1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nam thanh niên tật nguyền giết người vì chiếc đèn pha xe máy

(Dân trí) - Tranh cãi về trách nhiệm sửa chiếc đèn pha bị vỡ sau vụ va chạm giao thông, Lê Công Tương đâm anh Trần Quý Ngọc tử vong.

Bị cáo Lê Công Tương ngồi xe lăn tại phiên tòa phúc thẩm cấp cao sáng ngày 24/8/2017
Bị cáo Lê Công Tương ngồi xe lăn tại phiên tòa phúc thẩm cấp cao sáng ngày 24/8/2017

Ngày 24/8, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án “Giết người” đối với bị cáo Lê Công Tương (SN 1990, trú tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).

Ngày 24/7/2015, giữa anh Trần Quý Ngọc và ông Thu (bố Tương) có xảy ra va chạm giao thông. Theo thỏa thuận giữa hai bên thì anh Ngọc có trách nhiệm sửa chữa chiếc xe máy bị hư hỏng của ông Thu.

Ngày 13/9/2015, Tương gọi điện cho anh Ngọc đến quán, kiểm tra xe đã sửa chữa để lấy về. Do Tương bị cụt cả hai chân (hậu quả một vụ tai nạn giao thông từ năm 2011) nên được Đậu Minh Nam chở bằng xe máy đến quán sửa xe.

Tại đây, Tương yêu cầu anh Ngọc phải có trách nhiệm đối với chiếc đèn pha bị vỡ do va chạm nhưng anh này không đồng ý. Hai bên xảy ra cự cãi, thách thức lẫn nhau. Lê Công Tương rút dao, đâm một nhát vào bụng anh Ngọc khiến nạn nhân tử vong.

Phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Tương 13 năm tù về tội “Giết người”, buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại 99 triệu đồng mai táng phí, tổn thất tinh thần; cấp dưỡng nuôi con anh Ngọc mỗi tháng 600 nghìn đồng cho đến khi cháu trưởng thành.

Đại diện hợp pháp của người bị hại đã có đơn kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng cơ quan chức năng đã để sót người, lọt tội. Vợ bị hại cho rằng Tương bị cụt hai chân, phải có đồng phạm hoặc có người khác giết chồng mình chứ không phải Lê Công Tương.

Tại phiên tòa, Tương khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng nêu. Lời khai của những người có mặt tại hiện trường đều xác định Tương là người trực tiếp dùng dao đâm anh Ngọc.

Trong đơn kháng cáo, chị Mẫn còn cho rằng, khi cấp cứu, hồ sơ bệnh viện ghi anh Ngọc nhóm máu O. Trong kết luận giám định pháp y thì anh Ngọc lại có nhóm máu A. Với sai lệch này, đại diện hợp pháp cho người bị hại yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, lấy nhóm máu của những người có mặt tại hiện trường vụ án để phục vụ điều tra.

Liên quan đến nội dung này, Phòng kỹ thuật hình sự CA tỉnh Nghệ An (PC54) đã có văn bản trả lời, khẳng định máu thu thập tại hiện trường máu của anh Trần Quý Ngọc, nhóm máu O. Biên bản giám định ghi nhóm máu của anh Ngọc là nhóm máu O, kết luận giám định và dấu vết máu thu tại hiện trường ghi nhóm máu A là do nhầm lẫn trong quá trình đánh kết luận giám định trên máy vi tính.

Tại phiên tòa, giám định viên cũng khẳng định vấn đề trên. Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An sẽ có văn bản đính chính kết luận giám định về sự nhầm lẫn này. Chủ tọa cho rằng không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để phục hồi điều tra như yêu cầu của đại diện hợp pháp người bị hại.

Sau khi tranh luận, trên cơ sở xem xét toàn diện vụ án, HĐXX không chấp nhận kháng cáo hủy bản án sơ thẩm của đại diện hợp pháp của người bị hại. HĐXX tuyên giữ nguyên mức án 13 năm tù đối với bị cáo Lê Công Tương; buộc bị cáo bồi thường tổng cộng 120 triệu đồng, cấp dưỡng nuôi con bị hại mỗi tháng 800 nghìn đồng/tháng đến khi cháu trưởng thành.

Hoàng Lam