Ngày mai, vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên lại ra tòa
(Dân trí) - Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn yêu cầu tòa xử xín nhằm bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… Sau khi xem xét đơn yêu cầu của bà Thảo thì HĐXX quyết định xử kín.
Theo dự kiến ngày 29/10, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (sinh năm 1973) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Dự kiến phiên tòa kéo dài trong vòng 3 ngày, hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán cao cấp là ông Nguyễn Hữu Ba, ông Trương Văn Bình và ông Phan Đức Phương.
Ở phiên xử lần này bà Thảo có 5 luật sư mới bảo vệ, trong đó có ông Phạm Công Hùng - nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TPHCM. Phía ông Vũ vẫn là 3 luật sư theo đuổi vụ kiện từ nhiều năm qua.
Ngoài ra, tòa cũng triệu tập nhiều người tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên, công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam, ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, công ty cổ phần nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn...
Phiên tòa này sẽ được xử kín theo yêu cầu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Trước đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn yêu xầu tòa xử kín. Bà Thảo cho rằng căn cứ khoản 2 Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “trong trường hợp cần giữ bí mật Nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xét xử kín”. Từ đó, bà Thảo đề nghị HĐXX xử kín theo quy định.
Sau khi xem đơn yêu cầu bà Lê Hoàng Diệp Thảo thì HĐXX quyết định sẽ xử kín. Chỉ những người được tòa triệu tập mới được vào khu vực xét xử, báo chí được tác nghiệp đầu phiên tòa và lúc tòa tuyên án.
Theo một thẩm phán công tác tại TPHCM, căn cứ vào khoản 2, điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định tòa án xét xử công khai và trong trường hợp cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xử kín.
Như vậy, đối với các vụ án hôn nhân gia đình hay các vụ án dân sự nói chung, muốn xử kín thì bắt buộc đương sự phải có đơn yêu cầu.
Sau khi có đơn yêu cầu, HĐXX sẽ xem xét yêu cầu của họ có chính đáng hay không (có thuộc trường hợp giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình). Nếu đó là yêu cầu chính đáng, HĐXX quyết định xử kín.
Còn đối với những vụ việc mà đương sự không có yêu cầu xử kín thì tại phiên tòa đương sự vẫn có quyền yêu cầu hội đồng xét xử giới hạn những nội dung được đăng công khai hoặc không được phép đăng công khai.
Cần chú ý là tại điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh và điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, việc sử dụng hình ảnh, thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bắt buộc phải được sự đồng ý của người đó.
Theo vị thẩm phán này, trong trường hợp một bên đương sự yêu cầu xử kín, nhưng bên còn lại yêu cầu xử công khai thì HĐXX có thể xem xét xử kín. Với xu thế cải cách tư pháp như hiện nay và với việc quyền cá nhân ngày càng được đề cao thì cần thiết phải xử kín trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, việc xử kín đương sự phải yêu cầu, còn nếu không xử kín mà báo chí hay một người nào khác tham dự phiên tòa muốn đăng hình ảnh, thông tin, bắt buộc phải có sự đồng ý của họ trước khi đăng.
Xuân Duy