Mở tiệc, gây ra hỏa hoạn làm 3 người chết: Chủ quán bị xử lý thế nào?
(Dân trí) - Nhiều luật sư nhận định, việc chủ quán bar mở tiệc sinh nhật nội bộ dù đang bị tạm dừng hoạt động dẫn đến hỏa hoạn làm 3 người tử vong có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Ngày 3/11, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực điều tra, khám nghiệm hiện trường quán bar X5, thuộc địa bàn thị trấn Tứ Trưng (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị cháy khiến 3 cô gái trẻ tử vong.
Quán bar này do ông T.V.T (SN 1986, người địa phương) làm chủ. Vào tối 2/11, quán bar X5 đang bị tạm dừng hoạt động để khắc phục tồn tại, thiếu sót về quy định phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, chủ quán vẫn tổ chức lễ kỷ niệm 1 năm quán hoạt động, hỏa hoạn xảy ra tại buổi tiệc này.
Phân tích hậu quả nghiêm trọng khiến 3 người thiệt mạng, ông Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, chủ cơ sở kinh doanh có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điểm a Khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo luật sư Tiền, hoạt động kinh doanh quán bar là một trong những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (dịch vụ kinh doanh dịch vụ vũ trường, được quy định tại Điều 5 - Nghị định 54/2019/NĐ-CP).
Chủ cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy định để đảm bảo các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định.
“Trong vụ việc trên, mặc dù quán bar đang tạm dừng hoạt động và đã có hệ thống phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa được nghiệm thu và còn thiếu một số thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Và rồi, hậu quả đáng tiếc đã xảy ra” - ông Tiền lập luận.
Cùng chung quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, quán bar là cơ sở kinh doanh, không phải là nhà riêng.
Khi tổ chức tiệc sinh nhật nội bộ, các thiết bị, vật dụng trong quán được sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.
“Trong khi đó, dù đã được cơ quan chức năng tạm đình chỉ để khắc phục thiết sót về phòng cháy, chữa cháy nhưng chủ quán vẫn tổ chức tiệc sinh nhật, tụ tập đông người. Vì vậy, vụ hỏa hoạn có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, được quy định trong Bộ luật Hình sự” - ông Thơm bày tỏ.
Đề cập nguyên nhân ban đầu của vụ hỏa hoạn, luật sư Tiền cho biết, tai nạn do bóng bay bơm khí hydro xảy ra rất nhiều và để lại hậu quả thương tâm nhưng công tác quản lý các cơ sở điều chế loại khí này vẫn còn lỏng lẻo và chưa có cơ chế xử phạt rõ ràng.
Các loại bình nén khí hydro hầu hết là bình cũ, tái chế, không qua kiểm tra định kỳ của cơ quan chức năng nên nhiều bình nén khí có kim đo áp suất sai lệch, dẫn đến bóng bay bị bơm thường quá căng, dễ phát nổ.
“Hiện nay, việc quản lý và hướng dẫn các biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở điều chế hydro theo phương pháp thủ công chưa được quan tâm đúng mức nên chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ”- ông Tiền thông tin thêm.
Trước đó, vào tối 2/11, khi tổ chức tiệc sinh nhật nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày quán bar hoạt động, một người trong quán bar đã đốt pháo điện. Tia lửa từ pháo điện đã bén vào bóng bay bơm khí hydro treo trên trần làm quả bóng phát nổ và gây ra cháy.
Dù lực lượng chức năng đã tích cực triển khai công tác cứu nạn và khống chế ngọn lửa nhưng vụ hỏa hoạn vẫn khiến 3 nạn nhân tử vong do ngạt khí.
Danh tính các nạn nhân gồm: Lê Thanh T. (SN 2001, trú tại Hà Nội), Phan Thu P. (SN 2002, trú tại Hà Nội) và Trần Ánh N. (SN 2002, trú tại tỉnh Lào Cai).
Theo Thượng tá Bùi Minh Tiến - Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 15/9 vừa qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã lập biên bản kiến nghị tạm dừng hoạt động để chủ cơ sở khắc phục tồn tại, thiếu sót về quy định phòng cháy, chữa cháy.