Mua AVG căn cứ các báo cáo “què quặt”
(Dân trí) - Tại phần thẩm vấn, các bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng thành viên và Phó Tổng Giám đốc MobiFone thừa nhận đã ký khống vào biên bản các cuộc họp. HĐXX nhận định, việc căn cứ vào các báo cáo “què quặt” như vậy là có vấn đề.
Phiên xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) sáng 17/12 tiếp tục với phần xét hỏi. Bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) bị cách ly khỏi phòng xử án để thẩm vấn các bị cáo khác.
Ký khống vì nể nang!
Theo cáo buộc, với vai trò, trách nhiệm là thành viên HĐTV MobiFone, biết tình hình tài chính của AVG khó khăn, giá mua chênh lệch lớn so với giá trị thể hiện trên sổ sách kế toán, nhưng bị cáo Phan Thị Hoa Mai vẫn biểu quyết đồng thuận cùng HĐTV báo cáo Bộ TTTT xem xét, phê duyệt “Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone” (Dự án).
Bị cáo Mai tham gia cuộc họp của HĐTV thông qua Văn bản số 5054 của Ban Tổng Giám đốc MobiFone (báo cáo bổ sung danh mục và phê duyệt dự án đầu tư truyền hình), tham gia cuộc họp do Bộ TTTT chủ trì cùng với các thành viên HĐTV, Ban Tổng Giám đốc MobiFone và AVG thống nhất giá mua là 8.898,3 tỷ đồng, tương đương 95% cổ phần của AVG.
Ngoài ra, bị cáo Phan Thị Hoa Mai còn tham gia ký khống 2 biên bản họp HĐTV ngày 5/10/2015 và ngày 25/12/2015.
Tại tòa, bà Mai thừa nhận được tiếp cận dự án thông qua các báo cáo của Ban Tổng Giám đốc tại các cuộc họp của HĐTV, nhưng không được phân công nhiệm vụ cụ thể trong HĐTV, không được cung cấp tài liệu có liên quan đến dự án để nghiên cứu theo quy định của quy chế làm việc.
Trình bày trước tòa, bị cáo Mai khai, trong cuộc họp giữa MobiFone và AVG, bị cáo có ý kiến về việc định giá có sự khác biệt lớn so với giá trị sổ sách cũng như đề nghị kiểm toán để lãnh đạo MobiFone thận trọng đánh giá. Tuy nhiên, ý kiến này không được Chủ tịch HĐTV MobiFone lưu tâm.
“Bị cáo thấy trách nhiệm trong tham mưu, chỉ đạo thực hiện Quyết định 236 không? Quyết định 236 có sai không?”- tòa hỏi.
Bị cáo Mai cho rằng, với Quyết định 236, lúc đó bà nhận thức là đúng vì hoàn toàn tin tưởng vào cấp trên cũng như nhiều bộ ngành đã có ý kiến.
“Lúc đó, do sự kém hiểu biết về pháp luật nên nhận thức như vậy, nhưng sau đó bị cáo đã thấy là sai. Tôi có phần sai phạm cùng tập thể HĐTV trong việc ra các quyết định mà tôi biểu quyết đồng ý, tham gia ký vào biên bản.” - bị cáo Mai nói.
Bị cáo Hồ Tuấn (cựu thành viên HĐTV MobiFone, cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) cũng thừa nhận tham gia các cuộc họp như cáo trạng đã nêu cũng như đã ký khống biên bản họp HĐTV ngày 5/10/2015 và biên bản họp Ban Tổng giám đốc ngày 24/12/2015.
“Lúc đó mọi việc ký hợp đồng mua AVG và chuyển tiền đều đã xong, tôi được yêu cầu ký 2 văn bản để hoàn thiện thủ tục. Do nể nang, thiếu hiểu biết nên tôi đã ký dù biết nó không ảnh hưởng gì đến kết quả dự án.” - bị cáo Hồ Tuấn khai nhận.
