1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Lớp học chữ gieo khát vọng hoàn lương

(Dân trí) - Những “học trò” trong đồng phục áo sọc, bàn tay đã từng gây án, giờ đây ngồi nắn nót từng nét bút, vất vả uốn nét tròn, nét thẳng. Có người đi qua nửa đời người mới bắt đầu bài học vỡ lòng. Họ là những phạm nhân – học viên lớp xóa mù chữ được tổ chức tại Trại giam số 3 – Bộ Công an.

Lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân tại Trại giam số 3

Tiếng ê a học chữ sau song sắt

Trên chiếc bảng đen, thầy giáo trong sắc phục công an nắn nót ghi những chữ cái thật to. Trong những buổi đầu, các học viên vẫn đang tập nhận biết mặt chữ. Ở dưới lớp, 28 học viên chăm chú nhìn từng nét phấn của “thầy”.

Họ, người nhiều tuổi nhất đã hơn 60, người ít tuổi nhất cũng đã 25 tuổi, đều khoác trên mình bộ quần áo phạm nhân. Đó là những học viên lớp xóa mù chữ thứ 14 của Trại giam số 3 – Bộ Công an (đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An).

Lớp học xóa mù chữ được tổ chức hàng năm tại Trại giam số 3
Lớp học xóa mù chữ được tổ chức hàng năm tại Trại giam số 3

Tiếng gõ nhịp thước vào bảng vang lên, thầy đọc trước, trò đọc sau. Tiếng đọc bài phát ra từ lớp học ở trại giam nghe thật đặc biệt…

“Trong quá trình thụ án tại trại, các phạm nhân bên cạnh học nghề, lao động cải tạo còn được học tập chính trị, pháp luật, thời sự và giáo dục công dân… Việc không biết chữ sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp thu của các phạm nhân cũng như công tác giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi của cán bộ quản giáo.

Tất cả phạm nhân chưa biết chữ đều phải tham gia học, buổi học được tính như một buổi lao động cải tạo. Kết quả của khóa học là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành cải tạo của các phạm nhân. Mặc dù là bắt buộc nhưng khi tham gia lớp, các phạm nhân đều rất có ý thức và ham học dù rằng khả năng tiếp thu của họ còn nhiều hạn chế”, Trung tá Đào Anh Sơn – Phó Giám thị Trại giam số 3 cho biết.

Đứng lớp là thầy giáo trong sắc phục công an, có nghiệp vụ sư phạm
Đứng lớp là thầy giáo trong sắc phục công an, có nghiệp vụ sư phạm

Nội dung chương trình học, kiểm tra đánh giá, cấp chứng chỉ hoàn thành lớp xóa mù chữ được Trại phối hợp với Trường tiểu học Dũng Hợp (Tân Kỳ) thực hiện. Tuy nhiên, do đặc thù về lứa tuổi, khả năng tiếp nhận của học viên nên các cán bộ đứng lớp phải tự chuẩn bị giáo án cho phù hợp.

“Phần lớn "học sinh" là người nhiều tuổi, chủ yếu là dân tộc thiểu số, thậm chí có cả phạm nhân người Lào, nhiều người chưa nói sõi tiếng Việt. Dạy chữ cho họ không thể nóng vội được mà phải nhẫn nại, cực kỳ nhẫn nại, bày từng li từng tí. Có thể hôm nay dạy thì đọc được nhưng sang ngày mai là họ quên hết, phải dạy lại từ đầu.

Trại giam số 3 hiện đang giam giữ gần 2500 phạm nhân, trong đó có 150 người đang thụ án chung thân và hàng trăm người mang trọng án khác. Tỉ lệ phạm nhân mù chữ hoặc tái mù chữ tại đơn vị này chiếm khoảng 5%, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Hàng năm, Trại phối hợp với Phòng GD&ĐT Tân Kỳ, Trường Tiểu học Dũng Hợp tổ chức lớp xóa mù chữ cho các phạm nhân thi hành án tại đây.

Tay các học viên cũng đã “cứng”, việc dạy viết cũng rất khó khăn. Thầy phải cầm tay đưa từng chữ, vừa dạy vừa động viên, khích lệ để họ không chán nản, bỏ cuộc…”, Đại úy Nguyễn Bá Đường – cán bộ Đội giáo dục hồ sơ, Trại giam số 3 cho biết.

Với sự kiên trì và cố gắng của cả “thầy” lẫn “trò” cộng với việc học tập trung ngày 2 buổi nên chỉ tầm nửa tháng, các học viên đã có thể nhận biết và viết được chữ cái. Hoàn thành khóa học, các phạm nhân đọc thông viết thạo, làm được các phép toán tương đương với trình độ lớp 3 và được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình xóa mù chữ.

