1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Mang thai 6 tháng vẫn "tiếp khách" ngày đêm để kiếm sống

Nghe chuyện của H, có lẽ chẳng mấy ai tin, khi một cô gái mang thai 6 tháng vẫn làm "tiếp viên" phục vụ quán karaoke, để đám đàn ông háo sắc vày vò trong men bia rượu...

Biết bao cô gái cũng chỉ vì chơi bời mà sa ngã?
Biết bao cô gái cũng chỉ vì chơi bời mà sa ngã?

Tiền của đàn ông chẳng qua là sự thương hại

4 tháng sống xa nhà, lang bạt ở Hà Nội với H chẳng dễ dàng gì, nhất lại là khi H đang mang thai. Rời bỏ gia đình nghĩa là cô gái ấy đã chấp nhận tự kiếm sống.

H xuống Hà Nội, phần vì trốn gia đình, sợ bố mẹ biết sẽ bắt cô từ bỏ đứa con cô đang mang trong bụng, phần vì muốn đến một nơi mà không ai biết mình là ai, nơi ấy, dù không có tiền xúng xính, dù ăn đói mặc rét cô cũng cam lòng. Thời gian đầu, cô cầm số tiền ít ỏi bố mẹ cho rồi đi thuê nhà nghỉ, sau đó kiếm việc làm. Cô thấy người ta tuyển gì thì cô đi xin ở đấy. Nhưng khi nói về cái thai, không một ai chấp nhận, họ đuổi H đi như đuổi một con hủi...

Cuối cùng, cô tìm đến một nơi mà người ta “chỉ tuyển” nhân viên nữ.

Cô không nhớ rõ lúc ấy cô được nhận vào thế nào, hình như cô đã khóc khi nói cần tiền vì cô đang mang thai.

Cái thai mới hai tháng tuổi, nên chưa thấy bụng, hơn nữa, H lại có khuôn mặt xinh xắn, ưa nhìn nên “ông chủ” nhận H ngay và bảo: “Em về đây mà làm, tranh thủ kiếm tiền nuôi con em ạ! Anh thấy thương em và đứa trẻ nên mới nhận em, chứ ở nơi khác thì không ai nhận em đâu”. H nuốt nước mắt gật đầu.

"Ngay từ giờ phút em gật đầu, nghĩa là em đã trở thành "gái" rồi chị ạ! Em biết là sẽ rất ê chề, nhục nhã, nhưng thực ra công việc cũng nhẹ nhàng. Em chỉ cần đến quán hát và để cho đàn ông họ khoác vai, ôm eo, nắm tay và hát cùng họ, uống cùng họ thôi...”, H tâm sự.

H (trái) trở thành một cô gái sành điệu, sẵn sàng chiều lòng khách
H (trái) trở thành một cô gái "sành điệu", sẵn sàng chiều lòng khách

Bỏ mấy chục nghìn ra chợ sinh viên mua son phấn rẻ tiền, rồi những bộ váy hàng thùng…, bỗng chốc, H trở thành một cô gái "sành điệu", với nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, sẵn sàng chiều lòng khách từ ly rượu, đến cốc bia.

Thời gian sau, khi cái thai lớn dần, nhiều khách cũng nhận ra, định đuổi H về, để thay “em” mới, nhưng khi nghe H kể chuyện của mình, họ cũng nghe và tỏ ra thương cảm. “Em phải bảo họ là có thể bớt tiền của em đi cũng được, miễn đừng đuổi em về” – H nhớ lại. Tất nhiên, sau đó chẳng ai bớt tiền của H cả, và cô nghĩ, chẳng qua đó cũng chỉ là sự thương hại mà thôi.

Cái thai to lên đồng nghĩa với việc H “đi làm” ít hơn. H thuê nhà nghỉ rẻ tiền với giá 200.000 đồng/ngày, chứ không ở nhà trọ như những “đồng nghiệp” khác, vì cô sợ bệnh tật, và sợ nhất là không an toàn. Cô cũng phải chịu những cơn ốm nghén hành hạ, mà không có người chăm sóc. Rồi đứa bé càng lớn thì nó đạp càng nhiều, nhất là khi H đi làm. Có những lúc tiếp khách, đứa bé đạp vào bụng khiến cô rất đau, nhưng vẫn cố gượng cười, cũng chỉ vì đồng tiền để nuôi sinh linh bé nhỏ ấy.

