo Hùng cho rằng mình không có động cơ mục đích vụ lợi và chia lợi từ tài sản Nhà nước.

Theo hồ sơ, từ năm 2016, bị can Lê Tấn Hùng đã lợi dụng chức vụ được giao để chỉ đạo cấp dưới bàn bạc, thống nhất với những người có liên quan lập 10 hồ sơ khống cho cán bộ, công nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở 16 nước (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức…) để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng, rồi sử dụng vào mục đích cá nhân 924 triệu đồng và vụ lợi cho nhóm của Hùng tại SAGRI. 

Với hành vi này, bị can Lê Tấn Hùng bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản theo khoản 4 điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

"Bị cáo có sai phạm trong việc chiếm giữ mấy trăm triệu đồng của SAGRI. Vì vậy, với cáo buộc tham ô tài sản, mong HĐXX xem xét", bị cáo Lê Tấn Hùng khai nhận.

Nguyên Tổng giám đốc SAGRI: Tôi không có động cơ vụ lợi - 3

Bị cáo Hùng cho rằng mình không có động cơ vụ lợi. (Ảnh: Hải Long).

Bên cạnh đó, nguyên tổng giám đốc SAGRI trình bày, với các khoản tiền đã khai khống đã chỉ đạo cấp dưới không đưa vào sổ sách theo dõi của mà giao cho Nguyễn Thị Thúy (kế toán trưởng) và Nguyễn Thị Tuyết Mai (phòng nhân sự) để ngoài quản lý, theo dõi chi theo yêu cầu của Hùng.

Trước khi khởi tố vụ án, bị can Lê Tấn Hùng đã nộp lại số tiền 3,4 tỷ đồng trong số tiền chiếm đoạt từ 10 hợp đồng du lịch khống.