1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nguyên lãnh đạo GPBank nhận 30 tỷ đồng “lót tay”

Xuân Duy

(Dân trí) - Nguyên lãnh đạo GPBank đã nhận 30 tỷ đồng “lót tay” để cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng 961 tỷ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố bị can Tạ Bá Long (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu - gọi tắt là GPBank) Phạm Quyết Thắng (nguyên tổng giám đốc GPBank) cùng 8 đồng phạm về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. 

Liên quan tới vụ án, bị can Phùng Ngọc Khánh (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Sài Gòn One, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty Cổ phần M&C) cùng đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyên lãnh đạo GPBank nhận 30 tỷ đồng “lót tay” - 1
Theo cáo buộc bị can Tạ Bá Long nhận 6 tỷ đồng.

Theo điều tra, Công ty Sài Gòn One được thành lập để xây dựng dự án Công ty Sài Gòn One tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1. Nhằm sử dụng các căn hộ tại dự án để huy động, vay vốn trái phép, Phùng Ngọc Khánh đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng phân chia sản phẩm sàn căn hộ hình thành từ dự án và chuyển giao quyền chuyển nhượng, bán sản phẩm sàn căn hộ của Công ty Sài Gòn One cho Công ty M&C.

Tháng 8/2011, Khánh biết Nguyễn Trọng Hiếu (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần phát triển điện lực Sài Gòn) có quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng nên đề nghị Hiếu giúp đỡ. Khánh hứa chi 20-30% số tiền vay được cho Hiếu khi ngân hàng giải ngân.

Nguyễn Trọng Hiếu sau đó gặp Tạ Bá Long đề nghị vay tiền thế chấp các căn hộ tại dự án Sài Gòn One Tower. Ban lãnh đạo GPBank gồm ông Long và Phạm Quyết Thắng đồng ý với điều kiện ngoài tiền gốc, lãi, phía ông Khánh phải chi 10% tiền phí. Hồ sơ vay được giao cho cấp dưới hoàn thiện.

Cơ quan điều tra cáo buộc, dự án này đã thế chấp vay vốn ở nhiều ngân hàng, không đủ điều kiện vay vốn tại GPBank nên Khánh cùng đồng phạm đã sử dụng các hành vi gian dối. Qua đó, để GPBank đồng ý cấp tín dụng.

Ngày 26/9/2011, Nguyễn Trọng Hiếu, Kim Văn Bộ (nguyên Phó Giám đốc công ty cổ phần phát triển điện lực Sài Gòn) đến phòng giao dịch trung tâm, hội sở GPBank để rút tiền. Trước khi thực hiện việc rút tiền, Hiếu gặp Đoàn Văn An (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GPBank) để thông báo việc giao 30 tỷ đồng (tiền “lót tay”) cho lãnh đạo GPBank như thỏa thuận. Tại đây, An bảo Hiếu giao tiền cho Phạm Quyết Thắng để thông báo giao tiền “lót tay” khoản vay. 

Tiếp đó, An gọi điện thoại cho Nguyễn Ngọc Nam (nhân viên văn phòng tổng giám đốc GPBank) giao nhận tiền giúp lãnh đạo GPBank. Đồng thời, Thắng điện thoại giao Nam đi cùng Hiếu, Bộ để tiếp nhận tiền, đồng thời, Thắng nói Hiếu và Bộ cho Nam 200 triệu đồng.

Hiếu và Bộ được Nam dẫn xuống phòng giao dịch làm các thủ tục giao tiền cho Nam. Do cuối ngày và số tiền lớn nên Nam chỉ rút được 200 triệu đồng. Số tiền còn lại Nam thực hiện các thủ tục tất toán và chuyển vào tài khoản của một số lãnh đạo GPBank. Theo đó, Tạ Bửu Long thu lợi bất chính 6 tỷ đồng, Phạm Quyết Thắng thu lợi bất chính 5 tỷ đồng, Đỗ Thành Trung (nguyên phó tổng giám đốc GPBank) thu lợi bất chính 5 tỷ đồng...

Cơ quan điều tra xác định, tại thời điểm vụ án xảy ra, GPBank là ngân hàng thương mại cổ phần, không có vốn góp của Nhà nước nên các bị can nhận khoản tiền trên không thuộc chủ thể của tội phạm tham nhũng, do đó, không có căn cứ xem xét tội danh tham nhũng, mà xác định vì động cơ, mục đích phạm tội.

Đến hạn trả nợ nhưng công ty điện lực Sài Gòn không thanh toán nên GPBank nộp đơn khởi kiện tại TAND quận Ba Đình (Hà Nội).

Ngày 8/5/2017, TAND quận Ba Đình yêu cầu GPBank sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và tạm đóng án phí. Sau khi bổ sung đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu và tạm đóng án phí thì ngày 11/10/2017, TAND quận Ba Đình thụ lý vụ án.

Nguyên lãnh đạo GPBank nhận 30 tỷ đồng “lót tay” - 2
Bị can Phùng Ngọc Khánh (bìa trái)

Ngày 29/11/2017, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản gửi TAND quận Ba Đình về việc cơ quan điều tra đang xác minh dấu hiệu vi phạm luật hình sự tại GPBank, vì vậy, tòa ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Kết luận điều tra xác định, trong quá trình cho vay vốn, GPBank không thẩm định thực tế công ty điện lực Sài Gòn, không thẩm định tính pháp lý của tài sản đảm bảo. Sau khi giải ngân, phía ngân hàng cũng không kiểm tra định kỳ sau cho vay theo quy định, không kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh... Điều này dẫn đến việc GPBank không có khả năng thu hồi nợ. Theo kết luận điều tra, hành vi sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại số tiền 961 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, Tạ Bá Long bị TAND Hà Nội tuyên phạt mức án 5 năm tù trong vụ án cùng 6 đồng phạm cho vay sai quy định 3.900 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng.