1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nét chữ “tố cáo” kẻ sát nhân

4 năm sau ngày gây án, Trần Nam Chung (SN 1988, ngụ tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng) đã phải tra tay vào còng chỉ vì để lộ nét chữ của mình trong một bộ hồ sơ xin việc.

Ảnh của Trần Nam Chung trên chứng minh thư
Ảnh của Trần Nam Chung trên chứng minh thư

Bạo lực học đường hóa mâu thuẫn băng đảng

Do những mâu thuẫn xảy ra trong lớp học, Cao Tuấn Anh (SN 1992, ngụ phường Đà Nẵng) đã rủ Trần Trung Kiên (SN 1989, ngụ phường Đông Khê, đều thuộc quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) đến đe dọa và đánh dằn mặt đối với bạn học của mình là Nguyễn Ngọc Anh (SN 1992, ngụ phường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền). Đám giang hồ “choai choai” này đã làm cho Ngọc Anh sợ đến “mất mật” và cứ mỗi lần đến lớp lại lo nơm nớp không biết mình sẽ bị hành hạ như thế nào.

Để chấm dứt sự sợ hãi này, và cũng chứng tỏ mình không vừa nên đến ngày 24/3/2007, Ngọc Anh nhờ các đàn anh bên ngoài xã hội của mình là Phạm Sỹ Hưng (SN 1985) cùng 4 đối tượng khác đến trường để “dạy dỗ” Tuấn Anh. Trước cổng trường, nhóm của Hưng đã dùng vũ lực đánh cảnh cáo Tuấn Anh và Kiên với mục đích để cho Ngọc Anh được yên tâm đi học.

Tưởng chừng sự việc sẽ dừng lại ở đó, nhưng đến trưa cùng ngày, ấm ức vì bị cậu học sinh “nhãi ranh” làm mình mất mặt, máu giang hồ nổi lên, Kiên đã rủ anh trai mình là Trần Nam Chung (SN 1988) cùng với một số bạn bè chiến hữu đi tìm nhóm Hưng để “nói chuyện phải quấy”. Lúc đi, Chung dắt theo trong người 1 con dao.

Cuộc gặp mặt của các “đại ca choai choai” diễn ra tại một quán nước ở khu vực Cầu Tre, quận Ngô Quyền. Một người trong nhóm Kiên đã lên tiếng xin lỗi nhóm Hưng, mong cả hai bên sẽ bắt tay giảng hòa. Tuy nhiên, sợ mất mặt trước đám đàn em nên Hưng không đồng ý, mà còn lên giọng thách thức: “Bây giờ tao không cần xin lỗi nữa, chúng mày thích gì?”. Đồng thời, trong khi chờ đồng bọn chạy đi tìm hung khí, Hưng vơ cốc trên bàn định tấn công thì bị một đối thủ đạp vào ngực ngã ngửa ra sau.

Thấy các đại ca xô xát, đám đàn em trong cả hai nhóm liền lao vào hỗn chiến với vũ khí là cốc, chai, dao tông và dao bầu, làm náo loạn cả khu vực Cầu Tre. Hậu quả của cuộc hỗn chiến này là cả 2 bên đều có người bị thương, trong đó có 3 đối tượng bị thương nặng. Trong vụ việc, Chung là kẻ tham gia đâm chém nhiệt tình nhất, đồng thời gây ra những vết thương chí mạng cho đối thủ.

Ngay sau khi cuộc “nói chuyện bằng dao” chấm dứt, các đối tượng nói trên đều bị cơ quan công an bắt giữ, riêng Chung nhanh chân bỏ trốn khỏi địa phương. Đến ngày 18/10/2007, cơ quan CSĐT Công an TP.Hải Phòng đã ra quyết định truy nã đối với Trần Nam Chung về hành vi giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự vì hồ sơ vụ án thể hiện việc không có người chết là nằm ngoài chủ ý của Chung.

Lộ hình tích

Sau gần 4 năm truy tìm hung thủ không có kết quả, bất ngờ các trinh sát nhận được thông tin Trần Nam Chung hiện có 2 anh trai đang làm ăn sinh sống tại 2 tỉnh phía Nam là Đồng Nai và Bình Dương. Đặc biệt, vào giữa năm 2011, có người khi vào Đồng Nai chơi đã nhìn thấy Chung đang lẩn trốn ở khu vực này. Từ những thông tin quý giá trên, các mũi trinh sát được tiếp tục huy động để truy tìm tung tích kẻ thủ ác.

Đến tháng 6/2011, các trinh sát đã xác minh được thông tin Chung đang làm công nhân tại một công ty trong khu công nghiệp ở phường Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai). Ngay sau đó, tổ công tác của chuyên án mang tên 711T do đồng chí Nguyễn Hồng Nam (Đội trưởng Đội 2 phòng PC52 - Công an TP.Hải Phòng) làm tổ trưởng đã vào Đồng Nai để truy bắt đối tượng.

