Ngân hàng Xây Dựng yêu cầu Phương Trang trả hơn 27.000 tỉ đồng
(Dân trí) - Đại diện Ngân hàng Xây dựng (CB) đề nghị HĐXX tuyên nhóm Phương Trang có trách nhiệm thanh toán các khoản vay cho CB với số tiền hơn 27.220 tỉ đồng, trong đó, nợ gốc là hơn 9.400 tỉ đồng, lãi là 17.700 tỉ đồng.
Ngày 26/5, phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Tại tòa, các luật sư và đại diện của CB (nguyên đơn dân sự trong vụ án) đề nghị HĐXX chấp nhận đơn yêu cầu của CB đối với căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Cụ thể, ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỉ đồng, lớn hơn nhiều so với giá trị căn nhà theo định giá nên đại diện CB đề nghị HĐXX giao căn nhà này cho ngân hàng để cấn trừ nghĩa vụ bồi thường của bà Phấn. Từ đó, bà Phấn phải bồi thường 1.105 tỉ đồng cho phía CB.
Bên cạnh đó, đại diện CB cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho nhân viên ngân hàng Đại Tín do các bị cáo có nhân thân tốt, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Về phần quy buộc bà Phấn và đồng phạm hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho công ty Phương Trang 5.256 tỉ đồng, phía CB cho rằng, cần phải xem xét lại cáo trạng về tội danh của bà Hứa Thị Phấn.
Theo CB, ngân hàng Đại Tín đã giải ngân đầy đủ 82 khoản vay cho phía công ty Phương Trang bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng vay. Đối với trường hợp giải ngân bằng hình thức chuyển khoản, không bắt buộc Ngân hàng phải giao tiền mặt cho khách hàng mới được coi là khách hàng đã nhận được tiền.
Trong trường hợp này, chỉ cần tài khoản của khách hàng vay đã được hệ thống ngân hàng ghi "có" số tiền Ngân hàng giải ngân trên tài khoản thì cũng đồng nghĩa với việc khách hàng vay đã nhận được tiền vay. Từ thời điểm này, khách hàng vay đã trở thành chủ sở hữu đối với số tiền vay và phát sinh nghĩa vụ trả nợ vay cho CB và phải tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng tiền vay.
Việc khách hàng vay sử dụng tiền vay vào việc chuyển cho bên thứ ba sử dụng là thỏa thuận riêng của khách hàng vay với bên thứ ba. Nếu giao dịch giữa khách hàng và bên thứ ba này có tranh chấp thì đây là tranh chấp giữa khách hàng vay với bên thứ ba, không liên quan đến khoản nợ mà khách hàng đã vay và Ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng.
Theo phía CB đến nay, liên quan đến 82 hợp đồng tín dụng này, không có cán bộ, nhân viên nào của ngân hàng bị kết luận là vi phạm quy định về cho vay. Cáo buộc CB không giải ngân, giải ngân thiếu… là không có căn cứ.
“Chúng tôi cho rằng nhận định trên của các cơ quan tố tụng cho rằng nhóm Công ty Phương Trang nhận được không đầy đủ tiền giải ngân, loại bỏ một phần trách nhiệm trả nợ của Công ty Phương Trang, biến dư nợ này thành thiệt hại của ngân hàng Đại Tín là không chính xác, không đúng với diễn biến sự việc trên thực tế và trái với các quy định của pháp luật về ngân hàng” – luật sư Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho CB, toàn bộ hồ sơ tài liệu có trong vụ án đều thể hiện, 16.486 tỉ đồng Đại Tín đã giải ngân nhưng nhóm Phương Trang chỉ thực nhận số tiền 3,936 tỉ đồng và chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này chưa tính lãi.
Các luật sư cho là nhận định này chưa đầy đủ vì toàn bộ số dư nợ gốc phát sinh của hội đồng tín dụng đã ký là 9.437 tỉ đồng và dư nợ lãi tính đến ngày 15/11/2017 là 16.504 tỉ đồng, tính đến 7/5/2018 là 27.220 tỉ đồng.
Xuân Duy