Mua AVG căn cứ các báo cáo “què quặt”
Trước tòa, bị cáo Phạm Thị Phương Anh cho biết, với vai trò, trách nhiệm là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính, kế toán, bị cáo được phân công làm Tổ trưởng Tổ giúp việc, Tổ trưởng Tổ đàm phán thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG.
Bà Phương Anh bị cáo buộc biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần cao so với giá trị của AVG thể hiện trên sổ sách kế toán nhưng cùng Ban Tổng Giám đốc ký các báo cáo trình HĐTV; ký Quyển dự án để HĐTV trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án; thống nhất MobiFone mua AVG với giá 8.898,3 tỷ đồng.
Khi nhận trước tòa, bà Phương Anh nói, thời điểm đó, bà không nhận thức được sai phạm nhưng khi cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc thì bản thân thấy trách nhiệm của mình.
“Khi thực hiện dự án bị cáo không biết là sai vì nếu biết là sai thì sẽ không làm.” - bà Phương Anh nói.
“Ý kiến của bị cáo liên quan đến dự án luôn nêu quan điểm rằng thực hiện mua AVG là khả thi, là tốt. Căn cứ vào đâu để trình HĐTV và Ban Tổng Giám đốc như vậy?” - tòa truy.
Trả lời HĐXX, bị cáo Phương Anh cho biết, bị cáo căn cứ báo cáo đơn vị tư vấn và cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, theo HĐXX, việc căn cứ vào các báo cáo “què quặt” như vậy là có vấn đề.
Sau khi có Quyết định phê duyệt Dự án, bà Phương Anh đã thực hiện việc thu xếp, bố trí nguồn vốn để thanh toán cho các cổ đông chuyển nhượng của AVG không đúng như phương án ban đầu; tham gia ký khống biên bản họp Ban Tổng Giám đốc để hợp thức hoá thủ tục.
Với tư cách Phó Tổng Giám đốc MobiFone, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng được phân công làm Tổ trưởng tổ đánh giá kinh doanh, Tổ phó tổ đàm phán thương vụ MobiFone mua AVG. Ông Hùng khai, ông đã có 2 báo cáo đánh giá tổng quan về truyền hình kỹ thuật số, không chỉ AVG; báo cáo về tổng quan thị trường quảng cáo truyền hình đến năm 2020. Theo báo do ông Hùng ký, AVG có tiềm năng về quảng cáo.
Đối với văn bản số 5054, theo ông Hùng, xét thấy văn bản này có nội dung báo cáo, kiến nghị của mình nên ông đã ký. Cựu Phó Tổng GĐ MobiFone khai, trong phân công của công ty đã thành lập các tổ. Về kinh doanh, bị cáo đã có kiến nghị trong báo cáo đánh giá, nêu những bất thường trong số liệu kinh doanh của AVG.
Bị cáo Nguyễn Bảo Long với vai trò Phó TGĐ MobiFone, được phân công là Tổ trưởng tổ đánh giá về kỹ thuật. Ông Long đã đề xuất ký biên bản ghi nhớ với AVG, theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc MobiFone khi đó là bị cáo Lê Nam Trà.
Tháng 3/2015, trong một cuộc họp, bị cáo Long có gặp Bộ trưởng Bộ TTTT thời điểm đó là ông Nguyễn Bắc Son. Ông Son hỏi thông tin về Dự án MobiFone mua cổ phần của AVG và nói “đang làm thế nào thì cứ làm cho tốt”.
Ông Long cùng Ban Tổng giám đốc ký Quyển dự án để HĐTV MobiFone trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án. Ông Long cho rằng, bản thân không đủ nhận thức các phần khác để có văn bản phản bác dự án.
“Không đủ nhận thức tại sao vẫn ký?” - HĐXX truy vấn. Bị cáo Long trả lời vòng vo.
“Bị cáo có ghi rằng chỉ ký về kỹ thuật không? - tòa hỏi tiếp.
“Đó là sai sót của bị cáo.” - ông Long nói.
Tiến Nguyên