H (trái) trở thành một cô gái sành điệu, sẵn sàng chiều lòng khách
Lò Thị H (ngoài cùng bên trái) thu mình dưới ánh đèn cao áp vỉa hè, khi bị lực lượng công an tạm giữ

Ân hận nhưng không thể quay về…

Từ ngày H xuống Hà Nội, bố mẹ cô không thèm hỏi han gì, nhưng H bảo: “Em tin bố mẹ vẫn rất thương em và mở rộng tay đón em trở về, nhưng em đã không còn đường về nữa rồi chị ạ!”. Thi thoảng bị ốm, H gọi điện về, thì bố mẹ gửi cho 2, 3 triệu đồng để chữa bệnh. Ngày nào khỏe là ngày đó H lại “đi làm”. Tiền chẳng kiếm được là bao nhưng ít nhất, cô không phải bỏ đứa bé. Có lẽ, đứa bé chính là động lực sống, tiếp thêm nghị lực để cô không gục ngã giữa đường đời.

4 tháng qua, Lò Thị H, từ một tiểu thư được gia đình cưng chiều ở "phố núi", trở thành một “gái gọi”. H không thể đếm nổi, bao nhiêu đêm mình khóc cho đến khi mệt nhoài, rồi thiếp đi trong mộng mị. Cô nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè, nhớ thầy cô và trường lớp, nhớ cả những trò đùa học sinh của một thời hồn nhiên, vô tư. Giờ đây, chỉ còn lại khuôn mặt dày dạn và lòe loẹt son phấn. Bao nhiêu đêm cô tự dày vò mình và cảm thấy vô cùng ân hận...

“Em sợ lắm! Em muốn về nhà lắm, nhưng em về hàng xóm sẽ nghĩ thế nào về gia đình em? Rồi bác em nữa. Em không muốn thanh danh của bác em bị ảnh hưởng. Họ không có tội. Tội lỗi là do em”, H dằn vặt vẻ đau khổ.

H luôn miệng nhận tội về phía mình và chỉ mong hình ảnh cô dù “bẩn”, nhưng cũng không bị đưa lên báo để gia đình cô tiếp tục sống yên bình.

Phận gái nhà hàng karaoke cũng nhiều nước mắt
Phận "gái nhà hàng karaoke" cũng nhiều nước mắt

Khi lực lượng chức năng đưa H cùng nhiều cô gái khác lên xe, bàn giao cho công an phường xử lý, H tiếp tục cúi mặt, tay đưa lên gạt dòng nước mắt lã chã rơi. Trước khi chiếc xe chuyển bánh, cô gái ấy còn quay lại nhìn rôi một lần nữa, ánh mắt như khẩn cầu…

Trời về khuya, giữa bóng tối nhợt nhạt màu vàng của ánh đèn cao áp, người đi lại thưa dần… Những cửa hàng, cửa hiệu cũng bắt đầu đóng cửa. Cuộc sống về đêm sẽ bớt ồn ào…

Những con phố sẽ bớt... nóng, bớt đi những chiếc xe kẹp 4, kẹp 5...
Những con phố sẽ bớt... nóng, bớt đi những chiếc xe "kẹp 4", "kẹp 5"...

Sau những ngày vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, trên những con phố “nóng”, sẽ bớt đi bóng dáng những chiếc xe "kẹp 4", "kẹp 5", lạng lách trên đường, trong những bộ trang phục thiếu vải đến... nóng mắt các đấng mày râu. Thủ đô sẽ trở lên bình yên và “sạch sẽ” hơn, nhưng đâu đó, có những con người như H, vẫn âm thầm tìm cách kiếm sống bằng nhan sắc và phẩm hạnh của mình. Đơn giản, chỉ 3 tháng nữa thôi, sinh linh nhỏ bé trong bụng cô sẽ chào đời, cô cần tiền cho bản thân, cho sinh linh ấy.

Cô không đủ dũng cảm để về quê, trong khi cha mẹ cô có tiền, gia đình thuộc loại khá giả, nhưng cũng vì cái danh dự hão mà không đón con về. Tự mình không được, cũng không một ai "giúp" cô thoát khỏi cảnh quẫn bách này, chắc chắn cô tiếp tục con đường ngày ngày đến các điểm karaoke, để đám đàn ông háo sắc vày vựa, nhằm kiếm chút tiền giúp 2 mẹ con cô sống được đến ngày mai...

Theo An Anh
An ninh thủ đô