Với những học trò đặc biệt này, người thầy phải cực kỳ kiên trì và nhẫn nại
Với những "học trò" đặc biệt này, người thầy phải cực kỳ kiên trì và nhẫn nại

Học mà không rèn thì nguy cơ tái mù chữ cao nên các phạm nhân được phép mượn hoặc lên thư viện của Trại giam để đọc sách, báo (với những đầu sách đã được chọn lọc) vào thời gian quy định. Thói quen đọc sách cũng đã được hình thành và phát triển sâu rộng trong các phạm nhân thi hành án tại đây.

Bồi đắp khát vọng hoàn lương

Sầm Văn Chiến (SN 1995, trú huyện Quế Phong, Nghệ An) là học viên trẻ nhất của lớp xóa mù chữ mới được khai giảng hôm đầu tháng 4 vừa qua. Chiến cũng được Ban giám thị và cán bộ quản lý lớp phân công làm lớp trưởng. Tôi gặp Chiến đúng hôm khai giảng lớp học, trông cậu có vẻ hồi hộp và có phần phấn chấn trước “nhiệm vụ” mới mẻ này.

“Em có 2 đứa con rồi. Nghèo đói, không biết chữ, thiếu hiểu biết pháp luật nên phạm tội. Vào đây nhớ vợ, nhớ con lắm. Con em năm nay học mẫu giáo rồi đấy. Em phải cố gắng thi đua với con, hai năm nữa ra tù, cả bố và con đều đã biết chữ cả rồi”, Chiến cười đầy hi vọng.

Chiến bảo nhất định cậu không để cho các con thất học bởi hơn ai hết, Chiến thấm thía cái khổ và hệ lụy của việc mù chữ và thiếu hiểu biết.

Khi biết chữ, các phạm nhân được mượn sách báo hoặc lên thư viện của Trại giam số 3 để đọc, tìm kiếm thông tin
Khi biết chữ, các phạm nhân được mượn sách báo hoặc lên thư viện của Trại giam số 3 để đọc, tìm kiếm thông tin

Quê Lạng Sơn, gia đình không có điều kiện nên khi còn nhỏ phạm nhân Đinh Văn Tài không được đi học. Lớn lên thì mặc cảm nên cũng không chịu đi học chữ. 2 năm trước, Đinh Văn Tài nhập Trại giam số 3 với lí lịch trích ngang: không biết chữ. Giờ thì phạm nhân này đã đọc thông, viết thạo và là “khách” thường xuyên của thư viện Trại.

“Học chữ không khó như tôi tưởng. Không chỉ đọc được sách báo mà tôi còn viết được thư về nhà, thông tin tình hình cải tạo của mình, động viên anh chị yên tâm. Trước đây chưa biết chữ thì chỉ khi nào anh chị lên thăm mới được nói chuyện. Giờ biết chữ rồi, “nói chuyện” với gia đình bằng thư được nhiều hơn”, phạm nhân Tài chia sẻ.

Thụ án ở đây đã 11 năm, trải qua nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng, được cán bộ động viên, năm 2017, Vừ Bá Thái (trú huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mới “dám” tham gia lớp xóa mù chữ. Dù tuổi không còn trẻ nhưng Vừ Bá Thái được đánh giá là tiếp thu nhanh và rất chịu khó trong học tập. Kết thúc khóa học, điểm thi của nam phạm nhân này nằm trong Top đầu của lớp.

Văn hóa đọc đã được hình thành trong trại giam, góp phần cảm hóa và bồi đắp khát vọng hoàn lương cho các phạm nhân
Văn hóa đọc đã được hình thành trong trại giam, góp phần cảm hóa và bồi đắp khát vọng hoàn lương cho các phạm nhân

“Ngày trước ở ngoài không biết chữ, nghĩ cái chữ không quan trọng nên cũng không bận tâm lắm. Vào đây được các thầy, các cán bộ giải thích, động viên đi học. Giờ biết chữ rồi, đọc được cả báo, cả sách, biết được nhiều thứ, thấy vui lắm”, Vừ Bá Thái chia sẻ.

Thái sẽ phải dành cả quãng đời còn lại để trả món nợ pháp luật. Tuy nhiên, cuộc sống của phạm nhân này không còn gói buộc sau những song sắt trại giam mà vươn xa hơn, qua những trang sách, trang báo của bầu trời tri thức rộng lớn để hi vọng ngày trở về…

Hoàng Lam