1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng "lấp liếm" về động cơ tham ô 13 tỷ đồng

Xuân Duy

(Dân trí) - Cơ quan điều tra xác định, quá trình điều tra, bị can Lê Tấn Hùng chưa thực sự thành khẩn khai báo về động cơ vụ lợi của bản thân.

Vừa chủ mưu vừa là người thực hiện

Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do UBND TPHCM quản lý. Tháng 8/2015, ông Hùng được bổ nhiệm giữ chức vụ tổng giám đốc và được giao quản lý tài sản, quản lý vốn của công ty.

Theo cơ quan điều tra, ông Hùng đã lợi dụng chức vụ, chỉ đạo thuộc cấp lập khống 10 hồ sơ hợp đồng cho cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để tham ô hơn 13 tỷ đồng. Khi bị thanh kiểm tra, ông Hùng tiếp tục chỉ đạo cán bộ dưới quyền bàn bạc, thống nhất với các cá nhân ở hai công ty du lịch cùng thực hiện hành vi gian dối để hợp thức hóa hồ sơ, hợp thức dòng tiền nhằm che giấu hành vi phạm tội, trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng lấp liếm về động cơ tham ô 13 tỷ đồng - 1
Lê tấn Hùng tham ô hơn 3 tỷ đồng.

Số tiền chiếm đoạt được, Hùng chỉ đạo không đưa vào sổ sách theo dõi của tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn mà giao cho Nguyễn Thị Thúy và Nguyễn Thị Tuyết Mai để ngoài quản lý, theo dõi chi theo yêu cầu của Hùng. Tiếp đó, Hùng chỉ đạo Thúy và Mai chi 3,9 tỷ đồng cho Hùng và chi ngoại giao. Tuy nhiên, những người được chi tiền ngoại giao không thừa nhận.

"Hành vi của Lê Tấn Hùng xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý của Nhà nước về lĩnh vực kinh tế, làm tha hóa cán bộ dưới quyền dẫn đến vi phạm pháp luật phải xử lý, gây mất niềm tin trong đội ngũ cán bộ trong tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn và nhân dân. Lê Tấn Hùng là chủ mưu, chỉ đạo điều hành vừa là người thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn. Mặt khác, bị can chưa thực sự thành khẩn khai báo về động cơ vụ lợi của bản thân. Vì vậy, cần xử lý nghiêm khắc với Lê Tấn Hùng để phòng ngừa, răn đe và giáo dục chung", kết luận điều tra nêu.

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Ngoài hành vi tham ô tài sản, Lê Tấn Hùng còn bị cáo buộc sai phạm chuyển nhượng dự án khu dân cư được xác định gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng với vai trò chủ đạo.

Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, mua bán giống và thương phẩm chất lượng cao các loại cây trồng, vật nuôi...; sản xuất, chế biến sản phẩm ngành công - nông - lâm nghiệp và thủy sản...; không có chức năng kinh doanh bất động sản. 

Công ty này được UBND TPHCM giao quản lý, sử dụng hơn 36.000m2 đất tại khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 (nay là TP Thủ Đức) để làm cơ sở chăn nuôi heo.

Từ phương án xử lý tổng thể nhà đất của tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, năm 2008, TPHCM chấp thuận cho đơn vị này chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch đối với thửa đất trên.

Vào tháng 10/2008, tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng giám đốc Tổng công ty Phong Phú, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, với nội dung: "...hợp tác kinh doanh dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 với tổng diện tích 37.579m2".

Ngày 1/11/2010, UBND TPHCM có quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại khu đất là 128 tỷ đồng.

Trải qua 7 năm với nhiều văn bản đề xuất của các ban ngành và ông Lê Tấn Hùng, tháng 11/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM) ký quyết định số 6077/QĐ-UBND chấp thuận cho chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà cho Công ty Phong Phú.

Kết quả điều tra vụ án xác định, trên cơ sở các văn bản được thỏa thuận giữa tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn và Công ty Phong Phú, Công ty Phong Phú đã trực tiếp ký 79 hợp đồng vay vốn của các cá nhân để thực hiện dự án với tổng giá trị là 115 tỷ đồng.

Sai phạm trong quản lý sử dụng đất để dự án khu dân cư tại phường Phước Long B rơi vào tay Công ty Phong Phú khi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, gây thiệt hại cho Nhà nước 384 tỷ đồng (thời điểm chuyển nhượng dự án năm 2016) và 672 tỷ đồng vào thời điểm khởi tố vụ án.

Sau khi bị phát hiện sai phạm tại dự án khu dân cư phường Phước Long B, các cơ quan liên quan đã đề xuất thu hồi quyết định 6077 (chấp thuận cho chuyển nhượng dự án) và TPHCM đã có quyết định thu hồi quyết định này. Tuy nhiên, trong thời gian nhận chuyển nhượng, Công ty Phong Phú đã bán đi nhiều nền đất trong dự án.