1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Luật sư của Trịnh Văn Quyết: Vụ án chỉ có 133 bị hại

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo luật sư của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, vụ án này chỉ có 133 bị hại - là những nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán.

Bước vào ngày xét xử thứ 5, phiên tòa vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chuyển sang phần tranh tụng. 

Các bị cáo có trình độ, am hiểu về pháp luật, chứng khoán

Bắt đầu phiên làm việc, đại diện VKSND TP Hà Nội đã công bố bản luận tội cũng như mức án đề nghị phạt đối với 50 bị cáo.

Theo VKS, trong vụ án này, phần lớn các bị cáo có trình độ, hiểu biết pháp luật, một số bị cáo có sức ảnh hưởng, có quyền quyết định đã chỉ đạo, điều hành các pháp nhân thuộc hệ sinh thái cùng thực hiện hành vi trái pháp luật.

"Một số bị cáo am hiểu sâu về thị trường chứng khoán đã cố ý thực hiện hành vi trái luật, gây hậu quả đặc biệt lớn, làm giảm uy tín của cơ quan Nhà nước, tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư,", VKS công bố bản luận tội.

Luật sư của Trịnh Văn Quyết: Vụ án chỉ có 133 bị hại - 1

Đại diện VKS (Ảnh: H.N.).

Đánh giá về cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, VKSND cho biết thủ đoạn phạm tội của bị cáo này mới và rất tinh vi.

Ông Quyết đã lợi dụng sự sơ hở của pháp luật về góp vốn chủ sở hữu, thủ tục niêm yết cổ phiếu; sử dụng Công ty Faros làm công cụ và Sàn HoSE là phương tiện để niêm yết bán cổ phiếu ROS, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư chứng khoán.

VKS ghi nhận thái độ tích cực hợp tác và nguyện vọng của ông Quyết về việc khắc phục hậu quả, nhưng trên thực tế, cơ quan tố tụng cho rằng mới chỉ có cơ sở xác định bị cáo Quyết đã khắc phục được hơn 240 tỷ đồng. 

Cơ quan tố tụng cáo buộc ông Quyết phạm 2 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán, với hậu quả phải chịu trách nhiệm là hơn 4.300 tỷ đồng.

Tổng hình phạt mà ông Quyết bị VKS đề nghị là 24-26 năm tù.

Đề nghị xác định lại bị hại

Bào chữa cho cựu Chủ tịch FLC, luật sư Vũ Đặng Hải Yến khẳng định sẽ không phủ nhận các nội dung trong kết luận điều tra và cáo trạng. Song theo luật sư, cáo buộc trong bản luận tội của VKS "quá nghiêm khắc".

Sau đó, phần lớn nội dung mà luật sư trình bày liên quan đến xác định bị hại của vụ án. Theo luật sư, vụ án này chỉ có 133 bị hại chứ không phải 30.403 người như cáo buộc.

Lập luận của luật sư cho rằng, theo cáo trạng và luận tội của VKS, bị hại đang được chia làm 2 nhóm: Nhóm 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu (hiện chưa bán) và nhóm 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu (không phân biệt đã bán hay vẫn đang sở hữu cổ phiếu).

Luật sư của Trịnh Văn Quyết: Vụ án chỉ có 133 bị hại - 2

Ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: Công lý).

Phân tích, người bào chữa cho ông Quyết nói, khi tra cứu ngẫu nhiên trong 30.403 nhà đầu tư ở nhóm thứ 2, nhiều trường hợp đã bán và có lãi. Luật sư trích dẫn 5 người, lãi từ gần 54 triệu đến hơn 520 triệu đồng.

"Một cách khách quan, nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và đã bán tức là đã thu hồi lại được số tiền đã bỏ ra để mua cổ phiếu", luật sư lập luận và chỉ ra trong danh sách 30.403 bị hại có nhiều trường hợp bị trùng.

Ngoài ra, theo bà Huế, nhiều người nằm trong danh sách 30.403 bị hại khẳng định: "Đầu tư mua cổ phiếu là do tự nguyện", "không yêu cầu bồi thường"... Do đó, luật sư cho rằng số bị hại trong vụ án này chỉ là 133, với số tiền bị chiếm đoạt là hơn 2,2 tỷ đồng.

Còn với số tiền hơn 3.600 tỷ cựu Chủ tịch FLC thu được từ việc bán cổ phiếu ROS, luật sư nhận định đây là tiền "hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án".

Bà Huế cho biết ông Quyết vẫn phải có trách nhiệm nộp lại số tiền trên vào ngân sách Nhà nước và thực tế bị cáo đã cam kết sẽ bán toàn bộ tài sản đang bị phong tỏa để khắc phục.

Vai trò của em gái ông Huế

Trong bản luận tội, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) bị VKS đánh giá là có vai trò rất tích cực, xuyên suốt và trực tiếp thực hiện hành vi nâng khống vốn góp, niêm yết cổ phiếu và bán cổ phiếu giúp bị cáo Quyết.

Ngoài ra, Huế còn bị cáo buộc mượn giấy tờ tùy thân của các cá nhân để mở tài khoản chứng khoán, nhằm thao túng 4 mã cổ phiếu, giúp anh trai thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.

Do đó, VKS đề nghị phạt Trịnh Thị Minh Huế 17-19 năm tù về 2 tội tương tự ông Quyết.

Trước tòa, luật sư bào chữa của Huế đưa ra 5 luận cứ để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Luật sư của Trịnh Văn Quyết: Vụ án chỉ có 133 bị hại - 3

Trịnh Thị Minh Huế (Ảnh: BVPL).

Luật sư cho rằng Huế không thực hiện, không có thẩm quyền điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn mà chỉ là người thực hiện một phần trong chuỗi các hành vi tăng vốn theo chỉ đạo.

Ngoài ra, theo luật sư, bị cáo không biết về chủ trương niêm yết cổ phiếu ROS khi được giao và thực hiện lập danh sách cổ đông.

"Huế là người thực hiện công việc theo chỉ đạo và buộc phải thực hiện các hành vi theo sự chỉ đạo của anh trai", người bào chữa cho em gái ông Quyết nói.

Luật sư cũng cho biết thân chủ của mình đã thực hiện hành vi khi không biết về các hệ quả pháp lý, rủi ro có thể phát sinh.

Lập luận cuối cùng của luật sư là Huế không được hưởng lợi, không được hứa hẹn về lợi ích sẽ được nhận khi thực hiện các hành vi trên.

Dòng sự kiện: Xét xử vụ án FLC