Thanh Hóa
Mở lại phiên xét xử băng nhóm “tín dụng đen” lớn nhất nước
(Dân trí) - Sau nhiều lần hoãn, sáng 11/2, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia của Công ty tài chính Nam Long.
Trước đó, phiên tòa đã phải hoãn rất nhiều lần do gần 100 người được triệu tập đến tòa vì có nghĩa vụ liên quan đã không đến đủ.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1988, ở phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM); Đoàn Minh Cương, Trần Văn Phiên (SN 1991); Bùi Văn Chung (SN 1992), Nguyễn Thành Long (SN 1988), Vũ Văn Thanh (SN 1989), Ngô Văn Chương (SN 1988), Đặng Việt Hà (31 tuổi, trú tại Tân Thành, Kinh Dương, Hải Phòng); Đào Anh Tài (28 tuổi, trú tại phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM); Nguyễn Văn Lữ (26 tuổi, trú tại phường Đông Hải, quận Hải An, Hải Phòng) và Mai Quang Anh (22 tuổi, trú tại Đại Bản, An Dương, Hải Phòng); Vũ Văn Hoàng (SN 1994), Đồng Văn Tùng (SN 1989); Trần Hồng Phong (SN 1985), Nguyễn Cao Thắng (SN 1984).
Các bị cáo bị truy tố về các tội “Giữ người trái phép”, “Cố ý gây thương tích”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 7/2017, Nguyễn Cao Thắng và Nguyễn Đức Thành cùng nhau góp vốn làm ăn chung dưới hình thức cho vay lãi, lấy tên Công ty Tài chính Nam Long (nhưng không đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng), đặt trụ sở chính tại số 393/5 Trần Hưng Đạo, P. Cầu Kho, Q.1, TP. Hồ Chí Minh do Nguyễn Đức Thành làm giám đốc.
Để quản lý hoạt động cho vay, Nguyễn Đức Thành đã lập 6 miền, mỗi miền phụ trách hoạt động cho vay từ 2 đến 5 khu vực, bổ nhiệm một người làm quản lý miền. Tổng cộng có 25 chi nhánh Công ty ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mỗi chi nhánh Công ty (khu vực) phụ trách hoạt động cho vay từ 2 đến 4 tỉnh, bổ nhiệm một người làm quản lý khu vực. Mỗi khu vực đều thuê nhà làm trụ sở giao dịch, thực hiện việc cho vay và sinh hoạt cho cả quản lý cùng nhân viên chi nhánh, lấy vỏ bọc đăng ký kinh doanh là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Kỹ thuật xây dựng Thành Nam.
Quá trình hoạt động từ cuối năm 2017 đến tháng 6/2018, Nguyễn Đức Thành và các đồng phạm (gồm quản lý 6 miền và quản lý 24 khu vực) đã cho 95 khách hàng trên cả nước vay tổng số tiền 32.600.000.000đ, với lãi suất cho vay từ 182,5 đến 365%/1 năm, (cao hơn so với quy định từ 82,5 đến 265%/1 năm) thu lời bất chính tổng số tiền 8.635.496.000đ.
Ngày 06/7/2018, Nguyễn Văn Minh- là nhân viên thu nợ của Công ty Nam Long lấy xe mô tô nhãn hiệu Jupiter màu đỏ đen của chi nhánh Công ty (khu vực 21) đóng tại tỉnh Bắc Cạn đi đòi nợ được 16,5 triệu đồng sau đó bỏ trốn.
Ngày 09/7/2018, Nguyễn Đức Thành chỉ đạo Trần Văn Phiên, Đoàn Minh Cương Bùi Văn Chung, Nguyễn Thành Long, Vũ Văn Thanh và Ngô Văn Chương lên Sóc Sơn, Hà Nội, tìm lấy lại xe mô tô cùng 16,5 triệu đồng và đánh, gây thương tích cho Nguyễn Văn Minh. Sáng ngày 10/7/2018, Ngô Văn Chương - Quản lý khu vực 18 đưa Nguyễn Văn Minh về giữ tại tầng 3 chi nhánh Công ty tại lô 07, đường Bà Triệu, P. Đông Thọ, TP. Thanh Hóa.
Ngô Văn Chương cử người theo dõi, không cho Nguyễn Văn Minh ra khỏi nhà, không cho sử dụng điện thoại. Đến ngày 19/7/2018, thấy Nguyễn Văn Minh kêu đau, khó thở, Ngô Văn Chương đưa Nguyễn Văn Minh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu nhưng Nguyễn Văn Minh đã tử vong sau đó.
Theo kết luận giám định, Nguyễn Văn Minh chết do: Suy tuần hoàn do dập, rách lá lách trên cơ thể đa chấn thương.
Hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Thành và các đồng phạm được nhận định là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác; xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân; mà còn xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng, cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an trên địa bàn cả nước, cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài từ 11/2 đến 14/2/2020.
Bình Minh