Trong vai người đi tìm việc, tìm nhà, các trinh sát đã xác minh ở khoảng 10 công ty lớn và hàng chục dãy nhà trọ đông đúc của công nhân. Thế nhưng suốt hơn nửa tháng trời ròng rã, tên tội phạm cáo già đánh hơi thấy nguy hiểm nên “lẩn như chạch”, liên tục chuyển chỗ ở, khiến việc tìm kiếm nhiều lúc rơi vào bế tắc.

Thế nhưng “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”, sự kiên trì truy tìm của cảnh sát rồi cũng mang lại kết quả. Vào một buổi tối cuối tháng 7/2011, trong vai một người xa nhà buồn chán tìm đến rượu giải khuây, đội trưởng Nguyễn Hồng Nam đã đến quán rượu ở gần một số khu trọ để dò hỏi thông tin. Bất ngờ có một thanh niên ở bàn bên cạnh mang chai rượu sang mời anh vài ly.

Qua mấy lời xã giao, đội trưởng Nam biết người thanh niên xởi lởi này cũng thuộc dạng có số có má và giao du với khá nhiều băng nhóm trên địa bàn. Thế là anh hồ hởi bắt chuyện và giả vờ kể khổ rằng đang phải đi tìm một người ôm tiền của mình bỏ trốn. Tin là thật, gã thanh niên nhiệt tình hỏi người đó có hình dáng như thế nào.

Đội trưởng Nam mở tấm ảnh của tên Chung trên điện thoại di động, người thanh niên nhìn qua rồi tỏ vẻ vui mừng: “Thằng này em biết, anh cứ uống thoải mái đi, mai em dẫn anh đi tìm nó. Em rất ấn tượng với thằng này vì đã nhậu cùng nó một lần, và em còn cho nó gục luôn tại bàn nữa cơ anh ạ”. Nghe cách nói chắc như đinh đóng cột, đội trưởng Nam hy vọng cuộc gặp gỡ này sẽ trở thành bước ngoặt trong việc bắt giữ tên tội phạm nguy hiểm.

Trước những diễn biến có lợi, kế hoạch xác minh và vây bắt Chung được triển khai một cách khẩn trương. Các trinh sát tiếp tục hóa trang quanh khu trọ, đồng thời bí mật rà soát danh sách toàn bộ các công nhân trong công ty. Bằng sự nhạy bén trong nghiệp vụ, các trinh sát tin chắc rằng đã tìm ra “cái đuôi” của “con cáo” Trần Nam Chung.

Nét chữ “tố” kẻ sát nhân

Trong lúc rà soát hàng nghìn bộ hồ sơ của các công nhân ở công ty, một lá đơn xin việc mang tên Trần Quốc Việt đã khiến các trinh sát đặc biệt chú ý vì nét chữ nhìn rất quen. Đối chiếu với hồ sơ làm chứng minh thư của tên Chung, các trinh sát nhận thấy nét chữ trong đơn rất giống với nét chữ của tội phạm này, đặc biệt ở phần chữ ký. Ngoài ra, điều khiến các trinh sát thêm khẳng định đây là đối tượng bởi cái tên Trần Quốc Việt là tên một người anh trai của Chung. Rất có thể, Chung đã sử dụng tên của anh trai mình để làm vỏ bọc đi xin việc làm.

Tuy nhiên, là một gã giang hồ lọc lõi, nên khi tổ công tác xuống xưởng nơi tên Chung đang làm việc thì hắn đã kịp đánh hơi thấy nguy hiểm và bỏ trốn trước đó vài phút. Cách thức bỏ trốn của tên tội phạm này một lần nữa cho thấy mức độ liều lĩnh của hắn. Chung giả vờ đi vệ sinh rồi trèo qua bờ tường cao mấy mét có cả dây thép gai của công ty để bỏ trốn, nhưng vẫn không quên nhờ người khác quẹt thẻ nhân viên hộ mình để chấm công.

Quyết tâm không để tên tội phạm nguy hiểm chạy thoát, suốt đêm hôm đó, dưới cơn mưa tầm tã của trời Nam Bộ và cơ man nào là vắt, các trinh sát vẫn quyết tâm mật phục trước căn nhà mà Chung đang trú ngụ. Bởi trong quá trình lẩn trốn, hắn đã kịp cưới một cô gái người địa phương, trước khi “cao chạy xa bay”, kiểu gì hắn cũng phải tạt qua nhà.

Đúng như dự đoán, đến nửa đêm, sau một hồi ngó nghiêng xung quanh và không thấy gì khả nghi, Chung đã quay trở về nhà gõ cửa. Ngay khi người vợ vừa hé cửa đón chồng, tổ công tác đã ập vào bắt gọn tên tội phạm nguy hiểm. Dù đã tạo vỏ bọc hoàn hảo là anh công nhân hiền lành, chăm chỉ với niềm tin sẽ không ai phát hiện ra, nhưng trước sự quyết tâm và mưu trí của các trinh sát, cuối cùng kẻ thủ ác vẫn phải cúi đầu trở về chịu án.

Theo Ngọc Điệp
Pháp luật Việt Nam